Nền kinh tế 'suy nhược sức khỏe' đáng báo động, một quốc gia Bắc Mỹ đang trên bờ vực suy thoái

Tờ Financial Post ngày 18/1 đăng bài phân tích cho rằng tăng trưởng dân số đang làm 'méo mó' bức tranh kinh tế của Canada, đẩy lãi suất lên cao hơn mức cần thiết và khiến cuộc chiến chống lạm phát trở nên khó khăn hơn.

Dân số đang làm méo mó bức tranh kinh tế của Canada, đẩy lãi suất lên cao hơn mức cần thiết và khiến cuộc chiến chống lạm phát trở nên khó khăn hơn. (Nguồn: mpamag.com)

Dân số đang làm méo mó bức tranh kinh tế của Canada, đẩy lãi suất lên cao hơn mức cần thiết và khiến cuộc chiến chống lạm phát trở nên khó khăn hơn. (Nguồn: mpamag.com)

Theo bài báo, làn sóng nhập cư kỷ lục đang làm mờ bức tranh kinh tế của Ngân hàng trung ương Canada (BoC), làm sai lệch các số liệu thống kê quan trọng và khiến cuộc chiến chống lạm phát của họ trở nên khó khăn hơn.

Gia tăng dân số kỷ lục

Sự gia tăng về số lượng người mới đến, phần lớn là do những phát sinh ngoài kế hoạch của sinh viên nước ngoài và lao động tạm thời, đã đẩy tốc độ tăng trưởng dân số của Canada lên 3,2% - một trong những mức tăng nhanh nhất trên thế giới.

Quốc gia này đã có thêm hơn 1,2 triệu cư dân mới chỉ trong một năm, thúc đẩy tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và nhu cầu tiêu dùng, dẫn đến chi phí nhà ở cao hơn, đồng thời kéo giảm năng suất và làm tăng tỷ lệ thất nghiệp. Điều này đang gây lúng túng cho các nhà hoạch định chính sách và kinh tế của Canada.

Chuyên gia kinh tế Stefane Marion của Ngân hàng quốc gia Canada (NBC) cho rằng sự gia tăng dân số đang gây khó khăn cho BoC trong việc đánh giá giới hạn của tỷ lệ lãi suất thực tế. BoC đã tăng lãi suất cơ bản lên 5% vào giữa năm ngoái sau khi nền kinh tế cho thấy sức mạnh đáng ngạc nhiên, đặc biệt là về tiêu dùng.

Trong khi các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới còn gặp nhiều khó khăn trong việc dự báo về chuỗi cung ứng sau đại dịch, thì BoC là ngân hàng trung ương duy nhất ấn định lãi suất trong bối cảnh bùng nổ dân số ngày càng gia tăng.

Đây là thời điểm không thuận tiện, làm tăng thêm rủi ro đối với uy tín vốn đã bị tổn hại của BoC khi các nhà hoạch định chính sách cân nhắc liệu họ sẽ duy trì chi phí cho vay ở mức cao nhất của hơn hai thập kỷ qua trong bao lâu nữa. Chuyên gia Marion cho rằng không ai có được những mô hình hiệu chỉnh cho vấn đề này. Có lẽ BoC đã đánh giá sai tình hình.

Tháng Tư năm ngoái, BoC đã dành đáng kể thời gian trong các cuộc họp quyết định lãi suất để thảo luận về việc dòng dân cư đang tác động thế nào đến việc diễn giải dữ liệu kinh tế của họ. Khi BoC tăng lãi suất cơ bản vào tháng Bảy, Thống đốc Tiff Macklem đã đánh giá tác động của nhập cư đối với áp lực giá cả "gần bằng 0".

Tuy nhiên, Phó thống đốc BoC Toni Gravelle gần đây thừa nhận rằng sự gia tăng dân số đã dẫn tới chi phí nhà ở cao hơn. Lãi suất thế chấp và tiền thuê nhà là hai nguyên nhân chính gây ra tỷ lệ lạm phát 3,4% trong tháng 12/2023. Mặc dù vậy, ông cũng cho rằng về lâu dài, nhập cư sẽ giúp kiềm chế lạm phát, làm tăng GDP thêm 2-3 điểm phần trăm.

Chuyên gia kinh tế Dominique Lapointe của Manulife Investment Management nhận định tăng trưởng dân số mạnh mẽ khiến các chỉ số kinh tế được sử dụng theo truyền thống trở nên khó giải mã hơn. Nó tạo thêm một lớp đệm nữa, gây phức tạp cho việc ra quyết định về chính sách tiền tệ.

"Sức khỏe" khó đoán định

Thị trường việc làm cũng là một ví dụ nữa gây khó khăn cho công tác dự báo. Sự tăng trưởng việc làm giờ đây phải được xem xét trong bối cảnh lực lượng lao động mở rộng. Năm 2019, nền kinh tế tạo thêm trung bình 22.000 việc làm mới mỗi tháng và tỷ lệ thất nghiệp ổn định. Năm ngoái, Canada đã tạo ra khoảng 36.000 việc làm mới mỗi tháng, nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn gia tăng.

Theo dự báo, nếu tốc độ tăng trưởng chậm lại vào năm 2024, các nhà kinh tế cho rằng tỷ lệ thất nghiệp của Canada có thể tăng lên 6,7% vào cuối năm. Mức tăng này cho thấy sự suy giảm lớn nhất về điều kiện thị trường lao động nếu so sánh với các quốc gia thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp ở quy mô đó thường trùng hợp với thời kỳ suy thoái. Nhưng các nhà phân tích cho rằng Canada có thể sẽ bổ sung thêm việc làm vào năm 2024. Chính sự tăng trưởng lực lượng lao động sẽ khiến tỷ lệ này cao hơn.

Ông Marion là một trong nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng dòng người đổ vào Canada đang che giấu sự yếu kém tiềm ẩn của nền kinh tế nước này. Sau khi điều chỉnh theo dân số, kinh tế Canada đã không tăng trưởng kể từ quý II/2022, thời điểm sau khi BoC bắt đầu tăng lãi suất. GDP bình quân đầu người năm ngoái, thước đo về mức sống, đã giảm xuống ngang mức của năm 2017.

Giám đốc kinh tế Randall Bartlet của Tập đoàn Desjardins nhận định tăng trưởng dân số đang bóp méo mọi thứ và thực sự rất khó để hiểu được “sức khỏe” kinh tế Canada vào thời điểm này.

Có ý kiến cho rằng sẽ xuất hiện một cuộc suy thoái nhẹ trong nửa đầu năm nay, nhưng nếu nhìn theo góc độ bình quân đầu người, thì Canada đã ở trong thời kỳ suy thoái được một thời gian.

Việc dựa vào lao động nhiều hơn thay vì đầu tư vốn cũng tiếp tục mang đến rủi ro cho năng suất lao động của Canada, vốn đã sụt giảm trong sáu quý liên tiếp, và là lý do mà Chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau bị chỉ trích.

Chuyên gia chiến lược Benjamin Reitzes của Ngân hàng Montreal cho rằng một phần của vấn đề là Chính phủ Canada chưa chuẩn bị sẵn sàng cho làn sóng người đổ vào đây. Không có sự đầu tư đầy đủ trong tất cả các loại cũng như mọi cấp độ về cơ sở hạ tầng và điều đó có thể là lực cản đối với năng suất nói chung.

(theo Financial Post)

Hồng Châu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nen-kinh-te-suy-nhuoc-suc-khoe-dang-bao-dong-mot-quoc-gia-bac-my-dang-tren-bo-vuc-suy-thoai-258008.html