Mùi chợ tết

Hơn nửa đời người, đã trải qua những thăng trầm với bao niềm vui, nỗi khổ trên bước đường mưu sinh, nhưng mỗi dịp tết đến, xuân về, miền ký ức trong tôi vẫn ngập tràn một mùi hương đặc biệt, không lẫn vào đâu được. Đó là mùi chợ tết ở quê tôi - một thứ mùi rất đặc trưng mà không một chợ quê nào có được.

Chợ xã quê tôi chỉ là chợ xổm. Nhà tôi cách chợ chưa đầy hai cây số, hằng ngày đi học trường xã, tôi vẫn thường qua cổng chợ. Có lẽ vì thế mà cái mùi chợ quê đã thấm âm thấm ỉ vào khứu giác và cả thị giác, thính giác của tôi. Đó là mùi khăm khẳm của phân bò, phân heo ở những nhà dân ngay sát chợ; là mùi hôi của cống rãnh không có nắp đậy; là mùi tanh tanh ở hàng cá, hàng thịt, và dù chưa bước tới khu vực bán gia súc, gia cầm, đã “nghe” thấy mùi hôi! Thế nhưng, chợ quê tôi cũng có một khu vực sực nức mùi thơm mà mỗi khi đi qua, cánh mũi tôi cứ phập phồng và nước miếng trào ra. Đó là khu vực hàng ăn trong nhà lồng chợ với đủ loại bánh, trái, chè, cháo, kẹo mật, chè lam... Ngày thường, thi thoảng vẫn được bưng đồ ra chợ cùng mẹ nên tôi có nhiều dịp khám phá chợ quê. Ấy thế mà hễ cứ đến phiên chợ cuối năm là tôi lại thấp thỏm từ tối hôm trước, bởi thể nào mẹ cũng cho đi chợ tết. Và khi từ chợ trở về nhà, thể nào tôi cũng có một tấm áo mới mặc tròng ra ngoài manh áo cũ đã ngả màu cháo lòng, tay cầm bó hoa giấy để thay cho bó hoa mua từ tết năm ngoái, màu đã bạc phếch.

Phiên chợ tết xưa

Ngày tôi còn bé, người ta không đợi đến tết mới mua sắm mà nhẩn nha chuẩn bị tết từ rất sớm. Ấy là con heo, lứa gà, vịt phải đon trước chừng dăm sáu tháng để có thể bán vào đúng dịp tết cho được giá. Là ao cá phải xuống giống từ đầu năm. Là gừng là bí phải thái lát phơi từ đầu Chạp để ngào đường làm mứt. Là luống bông cúc khuy áo, cúc vạn thọ được gieo từ mùa thu để đúng dịp tết là nở rực như một tấm khăn choàng lộng lẫy. Chừng trung tuần tháng Chạp đã thấy tết “lấp ló” trên những sân phơi trước nhà, trên chiếc dây phơi bằng kẽm cột chéo từ chái nhà đến ngọn xoan đầu ngõ. Phiên chợ cuối năm, mới tinh mơ sáng, tôi đã sốt ruột đợi mẹ ngoài ngõ. Trong hai cái thúng đầy ắp những sản vật cấy trồng từ vườn và ao nhà kia sẽ là tất cả sự tươm tất hay xoàng xĩnh của một cái tết của gia đình tôi; cả sự vui sướng hay buồn tủi của tôi khi có hay không có một manh áo mới trong ngày tết. Gánh hàng trên vai mẹ trĩu trịt đi trước, tôi lúp xúp chạy gằn theo sau trên lối mòn giữa hai bờ cỏ cuối đông bạc phếch. Thi thoảng mẹ trở vai gánh và quay đầu lại, bảo bám theo mẹ kẻo bị lạc nhé.

Chợ quê tôi có nhiều khu vực. Khu hàng ăn, hàng xén, la ghim bán trong nhà lồng, còn lại là bán ngoài trời. Từ hàng cá, gia súc gia cầm, nước mắm, rau củ quả đến quạt nan, rổ rá, có cả mèo con, chó con… nghĩa là nhà có thứ gì, người ta mang ra chợ thứ đó. Những ngày giáp tết, khu vực bán thịt lợn, cá phình to hơn ngày thường. Lại có thêm khu bán lá dong, lạt giang, lá thơm xông nhà và gian hàng hương, hoa, hàng mã, tranh tết, pháo tết… người đông như nên cối. Đến chợ, mẹ nhấc những thứ đồ khô phía trên sang một bên, để lộ ra những con cá trắm lưng đen trũi, cá chép vàng ươm đang cố quẫy trong cái thùng. Bán xong cá và những thứ đồ khô, mẹ lại hàng ăn mua cho tôi cái bánh rán lăn đường béo nhẫy, ngọt lịm. Chỉ loáng một cái, chiếc bánh đã nằm yên trong bụng. Tôi thèm thuồng liếm những hạt đường dính ở ngón tay. Lại có lần mẹ cho tôi ăn bún cá ở gian hàng góc trái chợ. Sau này lớn lên đi khắp nơi, đã ăn bún cá ở nhiều miền quê, nhưng chưa ở đâu tôi thấy thơm ngon như tô bún cá mẹ mua cho tôi ăn vào phiên chợ tết quê tôi thời thơ ấu.

