Ngăn chặn tội phạm lừa đảo, đánh cắp dữ liệu cá nhân

Sau vụ bắt hacker xâm nhập hệ thống một ngân hàng, thực hiện 7 lần rút tiền và chiếm đoạt số tiền lên đến 10 tỷ đồng vào năm 2023, các cơ quan chức năng TPHCM tiếp tục ghi nhận nhiều vụ việc tương tự xảy ra từ đầu năm đến nay.

Căn cước công dân và tài liệu giả mạo của băng nhóm tội phạm bị Công an quận 3, TPHCM thu giữ vào tháng 3/2024. Ảnh: CACC.

Căn cước công dân và tài liệu giả mạo của băng nhóm tội phạm bị Công an quận 3, TPHCM thu giữ vào tháng 3/2024. Ảnh: CACC.

Dữ liệu cá nhân bị mua, bán

Ngày 22/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an quận 3 (TPHCM) đã ra các quyết định khởi tố vụ án và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Châu Tiến Dũng (45 tuổi, trú quận Tân Bình) về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “mua bán, tài liệu của cơ quan tổ chức”. Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng khởi tố các đối tượng khác liên quan thuộc băng nhóm làm giả căn cước công dân (CCCD) gây bức xúc dư luận.

Trước đó, đầu tháng 3/2024 khi Tổ công tác 363, Công an quận 3 đang thực hiện tuần tra kiểm soát địa bàn, đã phát hiện Châu Tiến Dũng có dấu hiệu nghi vấn nên yêu cầu dừng xe, kiểm tra hành chính. Tổ Công tác đã bắt quả tang đối tượng này sử dụng một số CCCD giả, không có mã QR. Tiếp tục kiểm tra điện thoại cá nhân, lực lượng chức năng phát hiện có những tin nhắn, hình ảnh thể hiện nội dung có liên quan đến hoạt động làm giả, mua bán CCCD. Xác định tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Công an quận 3 vào cuộc điều tra, sau đó đã triệt phá băng nhóm làm giả CCCD liên quan đến đối tượng Dũng.

Tại cơ quan công an, Dũng và các đồng phạm khai nhận, từ cuối năm 2023 đã lên mạng tìm hiểu về cách làm giả CCCD để sử dụng lừa đảo vay tiền ở các ứng dụng trên mạng xã hội. Quá trình đó, Dũng mua hàng chục CCCD gắn chip, với mức giá 100 - 150 nghìn đồng/CCCD rồi cùng đồng phạm chỉnh sửa, điền thông tin giả. Nhóm của Dũng đã sử dụng các CCCD giả để vay tiền, lừa được 52 triệu đồng, đồng thời cũng tổ chức bán các CCCD giả cho người có nhu cầu, được 4,5 triệu đồng.

Vừa qua, Công an quận Phú Nhuận (TPHCM) cũng triệt phá một đường dây làm giả CCCD và lập tài khoản ngân hàng để lừa đảo. Theo nội dung vụ việc, đối tượng Phó Lâm Việt Tân (22 tuổi, trú quận Gò Vấp, TPHCM) thừa nhận việc đã dùng CCCD giả tới chi nhánh Ngân hàng Viettinbank trên đường Phan Đình Phùng (phường 1, quận Phú Nhuận) để yêu cầu nhân viên ngân hàng mở tài khoản. Đối tượng khai nhận, được Lê Văn Điểm (31 tuổi, trú quận 11) thuê dùng thẻ CCCD giả để đi đăng ký tài khoản ngân hàng và được trả công từ 700 nghìn đến 1 triệu đồng/tài khoản mở được. Tuy nhiên, do phát hiện điểm nghi vấn nên nhân viên chi nhánh ngân hàng đã kịp thời phát hiện, báo công an bắt giữ các đối tượng…

Chế tài mới để kiểm soát tội phạm mạng

Tình trạng lợi dung rò rỉ thông tin CCCD và tài khoản ngân hàng cá nhân để lừa đảo hoặc trục lợi đã được Công an TPHCM cảnh báo thường xuyên, nhất là thời điểm người dân đổ về thành phố làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Từ phản ánh của các ngân hàng bị các đối tượng sử dụng thông tin để thực hiện liên tiếp các vụ việc lừa đảo, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã chỉ đạo, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) và Công an thành phố theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị nghiên cứu, nắm bắt thông tin và phối hợp xử lý đối với những nội dung phát sinh thuộc thẩm quyền, đảm bảo môi trường kinh doanh an toàn, minh bạch trên địa bàn.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Chi nhánh TPHCM cũng gửi báo cáo tới UBND TPHCM về tình trạng các đối tượng sử dụng thông tin cá nhân để thực hiện hành vi lừa đảo qua việc rút tiền từ ngân hàng.

Theo đại diện NHNN, Chi nhánh TPHCM, cơ quan này đã nhận được liên tiếp các thông tin phản ánh của các ngân hàng, nhất là chi nhánh ngân hàng nước ngoài, phản ánh một số cá nhân không rõ lai lịch đã tự nhận là nhân viên của ngân hàng, sử dụng mạng xã hội để kết bạn, yêu cầu những người có nhu cầu vay vốn truy cập vào các đường dẫn do các đối tượng này cung cấp nhằm khai thác thông tin cá nhân (họ tên, số điện thoại, địa chỉ, CCCD). Sau đó, các đối tượng tội phạm đã chiếm đoạt các khoản tiền đã được chuyển. Việc làm trên đã gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh và thương hiệu của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại TPHCM. Do đó, NHNN, Chi nhánh TPHCM đề nghị các cơ quan chức năng của TPHCM phối hợp, xác minh, xử lý nghiêm các đối tượng kể trên.

Ở góc độ quản lý không gian mạng, ngày 27/2, Sở TTTT TPHCM triển khai phần mềm “Lắng nghe mạng xã hội”. Theo ông Nguyễn Thanh Hòa - Trưởng phòng Thông tin điện tử, Sở TTTT TPHCM, phần mềm này có khả năng nhận diện tâm trạng, cảm xúc của cộng đồng với sắc thái tích cực, trung lập, tiêu cực. Nhờ đó, thu thập dữ liệu từ một loạt các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook, Twitter, Instagram, YouTube và nhiều nền tảng online khác. Các dữ liệu này ngoài được sử dụng để giúp các cơ quan quản lý nhà nước của thành phố chủ động trong việc tiếp nhận và hiểu rõ hơn về ý kiến và nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; còn là kênh nắm bắt các phản ánh của người dân về những vấn đề trên địa bàn để xây dựng chính sách quản lý hiệu quả hơn.

Ngoài ra, Sở TTTT, Đoàn Luật sư TPHCM và Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cũng vừa ký kết biên bản ghi nhớ, nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cải thiện chính sách và thúc đẩy sự hợp tác giữa các tổ chức trong việc đảm bảo an toàn cho mọi người khi sử dụng Internet, bảo vệ dữ liệu người dùng và ngăn chặn tội phạm mạng lừa đảo.

LÊ ANH

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ngan-chan-toi-pham-lua-dao-danh-cap-du-lieu-ca-nhan-10276140.html