Năm 2050, Bình Dương phấn đấu trở thành trung tâm dịch vụ logistics hiện đại

Quy hoạch phát triển ngành logistics thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Bình Dương trở thành trung tâm dịch vụ hiện đại, thông minh của cả nước.

Theo dự thảo Quy hoạch phát triển ngành logistics tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương sẽ trở thành trung tâm dịch vụ logistics, hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động sản xuất hàng hóa tại các khu, cụm công nghiệp của tỉnh và trong khu vực. Đồng thời, hình thành mạng lưới liên tỉnh và liên quốc gia thông qua các phương thức vận tải đa dạng, dịch vụ logistics chất lượng cao...

 Bình Dương đang nỗ lực trở thành trung tâm dịch vụ logistics vụ hiện đại, thông minh của khu vực phía Nam (Ảnh: Ngọc Thanh)

Bình Dương đang nỗ lực trở thành trung tâm dịch vụ logistics vụ hiện đại, thông minh của khu vực phía Nam (Ảnh: Ngọc Thanh)

Theo đó, ngành logistics được định hướng sẽ trở thành một trong những trụ cột tăng trưởng chính của toàn ngành thương mại dịch vụ tỉnh Bình Dương, dựa trên 3 yếu tố. Trong đó, yếu tố đầu tiên tính kết nối liên vùng, đây là mắt xích quan trọng của vùng tứ giác động lực phía Nam cũng như có khả năng tiếp cận đến thị trường quốc tế thông qua các hạ tầng giao thông nối dài đến các cảng hàng không quốc tế và cảng biển lớn

Thứ hai, hình thành Trung tâm sản xuất hàng tiêu dùng nhanh với nhiều doanh nghiệp lớn, đáp ứng nhu cầu phân phối trên diện rộng của các doanh nghiệp sản xuất lớn đang có mặt trên địa bàn tỉnh như Masan, Unilever, Vinamilk, Hòa Phát…

Thứ ba, hình thành Trung tâm thương mại điện tử: Thu hút các công ty hoạt động trong ngành thương mại điện tử dẫn đến nhu cầu cho các fulfillment center tăng cao, hướng tới phục vụ cho các thị trường lớn trong khu vực như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai…

Về mục tiêu cụ thể, theo dự thảo quy hoạch phát triển ngành logistics đến năm 2050, Bình Dương đề xuất hình thành 1 trung tâm logistics tối thiểu hạng II tại huyện Bàu Bàng, thị xã Bến Cát hoặc TP. Thủ Dầu Một, quy mô từ 70 đến 100ha kết nối giữa các khu, cụm công nghiệp của tỉnh với các cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không trong khu vực tạo thành hệ thống liên hoàn, sẵn sàng đón nhận các chuỗi cung ứng hàng hóa cấp Vùng. Cùng với đó, hình thành 1 trung tâm điều phối logistics (bao gồm kho ngoại quan và bãi container hàng nhập và bãi container rỗng phục vụ vận chuyển hai chiều). Vị trí đề xuất tại huyện Bàu Bàng, thị xã Bến Cát hoặc TP. Thủ Dầu Một.

Cũng theo dự thảo, ngành logistics Bình Dương trong thời kỳ quy hoạch sẽ phát triển dựa 3 giá trị động lực: Hệ thống kho bãi đa dạng và sẵn sàng cho các loại hàng hóa khác nhau từ ngành công nghiệp và thương mại điện tử; hạ tầng giao thông đa phương tiện kết nối xuyên suốt đến các tỉnh thành và các cảng hàng không, cảng biển trong khu vực; vận chuyển linh hoạt và nhanh chóng với đa dạng các loại phương tiện vận chuyển dành cho các loại mặt hàng khác nhau.

