Nga sẵn sàng nối lại đối thoại kiểm soát vũ khí với Mỹ

Thứ trưởng Ngoại giao Nga tuyên bố nước này có thể nối lại đàm phán về kiểm soát vũ khí với Mỹ nếu Washington sẵn sàng.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. Ảnh: AP

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. Ảnh: AP

Hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết thông tin trên ngày 12/3.

Ông Ryabkov nói rằng Moskva và Washington vẫn duy trì liên lạc thường xuyên, nhưng Điện Kremlin không thấy dấu hiệu nào cho thấy Nhà Trắng sẵn sàng tiếp tục đối thoại về Ukraine.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga cũng bổ sung rằng Moskva đã chuẩn bị thảo luận về các vấn đề Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) với Mỹ. New START đã được thực thi kể từ năm 2011. Đây là hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ. Theo hiệp ước, kho vũ khí hạt nhân của mỗi nước chỉ được giới hạn ở mức 700 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa, 1.550 đầu đạn hạt nhân và 800 bệ phóng. New START chính thức hết hiệu lực vào tháng 2/2021. Sau đó, Mỹ và Nga đã thống nhất gia hạn New START thêm 5 năm.

Ngoài ra, ông Ryabkov cho biết các đề xuất về đảm bảo an ninh mà Nga đã gửi cho Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trước khi quân Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2 không còn hiệu lực vì tình hình giờ đây đã thay đổi hoàn toàn.

Ông Ryabkov đề cập rằng Mỹ đang kích động chiến tranh kinh tế chống lại Nga. Ông tiết lộ Moskva đã chuẩn bị và sẽ sớm công bố một danh sách lệnh trừng phạt đáp trả các quốc gia phương Tây.

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 10/3 khuyến cáo các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào nước này liên quan vấn đề Ukraine sẽ gây bất ổn thị trường năng lượng và lương thực, thực phẩm toàn cầu.

Phát biểu tại một cuộc họp chính phủ được phát trên truyền hình, ông Putin cho rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đã bắt đầu tác động tiêu cực tới Mỹ và châu Âu, trong đó có việc khiến giá cả tăng cao.

Ông Putin cho hay Nga tôn trọng tất cả các nghĩa vụ về cung cấp năng lượng, theo đó tiếp tục xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, trong khi phương Tây khiến cho giá năng lượng tăng cao. Ngày 8/3 vừa qua, Mỹ đã cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, trong khi một số công ty dầu mỏ phương Tây, như Shell, tuyên bố sẽ ngừng mua dầu của Nga.

Ông Putin nhấn mạnh cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ khiến đất nước mạnh mẽ hơn, đồng thời kêu gọi người dân Nga "thích ứng với tình hình mới". Người phát ngôn Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ), ông Stephane Dujarric đã kêu gọi các biện pháp trừng phạt Nga không được phép gây tổn hại tới lợi ích của người dân nước này.

Cùng ngày 10/3, Văn phòng báo chí của Bộ Phát triển kinh tế Nga cho biết Tiểu ban quản lý thuế và phi thuế quan, các biện pháp bảo hộ thương mại của Ủy ban chính phủ phát triển kinh tế và hội nhập đã quyết định tạm thời cấm xuất khẩu ngũ cốc sang các nước thành viên Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU). Ngoài ra, Tiểu ban này cũng ủng hộ quyết định tạm cấm xuất khẩu đường trắng và đường mía thô từ Nga sang các nước thứ ba. Cả hai biện pháp có hiệu lực đến ngày 31/8.

Ngày 9/3, có thêm nhiều công ty đa quốc gia đã thông báo rút khỏi Nga trong đó có những cái tên như Nestle, Philip Morris và Sony. Các tập đoàn kinh doanh khách sạn như Hilton Worldwide Holdings và Hyatt Hotels Corp cũng thông báo ngừng hoạt động tại Nga.

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nga-san-sang-noi-lai-doi-thoai-kiem-soat-vu-khi-voi-my-20220312170903029.htm