Nắng nóng kéo dài nhiều nơi trên toàn cầu, cảnh báo nguy cơ hại sức khỏe do nhiệt độ quá cao

Hình thái thời tiết nắng nóng với các đợt sóng nhiệt nóng như thiêu đốt tại nhiều nơi ở châu Âu, châu Á và Mỹ gia tăng vào ngày 18/7 đã khiến Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đưa ra cảnh báo về tăng nguy cơ tử vong do nhiệt độ quá cao.

Mỹ: Nắng nóng hơn 43 độ C kéo dài suốt 19 ngày ở Phoenix (bang Arizona), phá vỡ kỷ lục mọi thời đại

Người dân nước Mỹ đang phải đối mặt với hai thái cực thời tiết khắc nghiệt, từ cái nóng như thiêu đốt cho tới lũ lụt ngập như sông.

Trong khi nắng nóng như thiêu đốt ở khắp Texas đến Nam Carolina, khói cháy rừng từ Canada bay sang miền Trung Tây nước Mỹ, thì bão lũ đã khiến thị trấn Vermont chìm trong biển nước. Dự kiến bão nhiệt đới Calvin cũng đổ bộ lên quần đảo Hawaii vào hôm nay.

Thành phố phía tây nam Phoenix, Arizona ngày 18/7 theo giờ địa phương ghi nhận ngày thứ 19 liên tiếp nhiệt độ vượt quá 43 độ C, phá vỡ kỷ lục mọi thời đại (kỷ lục cũ là 18 ngày liên tiếp).

Châu Âu ghi nhận nắng nóng kỷ lục vào ngày 18/7. Nhiệt độ ở Rome (Italia) lên tới 40 độ C và ở Sardinia (một hòn đảo của Italia ở Địa Trung Hải) thậm chí còn ở mức 44 độ C.

Tuy nhiên, đợt sóng nhiệt sẽ không dừng lại. Chuyên gia khí tượng Tom Frieders thuộc Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ ở Phoenix cho biết nhiệt độ cao trong khu vực có thể đạt ngưỡng 48,9 độ C trong 5-7 ngày tới nếu không muốn nói là lâu hơn.

Chuyên gia thời tiết này hy vọng cuối cùng, một số cơn dông và cơn mưa mát mẻ sẽ đến để hạ nhiệt mùa hè ở "chảo lửa" Phoenix.

Trong khi đó ở bang Vermont phía đông bắc nước Mỹ, dự báo dông bão sẽ tiếp tục xảy ra ở những khu vực mà mặt đất đã bão hòa nước mưa dễ dẫn đến ngập lụt.

Mùa hè nắng nóng như thiêu đốt ở Nam Âu

Nhiệt độ cao với nắng nóng như thiêu đốt là điều xảy ra ở một số nơi tại châu Âu trong mùa hè du lịch cao điểm. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết đợt nắng nóng ở Bắc bán cầu sẽ còn kéo dài khốc liệt. Ước tính, chỉ riêng năm ngoái ở châu Âu, 61.000 người đã tử vong do nắng nóng.

Trung tâm điều phối ứng phó tình trạng khẩn cấp của EU đã đưa ra cảnh báo đỏ về nhiệt độ cao đối với nhiều nơi ở Italia, đông bắc Tây Ban Nha, Serbia, miền nam Bosnia và Herzegovina và Montenegro.

Ở Italia, du khách làm mát cơ thể bằng cách té nước tại các đài phun nước ở Rome và đứng dưới những chiếc quạt khổng lồ đặt bên ngoài Đấu trường La Mã. Một số người buộc phải xếp hàng chờ taxi hơn một tiếng dưới cái nóng bên ngoài nhà ga trung tâm ở Rome do tình trạng thiếu taxi kinh niên của thủ đô.

Nhiệt độ ở Sardinia (hòn đảo của Italia nằm ở Địa Trung Hải) lên tới 44 độ C và nhiệt độ ở Rome lên tới 40 độ C. Trong khi đó, Bộ Y tế Italia đưa ra cảnh báo thời tiết đỏ cho 20/27 thành phố, với con số tăng lên 23 trong ngày 19/7.

Nắng nóng đã khiến một số du khách phải cắt ngắn kỳ nghỉ của mình so với dự kiến. Cô Anita Elshoy cùng chồng đã quay trở lại Na Uy sớm hơn dự định 1 tuần do không chịu nổi cái nóng như thiêu đốt ở Nam Âu.

"Tôi cảm thấy rất đau đầu trong thời tiết nắng nóng. Các ngón chân và ngón tay sưng lên. Tôi càng ngày càng cảm thấy chóng mặt hơn.", Anita Elshoy chia sẻ về hiện tượng sốc nhiệt mà mình gặp phải dưới nắng nóng gay gắt ở ngôi làng nghỉ dưỡng Vasanello (Italia).

Tại Hy Lạp, các nhà chức trách khuyến cáo người dân ở Dervenochoria, phía bắc Athens đóng cửa để bảo vệ bản thân khỏi những đám khói do cháy rừng gần đó.

Cụ ông Giorgos Nikolau, 89 tuổi đã bị mất nhà do cháy rừng. Ngôi nhà ở Ano Lagonissi nơi ông sinh sống suốt 32 năm qua đã bị thiêu rụi do cháy rừng lan sang. Cụ ông may mắn đã chạy thoát khỏi đám cháy nhưng không kịp mang theo tài sản gì.

Theo Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU), năm 2022 và năm 2021 là những mùa hè nóng nhất từng ghi nhận ở lục địa già. Nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận tại châu Âu là 48,8 độ C ở đảo Sicily 2 năm trước.

Giới khoa học từ lâu đã đưa ra cảnh báo hiện tượng biến đổi khí hậu do khí phát thải gây ra (chủ yếu do đốt nhiên liệu hóa thạch). Hệ quả là các đợt sóng nhiệt (nắng nóng) sẽ xảy ra thường xuyên hơn, nghiêm trọng hơn và gây chết người hơn. Các nhà khoa học kêu gọi phải giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính để ngăn chặn thảm họa khí hậu.

Những đợt nắng nóng cực đoan diễn ra vào mùa hè năm nay, điển hình với nền nhiệt tăng cao lên tới 53 độ C ở Thung lũng Chết của California và nhiệt độ lên tới hơn 52 độ C ở vùng tây bắc của Trung Quốc.

Mùa hè năm nay cũng chứng kiến các vụ cháy rừng từ Hy Lạp tới dãy núi Alps của Thụy Sỹ và lũ lụt gây thương vong ở Ấn Độ và Hàn Quốc.

Theo ông Hans Henri P. Kluge - Giám đốc WHO châu Âu, thế giới sẽ phải thích nghi với tình trạng nắng nóng khốc liệt có thể gây chết người cùng các hiện tượng thời tiết cực đoan khác. Người đứng đầu WHO châu Âu cho hay hành động ở cấp khu vực và toàn cầu là điều cấp thiết nhằm đương đầu với cuộc khủng hoảng khí hậu. Biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành mối đe dọa hiện hữu đối với loài người.

Bảo Linh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nang-nong-keo-dai-nhieu-noi-tren-toan-cau-canh-bao-nguy-co-hai-suc-khoe-do-nhiet-do-qua-cao-16923071911325421.htm