Nam Bộ và Tây Nguyên vật lộn với hạn hán, xâm nhập mặn

Do ảnh hưởng của El Nino, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục nắng nóng kéo dài, có nơi nắng nóng gay gắt, với nhiệt độ phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Cùng với đó, xu thế xâm nhập mặn tại các sông với chiều sâu ranh mặn 4‰ khoảng 45-50km, có sông lên tới 90-120km như sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây đã khiến tình trạng hạn hán, thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn càng trở nên gay gắt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất và đời sống của người dân.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tân Thành, BĐBP Tiền Giang mang từng can nước sạch tới cho người dân huyện Gò Công Đông đang bị ảnh hưởng bởi nước nhiễm mặn. Ảnh: Quốc Cường

180 hồ chứa thủy lợi cạn nước

Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện, mực nước ở nhiều hồ chứa thủy lợi đều ở mực thấp hơn mực nước trung bình nhiều năm và có xu thế giảm dần do nắng nóng. Đáng chú ý, nhiều hồ chứa đã cạn nước. Cụ thể, mực nước trong các hồ chứa ở Bắc Bộ hiện đạt 54% dung tích thiết kế, giảm 11% so với trung bình nhiều năm. Ở Bắc Trung Bộ, các hồ chứa đạt 58% dung tích thiết kế, có 53 hồ nhỏ cạn nước. Toàn khu vực Nam Trung Bộ, 29 hồ nhỏ đã cạn nước, các hồ chứa còn lại đạt 64% dung tích thiết kế. Dự báo trong thời tuần tới, mực nước ở các hồ chứa của khu vực này tiếp tục giảm 2%.

Theo ước tính của Cục Thủy lợi, đến nay, trên cả nước, có khoảng hơn 13.000ha đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn. Trong đó, địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất là Bình Phước với hơn 9.000ha, tiếp đến là Đắk Lắk hơn 2.000ha và Sóc Trăng với hơn 1.500ha. Khu vực có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước vụ Đông Xuân gồm: Bắc Trung Bộ 1.000 -1.500ha; Tây Nguyên 15.000 - 26.000ha, Đông Nam Bộ 8.000 - 12.000ha, Đồng bằng sông Cửu Long là hơn 1.500ha.

Còn tại khu vực Đông Nam Bộ, các hồ chứa hiện đạt 54% dung tích thiết kế, thấp hơn 8,5% so với năm hạn mặn kỷ lục 2015. Khu vực này có 8 hồ nhỏ đã cạn nước. Trong khi đó, khu vực Tây Nguyên đang đối mặt với tình trạng hạn hán khi có tới 110 hồ nhỏ cạn nước, mực nước các hồ còn lại chỉ đạt 36% dung tích thiết kế, thấp hơn 9% so với trung bình nhiều năm.

Nhiều địa phương công bố tình trạng khẩn cấp

Trước tình hình hạn hán và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất, nhiều địa phương đã phải công bố tình trạng khẩn cấp do thiên tai. Trong đó, ngày 5/4, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã công bố tình huống thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024 trên địa bàn huyện Tân Phú Đông. Theo đó, các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng ngay để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã giao các cơ quan chức năng tổ chức vận chuyển nước ngọt về các ao chứa nước tại huyện Tân Phú Đông, phục vụ duy trì hoạt động sản xuất nước sinh hoạt cho nhân dân.

Sau tỉnh Tiền Giang, ngày 10/4, UBND tỉnh Kiên Giang cũng công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, sạt lở, sụt lún đất do hạn hán khu vực vùng đệm U Minh Thượng. Tính đến ngày 7/4, số điểm sạt lở, sụt lún ở đây là 310 điểm, tổng chiều dài trên 7,5km. Trong đó, đường tỉnh 965 có tới 40 điểm sạt lở, dài gần 900m; đường giao thông nông thôn sạt lở 270 điểm, tổng chiều dài hơn 6,6km. Sạt lở còn kéo sập 26 căn nhà. Ước tổng thiệt hại trên 83 tỷ đồng.

Tỉnh Long An cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề của xâm nhập mặn, trọng điểm là các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Châu Thành, Bến Lức, Thủ Thừa, Thạnh Hóa và thành phố Tân An. Tại các huyện trên, nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiếu hụt nước ngọt để tưới, nhiều hộ dân sinh sống trên địa bàn huyện Cần Giuộc bị thiếu nước sạch sinh hoạt. Ngày 17/4, UBND tỉnh Long An đã ban hành quyết định công bố tình huống thiên tai xâm nhập mặn, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện các biện pháp công trình và phi công trình để ứng phó, khắc phục trong thời gian diễn ra thiên tai xâm nhập mặn.

