Một vài vấn đề bàn luận về 'linh hồn' và 'thượng đế' trên Tạp chí Duy Tâm Phật học

Duy Tâm Phật học ra đời đã tạo nên một bước tiến rất quan trọng trong việc phổ biến giáo lý bằng chữ Quốc ngữ, truyền bá chánh pháp. Song song đó là phương tiện truyền tải thông tin, kêu gọi tinh thần yêu nước của nhân dân, đồng thời là diễn đàn ngôn luận để mọi người có cơ hội tham gia đóng góp, tranh luận, phê phán cũng như đưa ra những quan điểm của người học Phật về các vấn đề như: Vấn đề linh hồn bất tử, Thượng đế có sáng tạo ra vạn vật hay không?

Mục lục bài viết

Duy Tâm Phật học ra đời đã tạo nên một bước tiến rất quan trọng trong việc phổ biến giáo lý bằng chữ Quốc ngữ, truyền bá chính pháp. Song song đó là phương tiện truyền tải thông tin, kêu gọi tinh thần yêu nước của nhân dân, đồng thời là diễn đàn ngôn luận để mọi người có cơ hội tham gia đóng góp, tranh luận, phê phán cũng như đưa ra những quan điểm của người học Phật về các vấn đề như: Vấn đề linh hồn bất tử, Thượng đế có sáng tạo ra vạn vật hay không?

Dẫn nhập

Nội dung

Kết luận

Duy Tâm Phật học ra đời đã tạo nên một bước tiến rất quan trọng trong việc phổ biến giáo lý bằng chữ Quốc ngữ, truyền bá chính pháp. Song song đó là phương tiện truyền tải thông tin, kêu gọi tinh thần yêu nước của nhân dân, đồng thời là diễn đàn ngôn luận để mọi người có cơ hội tham gia đóng góp, tranh luận, phê phán cũng như đưa ra những quan điểm của người học Phật về các vấn đề như: Vấn đề linh hồn bất tử, Thượng đế có sáng tạo ra vạn vật hay không?

Tác giả: Phan Thị Thảo Sương (Pháp danh: Thích nữ Thiện Tánh)

Học viên Thạc sĩ Khóa V-Học viện PGVN tại cơ sở 1

Dẫn nhập

Khi phong trào Phật học ngày càng lớn mạnh, Duy Tâm Phật học ra đời đã tạo nên một bước tiến rất quan trọng trong việc phổ biến giáo lý bằng chữ Quốc ngữ, truyền bá chính pháp. Song song đó là phương tiện truyền tải thông tin, kêu gọi tinh thần yêu nước của nhân dân, đồng thời là diễn đàn ngôn luận để mọi người có cơ hội tham gia đóng góp, tranh luận, phê phán cũng như đưa ra những quan điểm của người học Phật về các vấn đề như: Vấn đề linh hồn bất tử, Thượng đế có sáng tạo ra vạn vật hay không?

Nội dung

Vấn đề linh hồn bất tử

Do quan niệm của mỗi cá nhân hiểu về linh hồn theo mỗi cách khác nhau, cho nên vấn đề này vẫn còn rất nhiều tranh cãi. Linh hồn có hay không có?

Một số tôn giáo cho rằng linh hồn là thiêng liêng, là bất tử. Nhiều người lại tin rằng khi một người chết đi, linh hồn sẽ đi vào cõi âm, chờ ở đấy đợi Diêm vương xét xử, làm ác thì khó đi đầu thai. Phật giáo thì không chủ trương vấn đề có linh hồn bất tử, chỉ theo lý duyên sinh, vô thường, vô ngã. Tuy nhiên từ xưa đến nay, vấn đề này vẫn luôn tồn tại đã gây nên rất nhiều sự nhầm lẫn dẫn đến tình trạng mê tín trong dân chúng.

Vậy linh hồn có thật sự tồn tại mãi mãi hay không? Duy Tâm Phật học đăng tải bài giảng của HT.Khánh Hòa, “Linh hồn hay là “thức” hay cái “biết”, số 8,9,10 (1936) và bài giảng của Trường Tố, “Quỷ và linh hồn học”, số 33(1938), số 35 (1939). HT.Khánh Hòa cho rằng vì có linh hồn cho nên mới có chúng sinh luân hồi trong sáu đường ba cõi. Hay “nghiệp thức hay linh hồn mà phải luân hồi sinh tử trong sáu đường ba cõi cũng do nơi sự năng lực tác dụng của nó là Bổ-lặc da-la (nghiệp thức) hay cái thân trung ấm mà ra”[1].

Linh hồn hay thân trung ấm có mười thứ, nó đi đầu thai không ngoài bốn loài chúng sinh trong sáu đường ba cõi. Mười thứ thân trung ấm có: 1/Chẳng trồng cội lành, 2/Chưa làm việc phước, 3/Tập nhiễm nối nhau, 4/Theo tính nết bạn dữ, 5/Chẳng sợ đời sau mang quả khổ, 6/Sự tham dục cứng nhắc, 7/Sự giận dỗi cứng nhắc, 8/Sự ngu si cứng nhắc, 9/ Cái tâm mê loạn, 10/Chấp cứng sự tà kiến.

