Mỹ siết chặt quy định phát thải trong lĩnh vực năng lượng

Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) đã điều chỉnh một số quy tắc trong đề xuất về cắt giảm khí carbon trong ngành năng lượng mà chính phủ công bố hồi năm ngoái.

Cắt giảm khí carbon trong ngành năng lượng. Ảnh: CBC

Chính phủ Mỹ cho biết đã hoàn tất bộ quy tắc giải quyết tình trạng ô nhiễm carbon, không khí và nước do sự phát thải từ các nhà máy điện, qua đó giúp nước này có thể cắt giảm hơn 1 tỷ tấn khí thải carbon vào năm 2047 ngay cả khi nhu cầu điện tăng cao.

Đây được xem là một phần trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo đó, Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) đã điều chỉnh một số quy tắc trong đề xuất về cắt giảm khí carbon trong ngành năng lượng mà chính phủ công bố hồi năm ngoái.

Bộ quy tắc mới sẽ nhằm cắt giảm lượng phát thải carbon từ các nhà máy điện chạy bằng khí đốt và than hiện nay, đồng thời cập nhật và hoàn thiện những quy định tồn tại từ lâu để giảm thủy ngân và các chất gây ô nhiễm không khí độc hại, cũng như làm sạch nước thải và ngăn chặn tro than phát tán ra môi trường.

Giám đốc EPA Michael Regan nhấn mạnh những quy định buộc các nhà máy điện có sự đầu tư thông minh, đồng thời tiếp tục cung cấp điện đáng tin cậy cho tất cả người dân Mỹ.

Trong số những điều chỉnh đối với quy tắc giảm carbon, EPA đã loại bỏ hydrogen như một hệ thống giảm phát thải tốt nhất đối với các nhà máy điện sử dụng khí đốt, qua đó giúp những nhà máy này đáp ứng được các tiêu chuẩn mới của EPA.

Theo quy định mới, chỉ có các nhà máy điện than hiện có và lâu đời nhất và nhà máy điện tua-bin khí mới hoạt động 40% thời gian (thấp hơn so với mức 50% của đề xuất trước đó) mới được áp dụng phương pháp thu hồi và lưu trữ carbon (CCS).

EPA cho biết thêm các nhà máy điện than có kế hoạch hoạt động sau năm 2039, tức là sớm hơn 1 năm so với đề xuất ban đầu, sẽ phải lắp đặt công nghệ CCS bắt đầu từ năm 2032.

Bất chấp việc nhiều ý kiến cho rằng kỹ thuật CCS, vốn được thúc đẩy trong Đạo luật giảm lạm phát (IRA) vào năm 2022, là chưa phổ biến và tốn kém, ông Regan cho biết EPA vẫn tin tưởng và nhiều công ty năng lượng ủng hộ kỹ thuật này.

EPA cũng triển khai một quy trình để tiếp nhận sự phản hồi về cách thức giảm lượng khí carbon từ các nhà máy điện khí đốt hiện có.

Bên cạnh đó, EPA cũng đặt mục tiêu giảm 70% giới hạn phát thải thủy ngân đối với các nhà máy than non và 67% giới hạn phát thải liên quan đến kim loại độc hại.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2012, EPA cập nhật các quy định về phát thải thủy ngân và kim loại độc hại. EPA còn hoàn thiện các biện pháp giúp ngăn chặn 330.000 tấn nước thải ô nhiễm mỗi năm thải ra các ao, hồ, sông tại Mỹ, đồng thời bảo vệ người dân khỏi ô nhiễm tro than.

Thanh Hương/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/my-siet-chat-quy-dinh-phat-thai-trong-linh-vuc-nang-luong/331380.html