Nâng cao hiệu quả trồng, chế biến chè

Với diện tích trên 14.000ha, cây chè có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp và công nghiệp chế biến của tỉnh. Để nâng cao giá trị và phát triển bền vững, cây chè đang từng bước được nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả từ chế biến.

Sản xuất chè phục vụ xuất khẩu tại Công ty TNHH đầu tư và phát triển trà UT, xã Vân Lĩnh, huyện Thanh Ba.

Thời gian qua, ứng dụng khoa học công nghệ trong các khâu từ sản xuất đến chế biến đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất chè. Đến nay, tỷ lệ chè giống mới, chất lượng cao chiếm 78% tổng diện tích chè toàn tỉnh, hình thành các vùng sản xuất tập trung với tổng diện tích 5.800ha. Hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được đổi mới, diện tích được liên kết sản xuất, tiêu thụ đạt trên 5.000ha. Năm 2023, giá trị thu nhập từ cây chè ước đạt 1.640 tỷ đồng, bình quân 116,5 triệu đồng/ha.

Hệ thống cơ sở chế biến chè ngày càng phát triển với sản lượng chế biến bình quân khoảng 60.000 tấn/năm. Trong đó, có gần 60 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất có công suất chế biến trên 1 tấn chè búp tươi/ngày, hơn 800 cơ sở chế biến chè thủ công hộ gia đình. Cơ cấu sản phẩm chè xanh và các loại chè khác như chè ướp hương, matcha... chiếm khoảng 30% sản lượng. Năm 2020, nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ được cấp văn bằng bảo hộ, góp phần nâng cao uy tín, giá trị kinh tế, sức cạnh tranh của các sản phẩm chè của tỉnh.

HTX Chè Thành Nam, huyện Thanh Sơn có diện tích canh tác 20ha và liên kết sản xuất với khoảng 80 hộ trồng chè tại huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, công suất chế biến của HTX đạt khoảng 1 tấn búp chè tươi/ngày. Bà Dương Thị Duyên - Giám đốc HTX cho biết: “Từ xưởng sản xuất quy mô hộ gia đình, năm 2020 HTX được thành lập nhằm liên kết các hộ trồng chè, phát triển đa dạng các sản phẩm chè xanh, nâng cao năng lực chế biến. Hiện nay, HTX đã trang bị hệ thống máy móc tương đối đồng bộ với máy phân loại, cối vò chè cải tiến, máy đóng gói... HTX có trên 15 loại sản phẩm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng”.

Một số doanh nghiệp, HTX đầu tư phát triển vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến chè theo công nghệ mới, áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm ở tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè. Toàn tỉnh hiện có trên 20 doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, HACCP. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã áp dụng công nghệ sau thu hoạch, chế biến và bảo quản sản phẩm, bước đầu chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm với các dòng sản phẩm chè xanh chất lượng cao, chè Ô long, matcha, nước uống đóng chai từ chè...

Công ty TNHH đầu tư và phát triển trà UT, xã Vân Lĩnh, huyện Thanh Ba chuyên sản xuất chè đen và chè xanh xuất khẩu, công suất chế biến trên 1.000 tấn sản phẩm/năm. Bà Lê Thị Hồng Phương - Giám đốc Công ty thông tin: “Nhằm tăng cường mối liên kết với người trồng chè, gắn chế biến với vùng nguyên liệu, hiện nay, Công ty hợp tác, tiêu thụ sản phẩm với 300 hộ trồng chè, diện tích 320ha. Chúng tôi xây dựng quy trình sản xuất chặt chẽ, đầu tư máy móc công nghệ, chuyên nghiệp hóa triệt để hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Cùng với đó, Công ty đang đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và quy trình sản xuất chè búp tím - sản phẩm đặc trưng của huyện Thanh Ba nhằm khai thác tiềm năng, giá trị từ sản phẩm đặc sản này”.

Để gia tăng giá trị từ chè, nâng cao hiệu quả hoạt động chế biến là một trong những yếu tố giữ vai trò quyết định. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến sâu các sản phẩm từ chè, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu Chè Phú Thọ. Điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, trong đó tập trung các khâu về giống, chế biến; tổ chức lại sản xuất theo hướng tăng cường liên kết theo hợp đồng giữa doanh nghiệp chế biến với HTX, tổ hợp tác, xây dựng vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm.

Nguyễn Huế

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/nang-cao-hieu-qua-trong-che-bien-che-211746.htm