Mỹ ra mắt hệ thống phóng tên lửa không người điều khiển

Quân đội Mỹ đang nỗ lực nâng cấp các hệ thống chiến đấu không người lái để nâng cao ưu thế chiến trường và giảm thương vong cho binh sĩ.

Hệ thống AML thử nghiệm thành công một tháng trước đây (Ảnh: US Army)

Hệ thống AML thử nghiệm thành công một tháng trước đây (Ảnh: US Army)

Ngày 19/5, Trung tâm Hàng không và Tên lửa (Aviation & Missile Center, AvMC) thuộc Bộ chỉ huy Nghiên cứu và Phát triển năng lực chiến đấu Mỹ (The Army's Combat Capabilities Development Command, DEVCOM) thông báo đã trình diễn thành công hệ thống phóng tên lửa không người điều khiển mang tên “Autonomous Multi-Domain Launcher, AML” (Bệ phóng tên lửa đa miền tự động), thể hiện hỏa lực mạnh mẽ và khả năng tự chủ tác chiến của loại vũ khí này trên chiến trường.

Theo các chuyên trang quân sự Mỹ Defense BlogTheWarzone, sự kiện trình diễn loại vũ khí mới này của quân đội Mỹ đã được tổ chức cách đây một tháng tại Bãi thử nghiệm Yuma Proving Ground ở bang Arizona. Các đơn vị tham gia bao gồm AvMC và Trung tâm Hệ thống xe cộ Mặt đất (the Ground Vehicle Systems Center, GVSC) của DEVCOM cùng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn pháo binh dã chiến 181 thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia bang Tennessee.

Hệ thống AML (Ảnh: US Army).

Trong quá trình trình diễn, hệ thống phóng tên lửa đa miền tự động AML đã phóng thành công 3 đạn tên lửa luyện tập tầm bắn giảm (Reduced Range Practice Rockets, RRPR) và hoàn thành nhiệm vụ phóng liên tiếp. Hai tuần trước đó, nhóm này cũng đã phóng 3 quả RRPR khác tại Yuma Proving Ground. Cuộc trình diễn cũng cho thấy các phương thức cơ động của nguyên mẫu hệ thống AML, bao gồm thao tác điều khiển từ xa, dẫn đường tới mục tiêu và điều khiển đoàn xe cơ động.

Hệ thống AML đã thể hiện khả năng tự động di chuyển từ vị trí ẩn nấp đến điểm phóng, điều chỉnh phương hướng theo lệnh và nhận lệnh điều khiển hỏa lực của người điều khiển từ xa.

Một hệ thống M142 HIMARS được hoán cải thử nghiệm trước đây (Ảnh: US Army).

Sự kiện này do nhóm AvMC của DEVCOM thực hiện, thể hiện sự phối hợp giữa nhân viên vận hành và hệ thống tự chủ. Các sĩ quan và binh lính tiểu đoàn pháo binh dã chiến của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Tennessee đã thực hiện tất cả các hành động trong cuộc trình diễn, trong khi các chuyên gia từ AvMC và GVSC của DEVCOM thu thập các phản hồi quan trọng để cung cấp tham số cho việc thiết kế trong tương lai.

Theo Defense Blog, sự kiện đạt này đã kiểm nghiệm sự tích hợp giữa công nghệ tự chủ và Hệ thống phóng pháo phản lực cơ động cao M142 "HIMARS" đã được cải tiến. Thành tựu này đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với AML và đặt nền tảng cho việc đưa hệ thống vũ khí này tham gia cuộc tập trận Valiant Shield (Lá chắn Dũng cảm) năm 2024 tới đây.

Diễn biến cuộc thử nghiệm hệ thống AML (nguồn: TheWarzone).

AML có hình dạng và cấu trúc giống như một bệ phóng HIMARS đã loại bỏ đi buồng lái. Cũng giống như HIMARS, nó có thể được vận chuyển bằng máy bay vận tải C-130 để thực hiện nhiệm vụ "xâm nhập tấn công nhanh” tương tự HIMARS. Điểm khác biệt là AML có khả năng hoàn toàn tự chủ và có thể di chuyển về phía trước đến một vị trí được chỉ định để ẩn nấp hoặc bắn vào mục tiêu theo mệnh lệnh từ xa. Nó không những có thể phóng đạn tên lửa có điều khiển mà HIMARS đang sử dụng, mà trong tương lai còn có thể được trang bị các hộp đạn dài hơn và lớn hơn để nâng cao khả năng tấn công.

Khái niệm AML phù hợp với chiến lược hiện đại hóa của Lục quân Mỹ; chiến lược này nhấn mạnh việc tích hợp robot và tính tự chủ để tăng cường khả năng sát thương cho vũ khí. Bệ phóng không người lái tự chủ có tính cơ động cao này dự kiến sẽ tăng gấp ba lần hỏa lực thông qua bệ phóng bổ sung mà không cần thêm nhân sự, điều này giúp giảm tổn thất về nhân lực trong chiến đấu.

Theo LTN, Thewarzone

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/my-ra-mat-he-thong-phong-ten-lua-khong-nguoi-dieu-khien-post175100.html