Tiếp đó là bốn loài chúng sinh được HT.Khánh Hòa nêu ra là: Noãn sinh (loài sanh ra từ trứng), thai sinh (loài sinh từ thai), thấp sinh (loài sinh chỗ ướt), hóa sinh (loài sinh hóa). Khi thân trung ấm của loài thai sinh và noãn sinh đi đầu thai thì tùy theo đồng nghiệp của cha mẹ chung vào trong bụng mà thọ thai, còn loài thấp sinh và hóa sinh lại chẳng phải đồng nghiệp với cha mẹ, đều do nơi định nghiệp mà thôi, chẳng có chọn lựa xa gần, tùy chỗ nào dính mắc thì dính mắc mà thọ sinh[2].

Sau khi kết thúc bài giảng, ngài đã kết luận rằng: “Nay chúng ta muốn chỉ ra cho đích xác thì chỉ như vầy: Linh hồn ở trong thân người, trời Sắc giới, Dục giới, linh hồn ở trong thân người thế gian, linh hồn ở trong thân người Bàng sinh, linh hồn ở trong thân người Thần quỷ, linh hồn ở trong thân người Địa ngục, vì Bổ-lặc-da-la dịch là người. Cho nên, đều kêu người cũng chẳng hại ai”[3].

Trường Tố cũng cho rằng nước ta ngày nay trong dân gian thịnh hành cái thuyết quỷ thần làm chi phối nhân tâm cả nước. Nhưng mà khi hỏi các nhà khoa học cho rõ vấn đề có quỷ hay không thì họ chưa dám quyết đoán. Cho nên, Trường Tố đã dùng Phật pháp để kết luận bốn điều về vấn đề này như sau:

Điều thứ nhất là nói về quỷ, nó chiếm một cõi trong lục đạo, nó cũng tùy theo hoàn cảnh mà hình thù tiếng tăm mỗi xứ mỗi khác, cũng như người vậy.

Điều thứ hai là linh hồn, linh hồn tức là ý thức của người đó, lúc người đó còn sống thì có đủ sáu căn sáu thức, lúc chết thì năm căn nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân thuộc về vật chất phải tiêu diệt, còn ý căn, ý thức thuộc về tinh thần gọi là linh hồn.

Điều thứ ba là quỷ có linh hồn của quỷ, người có cái linh hồn của người, chớ không phải linh hồn tức là quỷ đâu, chỉ có một điều con người mà làm việc ám muội như quỷ, có lẽ linh hồn người ấy hóa quỷ, nghĩa là quả báo luân hồi, chớ không phải luật tự nhiên buộc vậy.

Điều thứ tư là ai muốn thấy quỷ thần hay là linh hồn, tất không phải con mắt thông thường mà thấy được, phải tu tập tông duy thức cho sâu, lấy ý thức mà thấy, thì vấn đề này mới được giải quyết[4]. Ông khẳng định nếu nói linh hồn là bất tử thì tất nhiên dính mắc vào tà thuyết, trái với luật nhân quả. Từ những lẽ đó mà nói linh hồn bất tử là điều không thể.

Cùng quan điểm đó, HT.Khánh Anh trong bài giảng giải với chủ đề “Giải rõ về thân trung hữu Vấn đề tử quỷ” cũng giải thích về vấn đề này rất rõ. Ngài cho rằng dựa vào cái thuyết “nhân quả ba đời, sanh tử sáu thú” của Phật giáo rất bổ ích cho tinh thần đạo đức của chúng ta. Những ai mà thông suốt đến lý “nhân vô ngã, duy hữu thức” rồi thì không cần lập thuyết thân trung hữu nữa, vì đã tỏ rạng lý nhân quả lưu chuyển các thú rồi[5].

Từ những dẫn chứng trên, có thể thấy được rằng Phật giáo không chủ trương có linh hồn bất tử, bởi vì không có một cái bản ngã hay linh hồn nào trường tồn bất diệt mà chỉ có nghiệp thức của chúng sinh hiện hữu. Nếu có một cái ngã hay linh hồn bất tử thì con vật sau khi phát triển thiện nghiệp qua nhiều đời làm sao có thể đầu thai được làm kiếp con người, hay cụ thể hơn là nếu như linh hồn là bất tử thì chúng sinh tu tập không thể chứng đắc quả vị bồ tát hay quả vị Phật hay sao?

Như vậy, tùy theo nghiệp nhân đã tạo mà nhận quả. Chỉ khi nào các hành giả tu tập đạt được quả vị bất thối chuyển thì mới không chịu quả luân hồi sinh tử nữa.

