Mùa bắp bên sông, một thời thương nhớ

Soi bắp ven sông Ba thuộc xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa. Ảnh: LÊ TRÂM

Không chỉ ở thành phố mà kể cả ở thôn quê ngày nay, nếu tạm rời bàn học, đa phần học trò say mê màn hình điện thoại. Tuổi thơ thế hệ 8X trở về trước, cứ mỗi khi hè đến là chạy nhảy, rủ nhau bắt dế, thả diều, thong thả ngoài đồng ruộng, soi gò.

Tuổi thơ 8X

Ngồi nhâm nhi ly nước trà đậm ở hàng ba, nhìn vô phòng khách, thấy mấy đứa nhỏ dán mắt vào màn hình điện thoại, máy tính, ông Bùi Văn Long ở xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân, than: Mấy đứa học trò ngày nay nếu tạm rời bàn học thì ôm điện thoại, máy tính. Vì vậy, mắt đứa nào cũng đeo đít chai. Còn thời chúng tôi ở thập niên 80, hè đến thì thong thả ngoài đồng ruộng, soi gò… Giờ nhắc lại lòng vẫn bồi hồi khó tả.

Ông Long kể, ở soi dọc bờ sông Con quê ông, người dân thường trồng bắp. Cây bắp hạp với đất phù sa, lên nhanh xanh tốt, trổ cờ, chửa một bụng rồi phun râu. Sau khi được thụ phấn, bắp héo râu và bắt đầu ngậm sữa, kết hạt. Bọn trẻ nhỏ trong xóm ra soi bắp, mắt láo liên thấy không có ai liền trổ tài “đặc công”, bẻ trộm bắp non. Đứa nào cũng tranh thủ lủi nhanh vô đám bắp bẻ lấy bẻ để, nhanh tay đút túi áo trên, túi quần rồi còn bỏ áo trong quần để đựng cả bụng bắp. Mỗi đứa khi thành con robot bắp rồi thì chạy ra chỗ bụi rù rì, xổ quần áo ra cho bắp rớt xuống cát: bịch, bịch, bịch...

Mỗi đứa một tay, xúm nhau quơ củi rù rì ven sông nhóm lửa rồi thả từng trái bắp còn nguyên vỏ vô nướng. Cháy hết lớp củi này chụm thêm lớp củi khác. Tàn ba lớp củi là bắp chín, khều ra ăn. Trái bắp nào nằm phía trên lửa ngọn có lớp vỏ đùm, ăn vào giống như bắp nấu. Trái nằm ở chỗ lửa than cháy hết lớp vỏ thành bắp nướng. Trái nằm dưới tro moi lên, ăn sau cùng thành bắp hầm. Hùa nhau ăn ngay tại bếp nên mặt mũi đứa nào cũng lem luốc lọ than. Hương vị đặc trưng của bắp vừa nấu, vừa nướng, vừa hầm và mùi khói… nhét vô tận chân răng.

“Ở quê tôi, như có quy ước, trẻ nhỏ bẻ bắp, moi sắn để nướng hoặc lùi ăn tại chỗ, gọi là của ngoài đồng khi cây mùa trái chín, chủ bắt được chỉ đánh bằng roi mót. Còn nếu trộm rồi mang về nhà đem đi bán là tham lam, chủ bắt được của một đền mười. Cha mẹ, xóm làng nghiêm cấm điều này”, ông Long nói.

Cùng ngồi nhâm nhi bình trà với ông Long, ông Nguyễn Văn Lê chia sẻ: Chiều đầu tháng tám vừa qua, tôi chạy xe máy trên trục đường liên thôn, trời chưa tắt nắng đã có một nhóm trẻ đi dọc bờ ruộng hướng ra soi bắp. Trông chúng chẳng khác lũ chúng tôi ngày xưa là mấy. Chỉ khác là trẻ nhỏ bây giờ quần áo tinh tươm, sạch sẽ hơn và rón rén đi ven bờ chứ không nhảy bổ xuống ruộng như chúng tôi lúc trước.

