Ngân hàng mạnh tay chia cổ tức: Niềm vui ngắn chẳng tày gang!

Mùa ĐHĐCĐ 2024 của các ngân hàng diễn ra trong niềm vui và cả sự hụt hẫng của cổ đông khi nơi thì chia cổ tức 'đậm', nơi thì vẫn dửng dưng…

Niềm vui và nỗi buồn

Lần đầu tiên sau 10 năm, cổ đông của Techcombank được hưởng niềm vui nhận cổ tức. Phương án trả cổ tức tiền mặt năm 2023 của Techcombank là 15%/cổ phiếu, tức một cổ phiếu nhận 1.500 đồng. Số tiền dự kiến chi trả cổ tức bằng tiền mặt là 5.283,7 tỷ đồng. Còn VIB cũng đã thông qua phương án tạm ứng chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2023 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 12,5% tương đương 1.250 đồng mỗi cổ phiếu.

ACB chia cổ tức năm 2023 từ nguồn lợi nhuận giữ lại của năm 2023 và các năm trước là 19.886 tỷ đồng. Cụ thể, ACB chia cổ tức tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt, tương ứng với mức sử dụng lợi nhuận giữ lại là 9.710 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ACB cũng cho biết, tỷ lệ cổ tức này cũng được ngân hàng dự kiến tiếp tục áp dụng cho năm 2024 với mức vốn sử dụng tương ứng là 11.166 tỷ đồng.

Tuy không chia cổ tức bằng tiền mặt nhưng MSB, NamABank, OCB đã lên kế hoạch chia cổ tức bằng hình thức phát hành cổ phiếu, với tỷ lệ từ 13% đến 30%.

Ngược với câu chuyện xông xênh chia cổ tức, chủ tịch HĐQT ABBank “vỗ về” cổ đông khi ngân hàng không chi trả cổ tức năm 2023: “Ngân hàng cần bỏ tiền để đầu tư, xây dựng nền tảng, vì vậy mong cổ đông kiên nhẫn để hái ‘quả ngọt’ vì chiến lược không thể nhanh được, cần thời gian kiên nhẫn”. Được biết, tổng lợi nhuận chưa phân phối của ABB đang là 1.840,7 tỷ đồng.

Câu chuyện cũng tương tự tại TPBank. Ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế năm 2023 là 5.589 tỷ đồng, chỉ thực hiện được 64% kế hoạch năm 2023 đặt ra là 8.700 tỷ đồng. Sau khi nộp thuế thu nhập, trích các quỹ và nộp ngân sách… lợi nhuận còn lại là 3.697 tỷ đồng và giữ lại, chưa phân phối.

Theo tờ trình phương án phân phối lợi nhuận năm 2023 tại tài liệu ĐHĐCĐ, sau khi trừ đi thuế và trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại của Sacombank là 5.717 tỷ đồng. Với lợi nhuận giữ lại các năm trước ghi nhận 12.671 tỷ đồng, theo đó, tổng lợi nhuận giữ lại lũy kế của ngân hàng đang ở mức 18.387 tỷ đồng. Tuy nhiên, Sacombank vẫn trì hoãn việc trả cổ tức, đánh dấu 2024 là năm thứ 9 nhà băng này không chia cổ tức cho cổ đông.

Ảnh minh họa

Cổ đông LPBank đã được ấn định không chia cổ tức trong vòng 3 năm nhằm xây dựng nền tảng và tăng cường năng lực tài chính thông qua việc sử dụng lợi nhuận để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu của Chứng khoán MB (MBS) cho biết thông tin đáng chú ý là mức độ trích lập dự phòng của các ngân hàng thương mại có dấu hiệu giảm tốc thấy rõ qua từng quý trong năm 2023. Chi phí trích lập dự phòng toàn ngành trong quý I/2023 tăng 16,1% so với cùng kỳ thì đã giảm xuống chỉ còn tăng 2,3% so với cùng kỳ trong quý IV/2023. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước ghi nhận tổng chi phí trích lập tăng 1,3% trong quý I/2023 và đã giảm 13,3% so với cùng kỳ trong quý IV/2023; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần cũng giảm mức tăng trưởng trích lập từ 34,3% trong quý đầu năm 2023 xuống còn 16,6% trong quý cuối năm 2023.

“Điều này là không quá tích cực đối với bức tranh chung toàn ngành. Nguyên nhân của việc giảm trích lập có thể đến từ dấu hiệu chất lượng tài sản đã cải thiện đôi chút và nhằm đảm bảo kết quả kinh doanh không quá xa so với kế hoạch. Do đó, trích lập dự phòng sẽ tiếp tục là một gánh nặng đối với các ngân hàng trong năm 2024 khi các ngân hàng cần ‘tăng trưởng’ sẽ theo đuổi các chiến lược mạo hiểm hơn nhằm giữ được room tín dụng khiến cho chất lượng các khoản vay không được đảm bảo”, bà Hiền nhận định.

