Nâng cao tính khả thi của chính sách giá dịch vụ thủy lợi

Việc nghiên cứu sửa chính sách giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi, nhất là Nghị định 96/2018/NĐ-CP là rất cần thiết. Chính sách này cần hướng tới rõ ràng và đơn giản trong phương pháp xác định giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi, đồng thời đảm bảo tính đúng đủ của chi phí trong quản lý vận hành.

Ngày 24/1, tại Hà Nội, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc tổ chức hội thảo “Tham vấn chính sách về giá dịch vụ thủy lợi”. Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận dự hội nghị.

Còn nhiều thách thức trong chính sách giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi

Kể từ khi Luật Thủy lợi và các văn bản liên quan được ban hành, chính sách giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi, được cụ thể hóa trong Nghị định số 96/2018/NĐ-CP (Nghị định 96) của Chính phủ quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng chuyển từ cơ chế phí sang cơ chế giá.

Mục tiêu chính là tạo hành lang pháp lý để xây dựng và áp dụng giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi, cùng cơ chế hỗ trợ tiền sử dụng dịch vụ thủy lợi, hướng đến giảm chi phí sản xuất nông nghiệp cho người dân; đồng thời duy trì tính bền vững của ngành thủy lợi, tăng tính cạnh tranh cho ngành Nông nghiệp.

Đại diện Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNN, ADB và Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc tham dự hội thảo.

Sau hơn 5 năm thực hiện, hầu hết các địa phương đã xây dựng phương án giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi, song vẫn còn những hạn chế đáng kể. Cụ thể:

Phương pháp định giá chưa đầy đủ, cách xác định chi phí chưa thống nhất đang tạo ra khó khăn trong tính toán và không đảm bảo đúng nguyên tắc định giá. Hiệu quả thực hiện giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi vẫn chưa cao, do chi phí thực tế chưa được bù đắp đầy đủ.

Bên cạnh đó, quy trình và thủ tục ban hành giá dịch vụ thủy lợi cũng như chính sách hỗ trợ vẫn còn phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro về mặt pháp lý cho các cơ quan thực hiện. Việc hỗ trợ trực tiếp cho các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi làm cho người sử dụng nước có nhận thức “nước là miễn phí”. Các đơn vị cung cấp dịch vụ ít có động lực để nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như hiệu quả kinh doanh. Các yếu tố này góp phần tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Theo Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam Shantanu Chakraborty, cơ chế định giá và tính giá dịch vụ thủy lợi phù hợp có thể góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần khuyến khích áp dụng các biện pháp nông nghiệp thông minh thích ứng với khí hậu, góp phần mang lại tương lai bền vững hơn cho nông nghiệp Việt Nam.

Trước thực tế trên, việc nghiên cứu và chỉnh sửa chính sách giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi, nhất là Nghị định 96 là nhu cầu cấp thiết. Chính sách này cần hướng tới rõ ràng và đơn giản trong phương pháp xác định giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi, đồng thời đảm bảo tính đúng đủ của chi phí trong quản lý vận hành. Cơ chế hỗ trợ tiền sử dụng nước cũng cần được đơn giản hóa, đảm bảo đúng đối tượng và khuyến khích nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Theo ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, dịch vụ thủy lợi bền vững và hiệu quả là vô cùng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển lâu dài của ngành Nông nghiệp Việt Nam và sinh kế của hàng triệu người dân. Việc định giá dịch vụ thủy lợi có thể giúp quản lý dịch vụ thủy lợi bền vững và tạo nền tảng cho sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực này. Khi định giá chính xác dịch vụ thủy lợi có thể khuyến khích sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, giảm lãng phí, thúc đẩy quản lý bền vững hệ thống tưới tiêu; đồng thời tạo ra môi trường hấp dẫn cho đầu tư của khu vực tư nhân.

7 vấn đề cần quan tâm khi sửa Nghị định 96

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, năm 2020, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ NNPTNT xây dựng nghị định sửa đổi Nghị định 96. Bộ NN&PTNN và Bộ Tài chính đã rất chủ động phối hợp với nhau trong việc xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi. Nhưng đến nay, Nghị định 96 vẫn chưa được sửa đổi, ban hành vì nhiều lý do khác nhau.

Thứ trưởng Bộ NNPTNN Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại hội thảo

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, tính đúng, tính đủ giá thủy lợi rất quan trọng. Vì vậy, việc quy định giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi và các dịch vụ liên quan có 7 vấn đề cần quan tâm.

Một là, quy định về xác định giá minh bạch, cụ thể, rõ ràng, đảm bảo phù hợp với thực tiễn đặc thù của ngành thủy lợi, tránh rủi ro pháp lý cho các đơn vị thực hiện.

Hai là, quy định về lộ trình thực hiện giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi phù hợp với khả năng ngân sách và chính sách phát triển kinh tế của đất nước trong từng thời kỳ.

Ba là, việc định giá sản phẩm công ích thủy lợi cần đảm bảo không vượt quá dự toán ngân sách nhà nước giao và tiền dự kiến thu của người dân sử dụng sản phẩm dịch vụ thủy lợi và lộ trình điều chỉnh chi phí khấu hao và bảo trì sao cho hợp lý.

Bốn là, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về điều kiện đặt hàng sản phẩm thủy lợi theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên phù hợp với tình hình cụ thể.

Năm là, cần có quy định về cơ chế thu bù chi để đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ công trình và an ninh nguồn nước, an toàn hoạt động của các hồ chứa nước, phát triển bền vững của ngành thủy lợi; các quy định cụ thể về việc thu tiền sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi của đối tượng không được hỗ trợ và tiền dự kiến thu của người sử dụng sản phẩm dịch vụ thủy lợi khác. Đây là vấn đề rất quan trọng, nếu thu được các sản phẩm dịch vụ thủy lợi khác sẽ hỗ trợ rất nhiều, vừa giảm chi từ ngân sashc nhà nước vừa tăng tính chủ động chi của các công ty thủy nông.

Sáu là, việc định giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi khác cần đảm bảo phù hợp với với mặt bằng giá thị trường và đảm bảo khả năng thanh toán của người sử dụng sản phẩm dịch vụ khác và điều chỉnh chi phí khấu hao, chi phí bảo trì, mức lợi nhuận phù hợp với chủ trương chính sách phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ.

Cuối cùng là tháo gỡ những vướng mắc trong cách xác định giá trong từng tổ chức thủy lợi cơ sở do Nghị định 96 chưa có căn cứ rõ ràng.

Theo ông Hiệp, nếu những vướng mắc này được đưa vào trong sửa đổi Nghị định 96 thì sẽ có hệ thống pháp luật đầy đủ về cả các quy định, định mức, nội dung và các sản phẩm khác, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu phù hợp, tạo điều kiện cho các công ty khai thác công trình thủy lợi phát triển.

“Nông nghiệp Việt Nam có được thành quả như hôm nay thì đóng góp của hạ tầng nông nghiệp là rất quan trọng. Đầu vào quan trọng của nông nghiệp là đất và nước. Vì vậy, nếu sử dụng hiệu quả nước thì chắc chắn nông nghiệp Việt Nam sẽ phát triển tốt hơn” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Hà My

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nang-cao-tinh-kha-thi-cua-chinh-sach-gia-dich-vu-thuy-loi-144147.html