Ngành logistics Bình Dương phát triển, đáp ứng 3 nhu cầu chính cho phát triển nền kinh tế, bao gồm: Kho hàng tân tiến đáp ứng các mặt hàng công nghiệp - nông nghiệp của tỉnh đặt tại các vị trí gần nhà máy, cùng với dịch vụ hậu cần xuyên suốt, sẽ hoàn thiện chuỗi sản xuất - phân phối sản phẩm cho các nhóm ngành chủ lực của tỉnh.

Bên cạnh đó, đầu mối giao thương trong khu vực Đông Nam Bộ với các hạ tầng giao thông xuyên suốt, nối dài ra các cảng biển, sân bay, sẽ đóng vai trò cầu nối nguồn hàng từ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến các vùng như Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng với đó, hỗ trợ cho ngành thương mại điện tử với hệ thống fulfillment center (bao gồm nhà kho, hệ thống đóng góp, nhập/xuất hàng) cùng các phương thức kết nối giao thông liên mạch tới các thị trường tiêu thụ lớn xung quanh.

Để phát triển các trung tâm logistics hiện đại, thông minh, tỉnh Bình Dương sẽ tập trung đầu tư mở rộng các hạ tầng logistics cũng như các dịch vụ hỗ trợ vận tải trên địa bàn tỉnh nhằm tăng tính kết nối của các hạ tầng, tạo mạng lưới logistics xuyên suốt, trải dài và đồng bộ.

Theo đó, Bình Dương hoàn thiện các tuyến đường huyết mạch kết nối Bình Dương với Vùng Đông Nam Bộ. Trong đó, nổi bật là dự án xây dựng nâng cấp Quốc Lộ 13 lên quy mô 6 làn xe, tạo ra hành lang kết nối thông suốt Bình Dương với TP. Hồ Chí Minh, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thế hệ công nghiệp, thương mại, dịch vụ đầu. Tiếp theo là tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng, với quy mô từ 6 đến 10 làn xe, được xây mới hoàn toàn nhằm xây dựng trục giao thông chính thứ hai của tỉnh, theo hướng kết nối về cảng biển sân bay quốc tế như sân bay Long Thành, Cảng Cái mép - Thị Vải hay một số phân đoạn trên Bình Dương thuộc tuyến Vành Đai 3, Vành Đai 4… được hoàn thành bằng cách lồng ghép vào các dự án đầu tư công nghiệp một cách đầy sáng tạo, theo nhiều hình thức đầu tư PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư)…

Bên cạnh đó, hệ thống giao thông đường bộ của Bình Dương cần được tiếp tục nâng cấp và hoàn chỉnh, hàng trăm km đường tạo lực sẽ tiếp tục được đầu tư trong thời gian tới với việc tham gia mạnh mẽ vào các dự án giao thông trong điểm quốc gia đi qua tỉnh như hoàn thiện kết nối Vành đại 3, Vành đai 4 và tuyến Cao tốc Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường Hồ Chí Minh ở phía bắc.

Ngoài ra, theo dự thảo quy hoạch, để đa dạng hóa loại hình giao thông, hệ thống đường sắt phục vụ vận chuyển hàng hóa cần được nghiên cứu đầu tư nhằm hoàn thiện chuỗi logistic phục vụ phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Với lợi thế ga Dĩ An, là ga trung tâm kết nối vận chuyển hàng hóa của vùng, Dĩ An sẽ là đầu mối hậu cần, trở thành trung tâm về logistic đường sắt của vùng, kết nối trực tiếp đến cảng biển và sân bay quốc tế, và hệ thống đường sắt Bắc Nam, trở thành trung tâm hậu cần cho toàn Vùng Đông Nam Bộ và Tây nguyên và Tây Nam Bộ, kết nối vào hạ tầng vận chuyển đường sắt quốc gia.

Hiện tỉnh Bình Dương đang khẩn trương hoàn chỉnh đồ án Quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trước khi thực hiện các quy trình thủ tục tiếp theo để tháng 6/2024 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Minh Khuê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nam-2050-binh-duong-phan-dau-tro-thanh-trung-tam-dich-vu-logistics-hien-dai-320050.html