“Tôi nhớ có lần mấy đứa con trai lớp tôi ra soi bẻ bắp đem nướng. Khi lột ra trúng trái bắp chỉ có vài hạt răng cưa ở phía dưới, còn phía trên không hạt. Xế, trời đổ mưa giông, củi ướt ngún khói, nhào vô thổi lửa nên mắt đứa nào cũng cay sè, đỏ hoe. Một lần khác, chú Tư trong xóm, từ trong nhà nhìn ra soi thấy khói bay lên, biết là bọn trẻ tụi tui đang nướng bắp. Hôm sau, chờ bọn tui đi học về, chú Tư theo sát… rình.

Chờ không thấy đâu, chú ra đầu xóm thì gặp tui. Qua chỗ khúc cua, chú lại gần nhìn mặt tui, phát hiện còn nửa hạt bắp dính trên mép, liền nắm tay tui hùng hổ: Bữa nay tao bắt được thằng Tèo (tên tui hồi nhỏ) bẻ bắp trộm, bằng chứng là còn để dành nửa hạt bắp trên mép. Tôi giật tay bỏ chạy làm rớt quyển vở gấp làm hai nhét sau lưng quần…”, ông Lê nhớ lại tuổi thơ của mình.

Hình ảnh thân thương

Chị Mai Thị Liên, quê ở thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh, vừa rồi về thăm quê chia sẻ: Thời nay ti vi để trên đầu giường, trẻ con chưa biết nói đã rành bấm điện thoại. Còn thế hệ chúng tôi, lúc đó tôi 7, 8 tuổi đã có thể giúp đỡ gia đình việc nọ chuyện kia. Mẹ tôi mất sớm, trong nhà chỉ hai cha con. Hôm nhà có đám giỗ, ba sai tôi nướng bánh tráng. Tôi nhóm lửa, củi là thân bắp khô. Bánh tráng nướng lửa ngọn nên đen thui.

Cô Hiền là người hàng xóm qua ăn giỗ, thấy tôi thui bánh tráng, cô xoa đầu nói: Tội nghiệp, hồi giờ có ai bày biểu tập tành gì đâu? Ý cô nói tôi không có mẹ. Rồi cô bày tôi nướng bánh bằng lửa ngọn. Để bánh tráng không đen thì phải để cháy hết lớp củi bắp nhóm ban đầu cho bay hết khói đen rồi nướng. Khi nướng phải lật, trở nhanh tay để bánh không bị cháy và khói không làm nám đen mặt bánh. Có lần đang bữa ăn, nhớ đến chuyện thui bánh tráng trên lửa củi bắp, tôi cười sặc cơm lên mũi.

Cũng theo chị Liên, miền quê ven sông bây giờ vẫn còn có soi bắp nhưng không còn giống bắp truyền thống, nhỏ trái, mà trồng bắp lai trái dài hơn gang tay người lớn. Dọc tuyến ĐT641, đoạn từ cầu Cây Cam, xã An Định (huyện Tuy An) lên thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân), người đi đường thường thấy những cái bếp dã chiến ven đường rực lửa với nồi bắp luộc nghi ngút khói.

“Cứ nghĩ cảnh đó đã lùi vào dĩ vãng cùng tuổi thơ thời 8X của chúng tôi. Nào ngờ dịp về quê, tôi lại gặp hình ảnh thân thương đó”, chị Liên thổ lộ.

Anh Nguyễn Văn Phục đang lúi húi châm lửa nấu bắp dưới chân cầu Cây Cam, cho biết năm nay người dân địa phương được mùa bắp. Sau mùa lũ, phù sa bồi đắp một lớp dày dọc theo triền sông Kỳ Lộ. Những ruộng bắp vùng này nhờ đó phát triển nhanh và ra trái sớm. “Bắp tươi mới bẻ ngoài soi về cho vào nồi luộc, ăn khi còn nóng hôi hổi rất ngon ngọt nên khá đắt hàng. Có ngày vợ chồng tôi bán được 2-3 nồi, mỗi nồi nửa bao tải bắp. Bà con lối xóm này cũng thế. Nhờ vậy, nhiều người có tiền gửi vào TP Hồ Chí Minh cho con ăn học”, chị Phan Thị Tuyết - vợ anh Phục nói.

MẠNH LÊ TRÂM

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/284324/mua-bap-ben-song-mot-thoi-thuong-nho.html