Nét đẹp văn hóa đặc sắc trong lễ cúng bến nước của người Ê Đê

Người Ê Đê cúng bến nước không chỉ cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi mà còn mong người dân gặp nhiều may mắn trong năm mới.

Nhiều năm nay, lễ cúng bến nước được người dân tộc Ê Đê tại tỉnh Đắk Lắk xem là nghi lễ truyền thống quan trọng của dân tộc mình.

Theo người Ê Đê, lễ cúng bến nước có từ xa xưa, từ khi mới sinh ra, mỗi đồng bào của buôn phải có trách nhiệm lưu giữ những truyền thống thiêng liêng, trong đó có lễ cúng bến nước”.

Người dân theo chân già làng mang lễ vật đi về bến nước thực hiện nghi lễ cúng.

Người dân theo chân già làng mang lễ vật đi về bến nước thực hiện nghi lễ cúng.

Nghi lễ này thường được thực hiện vào dịp đầu năm trước khi vào vụ sản xuất mới, để tạ ơn các vị thần và cầu mong thần linh ban cho dòng nước trong lành, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, người dân gặp nhiều may mắn trong năm mới.

Đồng thời, đây cũng là một trong những hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang ý nghĩa tâm linh. Qua đó, giúp cho tất cả người dân cùng chung sức giữ nguồn nước và môi trường cảnh quan bến nước sạch sẽ, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Ê Đê.

Thầy cúng thực hiện các nghi lễ cúng bến nước.

Thầy cúng thực hiện các nghi lễ cúng bến nước.

Trong không khí vui tươi của ngày đầu năm 2024, người dân tộc Ê Đê ở nhiều buôn làng tại các xã Ea Hồ (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk), Cư Pui (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk), hay xã Cư Né (huyện Krông Búk),… đã nô nức cùng nhau chuẩn bị các lễ vật để tổ chức lễ cúng bến nước.

Lễ cúng được thực hiện theo đúng phong tục của người Ê Đê. Ngày thứ nhất, người dân trong buôn cùng nhau sửa lại bến nước, thay ống dẫn nước.

Ngày thứ hai, từ sáng tinh mơ, bà con theo chân già làng mang lễ vật đi về bến nước thực hiện nghi lễ. Lễ vật dâng cúng gồm 2 con heo, 9 ché rượu và nhiều lễ vật khác.

Tiếng cồng chiêng vang lên trong lễ cúng bến nước.

Tiếng cồng chiêng vang lên trong lễ cúng bến nước.

Khi lễ vật đã được chuẩn bị sẵn sàng, tất cả những người dân trong buôn cùng nhau ra bến nước để chuẩn bị cho lễ cúng. Lúc này, cô gái Ê Đê sẽ lấy chiếc bầu to nhất hứng đầu nước để làm lễ cúng. Trong thời gian làm lễ cúng bến nước, tất cả hoạt động như làm rẫy, săn bắt, hái lượm đều phải dừng lại, ai vi phạm sẽ bị phạt theo lệ của buôn.

Tại đây, thầy cúng thực hiện các nghi thức cúng tại bến nước và đọc lời khấn mong các vị thần phù hộ cho nguồn nước trong lành, không bao giờ cạn, mọi người trong buôn uống dòng nước này đều mạnh khỏe,…

Sau khi kết thúc nghi thức cúng tại bến nước, các cô gái Ê Đê hứng từng bầu nước đầy tràn, gùi về buôn.

Sau khi kết thúc nghi thức cúng tại bến nước, các cô gái Ê Đê hứng từng bầu nước đầy tràn, gùi về buôn.

Kết thúc nghi thức cúng tại bến nước, các cô gái Ê Đê hứng từng bầu nước đầy tràn, gùi về buôn. Ngay sau đó, thầy cúng và mọi người lên nhà cộng đồng buôn để làm lễ cúng sức khỏe cho chủ bến nước và cúng sức khỏe cho thầy cúng, đội cồng chiêng và mọi người trong buôn.

Trong ngôi nhà cộng đồng buôn, tiếng chiêng ngân lên chào đón đội nghi lễ về. Thầy cúng lấy từng bầu nước mát được gùi từ bến nước về đổ vào các bình rượu cần. Sau đó, mọi người tổ chức ăn uống, múa hát, thưởng thức rượu cần và thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng, buôn, làng.

Nghi thức cúng sức khỏe cho chủ bến nước và mọi người dân trong buôn.

Nghi thức cúng sức khỏe cho chủ bến nước và mọi người dân trong buôn.

Ngày nay, cuộc sống ngày càng hiện đại, người Ê Đê trong các buôn làng đa phần sử dụng nước giếng, nước từ các công trình cấp nước tập trung của nhà nước đầu tư phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Thế nhưng đồng bào dân tộc Ê Đê ở các buôn làng vẫn duy trì nghi lễ cúng bến nước nhằm giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Khánh gọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/net-dep-van-hoa-dac-sac-trong-le-cung-ben-nuoc-cua-nguoi-e-de-a650061.html