Trong khi đó, tại Cà Mau, hạn hán kéo dài đã khiến mực nước dưới các kênh, rạch trong vùng ngọt huyện U Minh xuống mức thấp; hầu hết các tuyến kênh, rạch trong vùng ngọt của huyện Trần Văn Thời đã khô cạn. Tại huyện Trần Văn Thời, hạn hán kéo dài đã dẫn đến sụt lún, sạt lở đất tại 601 vị trí của 132 tuyến kênh, rạch..., với tổng chiều dài gần 16km. Còn huyện U Minh cũng đã xuất hiện các vị trí sụt lún, sạt lở do hạn hán gây nên. Trước tình hình đó, ngày 16/4, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ký quyết định về việc công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp độ 2 trên địa bàn huyện Trần Văn Thời và U Minh.

Tại khu vực Nam Trung Bộ, địa phương đang chịu ảnh hưởng rõ rệt của khô hạn là Bình Thuận. Từ đầu năm 2024 đến nay, do ảnh hưởng thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao, ít mưa, lượng dòng chảy trên các sông, suối tự nhiên tại Bình Thuận bị cạn kiệt dẫn đến thiếu hụt nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cục bộ. Tính đến nay, toàn tỉnh có 47 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh và thành phố Phan Thiết rơi vào tình trạng khô hạn, thiếu nước. Theo thông tin từ tỉnh Bình Thuận, thời gian qua, hơn 12.500 hộ dân đã bị thiếu nước sinh hoạt. Dự báo, nếu tình trạng nguồn nước không được cải thiện, sắp tới sẽ có thêm hơn 20.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.

Về nguồn nước sản xuất, hiện, toàn tỉnh có 365ha bị thiếu nước, chủ yếu là thanh long và rau màu trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Trong điều kiện các hồ chứa đang cạn nước như hiện nay, diện tích có nguy cơ thiệt hại do hạn hán, thiếu nước ở tỉnh Bình Thuận sẽ tăng lên khoảng 1.175ha.

BĐBP Long An chở nước sạch đến huyện Cần Giuộc nhằm hỗ trợ kịp thời cho nhân dân đang thiếu nước sinh hoạt trong mùa hạn mặn. Ảnh: Minh Luận

BĐBP hỗ trợ nước sinh hoạt kịp thời cho người dân bị ảnh hưởng bởi hạn mặn

Trước tình hình hạn hán kéo dài dẫn đến tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt cục bộ, những ngày qua, các đơn vị BĐBP đã phối hợp với chính quyền địa phương chở nước tới các khu dân cư cung cấp nước ngọt sinh hoạt cho người dân. Trong đó, Đồn Biên phòng Trung Bình, BĐBP Sóc Trăng đã phối hợp với Hải đội 2 Biên phòng và Đoàn xã Trung Bình tổ chức vận chuyển nước sinh hoạt đến hỗ trợ cho nhân dân ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề. Hơn 10.000 lít nước sinh hoạt đã được cán bộ, chiến sĩ chở tới các điểm cấp nước tập trung cho các hộ dân.

Đại úy Huỳnh Lý Tưởng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Trung Bình cho biết: "Thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, các cấp, các ngành tổ chức vận chuyển nước uống và nước sinh hoạt cho bà con nhân dân trên địa bàn đơn vị quản lý nhằm giúp bà con giảm bớt phần nào khó khăn".

Đồng hành cùng người dân chống hạn mặn, BĐBP Long An đã vận chuyển nước uống, nước sinh hoạt hỗ trợ đến nhân dân thuộc huyện Cần Giuộc hiện đang thiếu nước sạch trầm trọng. Sau khi khảo sát tình hình thực tế và nhu cầu của nhân dân, ngày 19/4, đơn vị đã vận chuyển và cung cấp 3.000 lít nước uống, 3.000 lít nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn xã Tân Tập. Dự kiến, BĐBP Long An tiếp tục tổ chức nhiều đợt vận chuyển nước sạch để kịp thời hỗ trợ đến nhân dân trên địa bàn 2 huyện Cần Giuộc và Cần Đước trong mùa hạn, xâm nhập mặn này.

Cũng với tinh thần “tương thân, tương ái”, từ đầu mùa khô đến nay, BĐBP Tiền Giang đã tổ chức nhiều đợt vận chuyển hàng ngàn lít nước uống và nước sinh hoạt tặng người dân đang chịu ảnh hưởng của hạn mặn kéo dài tại huyện Gò Công Đông.

Thu Hằng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nam-bo-va-tay-nguyen-vat-lon-voi-han-han-xam-nhap-man-post475235.html