Câu chuyện này còn có nghĩa, mặc dù “xông xênh” khi chia lợi nhuận năm 2023 nhưng năm 2024 có thể khác.

Thực tế đáng lo ngại

Đề cập về vấn đề lãi suất thấp nhưng tín dụng tăng trưởng yếu, ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cảnh báo nếu các khoản vay lãi suất thấp không hiệu quả, rủi ro các khoản này biến thành nợ xấu trong tương lai sẽ ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn có thể khiến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính với các khoản nợ hiện tại gặp khó khăn.

Dự báo cho cả năm 2024, bà Trần Thị Khánh Hiền cho rằng việc thu hút tín dụng bằng cách giảm lãi suất trong bối cảnh nhu cầu tín dụng thấp như hiện tại sẽ đẩy các ngân hàng thương mại vào trạng thái thiếu đi bộ đệm trích lập dự phòng cho những khoản nợ xấu phát sinh. Điều này sẽ diễn ra mạnh hơn tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần so với nhóm ngân hàng thương mại nhà nước.

Nguyên nhân thứ nhất đến từ cơ cấu cho vay của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước được hỗ trợ nhiều từ nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp nhà nước với dòng tiền trả nợ và xếp hạng tin nhiệm cao hơn hẳn so với nhóm khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) hay khách hàng cá nhân.

Nguyên nhân thứ hai là tỷ lệ LLR tại cuối năm 2023 của các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần lần lượt là 188,9% và 61,1%; một sự chênh lệch rất lớn. Ngoài ra, nợ xấu của 2 nhóm cũng lần lượt đạt 1,1% và 2,5% tại cuối 2023. Điều này cho thấy rằng nhóm ngân hàng thương mại cổ phần sẽ không còn nhiều dư địa cho việc phát sinh nợ xấu và điều này ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng tăng trưởng tín dụng của nhóm ngân hàng này.

“Nợ xấu toàn ngành sẽ tăng nhẹ 10-20 điểm cơ bản trong 6 tháng đầu năm 2024 dưới tác động của tăng trưởng tín dụng thấp”, bà Hiền cảnh báo.

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước, thừa nhận một thực tế đáng lo ngại là nợ xấu đang có xu hướng tăng nhanh. Nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đến cuối năm 2023 là 4,55%. Riêng năm 2023 tăng 2,03% nợ xấu nội bảng, chưa kể là các khoản nợ xấu được tạm thời cơ cấu lại, bán cho VAMC mà chưa được xử lý…

Theo ông Tú, các con số cho thấy không thể đẩy mạnh tín dụng một cách ồ ạt, bất chấp các tiêu chuẩn để nền kinh tế gánh nợ xấu, trở thành cục máu đông như cách đây hơn 10 năm mà phải xử lý cho đến bây giờ vẫn chưa hết.

“Doanh nghiệp đổ vỡ thì cũng chỉ doanh nghiệp đó bị phá sản. Còn ngân hàng đổ vỡ thì ảnh hưởng đến cả nền kinh tế. Nợ xấu ảnh hưởng đến an toàn an ninh của nền tài chính quốc gia, ảnh hưởng đến an toàn lành mạnh của hệ thống các TCTD. Câu chuyện tín dụng cần phải đẩy mạnh, cần phải tăng nhanh nhưng không phải chấp nhận hạ chuẩn tín dụng để đưa tín dụng ra một cách ồ ạt”, ông Tú nhấn mạnh.

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD quý II/2024 vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố, tình hình kinh doanh tổng thể và lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý I/2024 chưa được như nhận định và kỳ vọng của các TCTD tại kỳ điều tra trước. Cụ thể, các TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn trong quý II/2024 nhưng vẫn thận trọng khi kỳ vọng cho cả năm 2024 với 70,9% - 72,7% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý II và cả năm 2024.

Các TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế có thể phục hồi từ quý II/2024 với 57,3% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế “tăng trưởng” so với quý I/2024, 30,9% TCTD kỳ vọng “không đổi” và 11,8% TCTD lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh “suy giảm”. Trong năm 2024, 86,2% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2023. Bên cạnh đó, vẫn có 10,1% TCTD lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2024 và 3,7% ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Ảnh minh họa

Phong Lê

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/ngan-hang-manh-tay-chia-co-tuc-niem-vui-ngan-chang-tay-gang-d109958.html