Nét đẹp trong văn hóa đọc sách của nhân dân Thủ Đô ngày Sách và văn hóa đọc lần III

Chương trình Hội Sách chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba - năm 2024 được tổ chức từ ngày 17/4/2024 đến hết ngày 21/4/2024 tại khu vực Hồ Văn thuộc quần thể di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, với sự tham gia của gần 60 đơn vị xuất bản, phát hành sách trên cả nước. Hội Sách với nhiều chương trình, sự kiện giao lưu hấp dẫn, đa dạng về thể loại và số lượng các xuất bản phẩm, hứa hẹn sẽ trở thành ngày hội của độc giả và những người yêu sách.

Để văn hóa đọc phát triển rộng rãi hơn nữa trong cộng đồng, ngày 04/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1862/QĐ-TTg về tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (thay thế Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24/02/2014). Trong 10 năm qua, hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4, các phong trào đọc sách, các sự kiện về sách và văn hóa đọc ở nước ta đã đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa rộng rãi từ Trung ương tới các địa phương trong cả nước. Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam đã góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc; đồng thời tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.

Với truyền thống ngàn năm văn hiến, người Hà Nội từ bao đời nay có truyền thống ham đọc sách và coi trọng sách, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã đặc biệt quan tâm, chỉ đạo triển khai các hoạt động, phong trào phát triển văn hóa đọc, hoạt động tôn vinh sách, đưa Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4 thực sự có ý nghĩa trong đời sống xã hội. Các hoạt động phát triển văn hóa đọc trên địa bàn Thủ đô đã có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác triển khai của các cơ quan chuyên môn, các cấp chính quyền địa phương.

Những năm gần đây, văn hóa đọc Thủ đô đã có những bước phát triển rõ rệt, đọc sách đã dần trở thành thói quen và nét đẹp trong đời sống xã hội Thủ đô, ngành xuất bản đã khẳng định được vị trí, tầm quan trọng trong việc góp phần xây dựng xã hội học tập, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Từ năm 2014 đến nay, thiết thực chào mừng Kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 hằng năm, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND thành phố Hà Nội phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sự kiện Hội Sách Hà Nội với sự tham gia của các cơ quan đại diện ngoại giao tại Hà Nội, các NXB nước ngoài, trên 50 đơn vị xuất bản, phát hành sách uy tín, tiêu biểu trong nước. Các hoạt động giới thiệu, phát hành sách, giao lưu tác giả - tác phẩm tại Hội Sách đã góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa văn hóa đọc, thu hút sự quan tâm của nhân dân Thủ đô, giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực xuất bản. Hội Sách Hà Nội không chỉ tạo không gian văn hóa đọc, đáp ứng nhu cầu phong phú, đa dạng của bạn đọc Thủ đô, mà còn tôn vinh cảnh quan, không gian tổ chức sự kiện (Di sản Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội và Phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm), thể hiện tính văn hóa - giáo dục cao và văn hóa đặc trưng của Hà Nội.

Với mục đích tạo thêm một không gian văn hóa ý nghĩa phục vụ bạn đọc, nhân dân Thủ đô, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu thành phố Hà Nội triển khai và xây dựng công trình Phố Sách Hà Nội tại phố 19/12, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Sách Hà Nội đi vào hoạt động từ tháng 5/2017, được thiết kế đẹp, đồng bộ, không chỉ là địa chỉ giao lưu văn hóa, tọa đàm, giới thiệu sách mà còn là không gian phục vụ cộng đồng, nơi có thể tổ chức các hoạt động triển lãm, văn hóa, nghệ thuật, một điểm đến của du khách và nhân dân cả nước khi tới Hà Nội.

Từ năm 2016 đến nay, Hà Nội có thêm Phố Sách Xuân trong dịp Tết Nguyên đán tại Phố Sách Hà Nội và trở thành không gian văn hóa đọc mang đậm không khí Tết đặc trưng của Hà Nội, thu hút được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc và nhân dân Thủ đô.

Không gian văn hóa đọc tại Ngày hội

Đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và yêu cầu thực tế theo hướng đa dạng, phong phú, kết hợp các hoạt động truyền thống với phương thức tổ chức hiện đại theo xu thế phát triển của các nền tảng công nghệ, chuyển đổi số.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam đã góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục, rèn luyện nhân cách con người. Những hoạt động trong Ngày Sách và Văn hóa đọc cũng góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Vân Anh

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/nhan-vat-su-kien/net-dep-trong-van-hoa-doc-sach-cua-nhan-dan-thu-do-ngay-sach-va-van-hoa-doc-lan-iii-56970.html