Mùa Hè, gia tăng nỗi lo tai nạn đuối nước

Dù được các cơ quan chức năng cảnh báo nhiều, nhưng số ca tai nạn đuối nước mỗi năm vẫn gia tăng. Theo các chuyên gia y tế, khi bị đuối nước, khả năng tử vong rất cao hoặc có thể để lại di chứng tổn thương não nặng nề.

Nhiều ca tử vong vì đuối nước

Chỉ trong hai ngày 28 – 29/4 (kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5), tại Hà Nội đã có 4 học sinh bị đuối nước. Trong đó, 2 học sinh lớp 11 của trường THPT Phúc Lợi và THPT Nguyễn Văn Cừ tử vong khi đi tắm tại khu vực bãi sông Hồng (quận Long Biên).

Khoảng 15 giờ 40 phút chiều 29/4, nhóm học sinh lớp 11 gồm 5 em (chủ yếu sống tại quận Long Biên, huyện Gia Lâm (Hà Nội)), rủ nhau ra sông Hồng, đoạn dưới chân cầu Vĩnh Tuy để bơi lội không may 2 em bị đuối nước. Khu vực gần chỗ xảy ra tai nạn thương tâm cũng là nơi diễn ra hoạt động vui chơi cắm trại của nhiều người dân Hà Nội tìm cách tránh nắng nóng.

Dù được các cơ quan chức năng cảnh báo nhiều, nhưng số ca tai nạn đuối nước mỗi năm vẫn gia tăng.

Đề phòng xảy ra những tại nạn đáng tiếc tương tự, Công an Hà Nội đề nghị chính quyền địa phương và cơ quan chức năng có biện pháp xử lý, quản lý chặt chẽ khu vực thường có đông người tập trung tại chân cần Vĩnh Tuy, đồng thời cắm biển, tuyên truyền để hạn chế thương vong.

Từ đầu năm đến nay, tại một số địa phương cũng đã xảy ra nhiều vụ đuối nước trẻ em thương tâm. Điển hình như tại khu vực sông Máng, phường Viên Sơn, thị xã Sơn Tây, mới đây, một học sinh trường THCS Ngô Quyền (thị xã Sơn Tây) bị đuối nước tử vong.

Tương tự, tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, 2 học sinh nữ là N.T.T.T. và B.T.N.L. (sinh năm 2013), cùng học tại trường Tiểu học và THCS xã Nuông Dăm, sau giờ nghỉ học ra đập chơi, không may bị đuối nước và đã không qua khỏi.

Tại tỉnh Đắk Lắk, 4 học sinh trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh, trên đường đi học về đến khu vực hồ thủy lợi Việt Đức 4 (xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) để tắm, trong đó 3 học sinh bị đuối nước. Hay tại Nghệ An, Hà Tĩnh cũng đã xảy ra 2 vụ đuối nước khiến 4 học sinh tử vong.

Dù mới bước vào đầu Hè nhưng Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận một số bệnh nhi đuối nước trong tình trạng nguy kịch tính mạng.

Những tai nạn thương tâm liên tiếp đã cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em, trở thành nỗi ám ảnh đối với phụ huynh, giáo viên và các cơ quan chức năng về quản lý, bảo vệ trẻ em trong mùa Hè.

Kịp thời ngăn chặn, hạn chế tối đa đuối nước

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em từ 5 đến 14 tuổi. Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ LĐTB&XH, mỗi năm có gần 2.000 trẻ dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước.

Trong khi đó, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước chỉ có gần 2.200 trường có bể bơi/tổng số hơn 25.000 trường. Tỷ lệ học sinh biết bơi chỉ chiếm 33,59%, cấp tiểu học thấp nhất với 26,6%; THCS 40% và THPT gần 64%.

Liên quan đến vấn đề này, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH Đặng Hoa Nam nhấn mạnh, việc phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ em đòi hỏi sự đồng lòng, nỗ lực của cả xã hội với các biện pháp đồng bộ. Gia đình và nhà trường cần trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em nhằm giảm thiểu những tai nạn đán tiếc.

Cho trẻ học bơi để nâng cao kỹ năng phòng, chống đuối nước.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, đuối nước là một dạng của ngạt, do nước bị hít vào phổi hoặc tắc đường thở do co thắt thanh quản khi nạn nhân ở trong nước. Khi ngạt nước, nạn nhân bị ngừng thở, tim đập chậm lại theo phản xạ. Tình trạng ngừng thở tiếp tục dẫn đến thiếu oxy máu, gây tăng nhịp tim, huyết áp. Hậu quả là nhịp tim chậm dần lại, rối loạn nhịp, ngừng tim và tử vong.

Khi bị đuối nước, khả năng tử vong rất cao hoặc có thể để lại di chứng tổn thương não nặng nề. Tuy nhiên nếu nạn nhân được sơ cứu kịp thời, tích cực và đúng phương pháp có khả năng được cứu sống. Vì vậy, việc xử trí cấp cứu đúng cách trong trường hợp này rất quan trọng.

Theo các chuyên gia, phòng tránh tai nạn đuối nước không chỉ đơn giản là việc học bơi. Quan trọng hơn, trẻ em cần được hướng dẫn về điểm vui chơi an toàn. Thực tế cho thấy, việc trang bị kỹ năng ứng phó khi gặp sự cố cho trẻ em, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Do đó, bên cạnh việc tăng cường giáo dục, giám sát, việc rèn luyện, bồi dưỡng những kỹ năng cơ bản cho cuộc sống cho trẻ em là cực kỳ quan trọng.

Tại ao, hồ, giếng khơi cần rào chắn, đảm bảo trẻ nhỏ không thể tự ý đi vào. Các khu vực bơi công cộng phải thiết kế độ sâu phù hợp với lứa tuổi, có đầy đủ phương tiện cứu hộ, cấp cứu và được giám sát. Người chăm sóc trẻ luôn để ý, quản lý, giám sát trẻ mọi lúc, mọi nơi; giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước và dạy trẻ bơi an toàn. Giáo dục, hướng dẫn cho trẻ lớn nhận biết các nơi nguy hiểm có nguy cơ cao xảy ra đuối nước, không tự ý tắm, chơi đùa ở những nơi có vùng nước nguy hiểm.

Hà Linh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/mua-he-gia-tang-noi-lo-tai-nan-duoi-nuoc.html