Mỹ tiếp tục 'siết' trừng phạt dầu Nga

Bộ Tài chính Mỹ mới đây tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một loạt tàu chở dầu vì cáo buộc vi phạm liên quan đến giới hạn giá do phương Tây áp đặt đối với dầu của Nga.

Cụ thể, theo thông báo trên trang web của Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ ngày 18/1, văn phòng này đã bổ sung công ty vận tải Hennesea Holdings Limited có trụ sở tại Abu-Dhabi và 17 tàu chở hàng và tàu chở dầu mang cờ Liberia vào danh sách đen vì bị cáo buộc vi phạm giới hạn giá dầu của nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu (G7) và Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu của Nga.

Bộ Tài chính Mỹ mới đây tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một loạt tàu chở dầu vì cáo buộc giao dịch dầu mỏ với Nga.

Bộ Tài chính Mỹ mới đây tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một loạt tàu chở dầu vì cáo buộc giao dịch dầu mỏ với Nga.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, Hennesea Holdings sở hữu các tàu được cho là tham gia vận chuyển dầu thô có nguồn gốc từ Nga với mức giá trên mức trần 60 USD/thùng.

“Các tàu chở dầu thuộc sở hữu của Hennesea đã nhiều lần ghé các cảng của Liên bang Nga”, OFAC cho biết thêm.

Trong khi cấm các hợp đồng thương mại hoặc bất kỳ giao dịch nào liên quan đến các tàu bị trừng phạt, chính quyền Mỹ cũng đã công bố giấy phép chung cho phép thực hiện một số hoạt động nhất định với các tàu này cho đến ngày 17/4.

“Hành động ngày hôm nay một lần nữa chứng minh rằng bất kỳ ai vi phạm giới hạn giá sẽ phải đối mặt với hậu quả. Không ai nên nghi ngờ cam kết của liên minh chúng ta trong việc ngăn chặn những người giúp đỡ Điện Kremlin”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo tuyên bố trước động thái cứng rắn mới áp dụng với Nga.

Thực thi giới hạn giá dầu là ưu tiên hàng đầu

Mỹ cùng các nước G7 khác và Australia đã áp đặt mức giá trần vào năm 2022, nhằm giảm doanh thu của Nga từ xuất khẩu dầu bằng đường biển.

Theo đó cấm các công ty phương Tây cung cấp các dịch vụ hàng hải, gồm bảo hiểm, tài chính và vận chuyển, đối với lượng dầu xuất khẩu bằng đường biển của Nga được bán trên 60 USD/thùng, đồng thời tìm cách duy trì lượng dầu chảy vào thị trường. Trần giá cũng được áp dụng đối với xuất khẩu nhiên liệu của Nga.

Ngày 12/10/2023, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đầu tiên đối với các chủ tàu chở dầu của Nga trên mức giá trần 60 USD/thùng. Hai tàu bị trừng phạt gồm 1 tàu có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ và một tàu có trụ sở tại UAE.

Doanh thu từ dầu của Nga đã giảm mạnh trong năm 2023.

Doanh thu từ dầu của Nga đã giảm mạnh trong năm 2023.

Cụ thể, chính quyền Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Ice Pearl Navigation SA có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ, chủ sở hữu của tàu Yasa Golden Bosphorus, vì vận chuyển dầu thô ESPO của Nga có giá trên 80 USD/thùng.

Mỹ cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Lumber Marine SA có trụ sở tại UAE, chủ sở hữu của SCF Primoyre, vì vận chuyển dầu thô Novy Port của Nga có giá trên 75 USD/thùng.

Tới ngày 16/11/2023, Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ tiếp tục trừng phạt 3 công ty có trụ sở ở UAE và 3 tàu dầu do họ sở hữu. Đó là Kazan Shipping Incorporated, Progress Shipping Company Limited và Gallion Navigation Incorporated. 3 tàu dầu bị nêu tên là Kazan, Ligovsky Prospect và NS Century.

Giới chức Mỹ cáo buộc các tàu này tham gia vào hoạt động chở dầu thô Nga có giá bán trên 60 USD/thùng. Các tàu được cho là sử dụng dịch vụ của người Mỹ khi vận chuyển dầu thô có nguồn gốc từ Nga.

Tới đầu tháng 12/2023, Bộ Tài chính Mỹ vừa đưa thêm ba công ty và tàu chở dầu vào danh sách bị xử phạt. Trong đó có hai công ty có trụ sở tại UAE, gồm Sterling Shipping Incorporated và Steymoy Shipping Limited. Thực thể thứ ba trong danh sách này là HS Atlantica Limited, có trụ sở tại Liberia.

Theo OFAC, việc thực thi giới hạn giá dầu của Nga luôn là "ưu tiên hàng đầu".

Kể từ giữa tháng 10/2023, Bộ Tài chính Mỹ đã tăng cường giám sát việc tuân thủ giới hạn giá, áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với một số tàu chở dầu, chủ sở hữu và các nhà kinh doanh dầu thô bị cáo buộc vi phạm.

Bộ Tài chính Nga cho biết, giá trung bình của dầu thô xuất khẩu chính Urals đã giảm hơn 17% trong năm 2023, xuống còn 62,99 USD/thùng. Mức giá này vẫn cao hơn trần 60 USD/thùng do G7 và đồng minh áp đặt cuối năm 2022 nhằm hạn chế doanh thu của Nga.

Đăng Phạm

Theo RT, Reuters

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/my-tiep-tuc-siet-trung-phat-dau-nga-20180504224294311.htm