Ngân hàng được sử dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn như thế nào?

Hỏi: Tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng hiện nay là bao nhiêu và được quy định tại văn nào?

Luật sư Trần Xuân Đông - Trưởng Văn phòng Luật sư Vị Dương (đoàn luật sư TP. Hà Nội)

Trả lời: Theo quy định hiện hành, các tổ chức tín dụng được sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn nhưng phải tuân theo quy định về tỷ lệ tối đa, cụ thể hiện nay là 30%. Các nội dung này đã được thể hiện trong Thông tư 22/2019/TT-NHNN và sau đó được sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 08/2020/TT-NHNN.

Cụ thể, Thông tư số 08 quy định, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn theo lộ trình sau đây:

a) Từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2021 là 40%; b) Từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022 là 37%; c) Từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 30/9/2023 là 34%; d) Từ ngày 1/10/2023 là 30%.”

Như vậy, quy định tại Thông tư 08 thì đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng sẽ về mức 30%. Có thể thấy việc thực hiện giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đang theo một lộ trình khá rõ ràng và nghiêm ngặt.

Căn cứ tại khoản 2 Điều 16 Thông tư 22, tổng dư nợ cho vay trung hạn, dài hạn bao gồm:

a) Dư nợ các khoản sau đây có thời hạn còn lại trên 01 (một) năm:

(i) Các khoản cho vay (bao gồm cả khoản cho vay đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác tại Việt Nam), trừ:

- Khoản cho vay bằng nguồn ủy thác của Chính phủ, cá nhân và của tổ chức khác (bao gồm cả tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác tại Việt Nam; ngân hàng mẹ, chi nhánh ở nước ngoài của ngân hàng mẹ) mà các rủi ro liên quan đến khoản cho vay này do Chính phủ, cá nhân và tổ chức này chịu;

- Khoản cho vay các chương trình, dự án được Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn theo quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

(ii) Các khoản ủy thác cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác cho vay mà ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ủy thác chịu rủi ro;

(iii) Các khoản mua, đầu tư vào giấy tờ có giá, các khoản ủy thác mua, đầu tư giấy tờ có giá theo quy định pháp luật mà ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ủy thác chịu rủi ro; trừ giấy tờ có giá được sử dụng trong các giao dịch của Ngân hàng Nhà nước (không bao gồm trái phiếu do Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam phát hành);

(iv) Đối với khoản cho vay, ủy thác cho vay quy định tại tiết (i) và tiết (ii) điểm này có nhiều kỳ hạn trả nợ gốc khác nhau thì thời hạn còn lại để tính vào dư nợ cho vay trung, dài hạn được xác định đối với từng kỳ hạn trả nợ gốc của khoản nợ đó.

b) Dư nợ gốc bị quá hạn của khoản cho vay, ủy thác cho vay, số dư mua, đầu tư giấy tờ có giá, số dư ủy thác mua, đầu tư giấy tờ có giá theo quy định pháp luật./.

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ngan-hang-duoc-su-dung-ty-le-von-ngan-han-cho-vay-dai-han-nhu-the-nao-150561-150561.html