Mùi của chợ tết còn là mùi hương trầm, mùi hồi, quế, gừng, hành, tỏi, riềng, sả… là những nguyên liệu buộc phải có trong gian bếp của mỗi nhà vào dịp tết. Đó còn là mùi khói pháo tép thi thoảng nổ lẹt đẹt và thu hút rất nhiều trẻ con vây quanh. Là mùi trầu cau, mùi quả phật thủ hay quả bưởi chín vàng ươm, mọi nhà thường mua về trưng trên ban thờ. Và còn một mùi hương không thể thiếu là hạt mùi già (miền Nam gọi là ngò rí). Người làng tôi thường mua về, cùng với lá bưởi, hương nhu, cúc tần, lá sả để nấu nước tắm vào tối 30 tết nhằm tẩy rửa bụi trần và xua đi những chuyện không may trong suốt một năm, để có thể nhẹ nhàng, sảng khoái đón chào năm mới. Tất cả những thứ mùi ấy hòa trộn vào nhau thành một thứ mùi đặc trưng của chợ tết. Cái mùi mà tôi dám chắc rằng, nếu ai đã từng được hít thở trong cái không gian ồn ào, huyễn hoặc như thực như mơ của phiên chợ cuối năm, hít thở cái mùi hương đặc trưng ấy, sẽ không thể nào quên.

Nói là không gian ồn ào, huyễn hoặc bởi thực tế có người đi chợ không chỉ để bán mua, bởi chợ quê còn là trung tâm thông tin, giao lưu của người nhà quê. Một người già bệnh nặng hay sắp qua đời, ở xóm trên có đàn lợn con sắp xuất chuồng, một gia đình ở xóm giữa chuẩn bị lợp nhà… Những tiếng chào hỏi ríu ran: Năm nay nhà bác có mổ lợn không? Nhà chị gói bao nhiêu cân nếp? Dượng ấy bệnh đỡ chưa? Tết này thằng lớn nhà thím có được về phép không…”. Họ vừa hỏi thăm, vừa trao nhau miếng trầu giữa chợ. Những câu hỏi mộc mạc, thân thương đó giống như một thứ keo vô hình và huyền bí gắn kết người nhà quê. Bởi thế mà có nhiều người nghiện đi chợ, đi chỉ để nắm thông tin. Lại có người đi chợ tết chỉ để ngắm hàng hóa là chính. Cả dòng người khổng lồ trong chợ cứ ẩy nhau trôi đi trong sự ồn ã, ấm áp và mùi hương tết sực nức ở khắp các quầy hàng.

Năm tháng qua đi, những phiên chợ tết quê xưa với mùi hương đặc trưng cùng cung cách bán hàng rất riêng biệt giờ chỉ còn là ký ức. Cả những tục lệ rất đẹp và ý nghĩa như tắm nước hạt mùi già trong đêm trừ tịch, tục gánh nước về nhà trước giao thừa, tục mua muối vào sáng mồng một tết... cũng dần bị lãng quên. Bây giờ, trừ những vùng sâu vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, còn hầu hết đã có cuộc sống đủ đầy. Chẳng mấy ai còn nghĩ tới ăn tết nữa, vì ngày nào chẳng như ăn tết! Bánh chưng, củ kiệu, dưa hành, giò chả, bánh mứt, trái cây lúc nào cũng sẵn. Chuyện mua sắm giờ cũng khác trước. Chẳng cần ra chợ, ngồi tại cơ quan, công sở cũng có thể mua sắm. Chỉ cần vài thao tác giản đơn, sẽ có người mang đồ đến tận nhà. Gà thịt, gà cúng, bánh, mứt… đủ cả. Và cho dù các chợ truyền thống vẫn đông đúc, sầm uất hơn trong dịp tết Nguyên đán, nhưng chẳng còn đứa trẻ nào háo hức theo mẹ đi chợ tết và phập phồng cánh mũi mỗi khi qua dãy hàng ăn nữa!

Linh Tâm

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/253/141019/mui-cho-tet