Bộ Tạp chí Duy Tâm do Huệ Quang ấn hành năm 2016

Vấn đề Thượng đế sáng tạo vạn vật

Theo Phật giáo, vạn pháp do duyên sinh và cũng do duyên diệt, cho nên không có một thực thể nào cố định. Thế thì vấn đề Thượng đế có sáng tạo ra vạn vật được hay không? Lúc bấy giờ, vấn đề này vẫn luôn được quan tâm và tốn rất nhiều giấy mực của các nhà học giả. Trên Duy Tâm Phật học, các nhà học giả cũng tham gia vào cuộc tranh luận về những vấn đề này.

Thượng đế có sáng tạo ra vạn vật hay không? Đối với vấn đề này, HT.Khánh Hòa đặt ra những câu hỏi liên quan đến vấn đề này như sau: Nếu như Thượng đế tạo ra cái vũ trụ nhân sinh như cái lao ngục, đầy dẫy gông cùm, cả những tội ác khổ sở, không tốt lành, không bình đẳng, không tự do, không an ổn. Vậy thì làm như thế là là làm ơn hay làm hại? Ở thế gian có một hạng nhau thai có lương tâm cũng không nỡ làm hại, huống chi Thượng đế là một chủ tể tạo vật trên cao mà tạo ra loài người rồi lại làm hại hay sao?

Nên ngài cho rằng cái thuyết trời sinh hay Thượng đế tạo ra vạn vật đều chưa đủ cơ sở để kết luận. Nếu qua những cái nghĩa ấy mà chưa chịu chấp nhận thì xin hỏi là nếu muôn vật đều do Thượng đế tạo ra thì ai tạo ra Thượng đế? Có lẽ ai đứng về phương diện ấy thì cũng sẽ trả lời là Thượng đế là nhất. Ngài nhấn mạnh nếu Thượng đế sáng tạo ra vạn vật thì tại sao không lấy từ bi để tạo ra sự bình đẳng cho con người.

Bởi vì hiện tại có người rất giàu sang hạnh phúc, có người lại vô cùng nghèo đói, thống khổ đủ điều. Lại còn tạo ra nhiều hạng người, đã tạo ra con người lại còn để cho loài cầm thú hãm hại, như thế còn chưa đủ lại tạo ra các loại quỷ ma quấy phá đủ điều.

Cho nên, cái thuyết Thượng đế sáng tạo ra vạn vật chưa đủ thuyết phục. Ngài cho rằng muốn giải thích được vấn đề này cần phải dựa theo cái chủ nghĩa của Montaigne và Pierre Bayle (nước Pháp), là hai nhà Triết học thuộc phái hoài nghi (Scepticisme), hễ việc gì chưa đáng tin thì để vào lệ hoài nghi, để khi có so sánh thí nghiệm thì việc giải quyết mới không sợ bị sai lệch.

Sau đó, ngài dùng giáo lý để giải thích về vấn đề này như sau:

Phật nói: Từ đời vô thỉ chưa có Phật, chưa có chúng sinh mà cũng chưa có cái hư không vũ trụ, ấy là kiếp không về trước chỉ có nhiều cái biết, mà cái biết đó nó sáng suốt viên mãn, thấy nghe hiểu biết còn chung lại trong một khối gương sáng suốt viên mãn như như đó. Bên cạnh cái sáng suốt ấy khởi động lên mới thành ra chốn hư không tâm tâm mù mù, rồi bắt đầu sanh ra thế giới chúng sinh và nghiệp quả, tức là vũ trụ nhân sinh, sinh sinh tử tử, dính líu với nhau đời đời kiếp kiếp cho đến ngày nay đây”[6].

Trong tư tưởng Phật giáo bác bỏ một cách rõ ràng ý niệm về vĩnh cửu, đã nêu lên thuyết vạn vật thay đổi, trong đó thuyết duyên khởi đóng vai trò chủ đạo, để thay thế vai trò của Thượng đế toàn năng hay đấng sáng tạo. Quan niệm về các vị thần linh, mặc dù có trong Phật giáo nhưng đó không phải là điểm trọng tâm của giáo lý hay được sử dụng như là nền tảng của giáo lý Phật giáo.

Như vậy, sự hiện hữu của mọi sự vật hiện tượng theo Phật giáo là tùy thuộc nhân duyên phát sinh, không ai tạo ra nó cả. Nguyên lý duyên khởi đó đã được đức Phật tóm tắt trong kinh Phật tự thuyết như sau:

“Do cái này có mặt nên cái kia có mặt.

Do cái này không có mặt nên cái kia không có mặt.

Do cái này sinh nên cái kia sinh.

Do cái này diệt nên cái kia diệt”[7].

Hay “Chúng sinh là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp; nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là nhân tố phán xét”[8]. Những hành động có ý thức do con người tạo ra chính là nguyên nhân dẫn đến thọ quả báo tốt hay xấu. Vì thế, con người sẽ không thể thay đổi nghiệp lực của mình, không thể chuyển từ ác báo sang thiện báo, không thể chứng đắc giải thoát nếu do một vị Thượng đế nào tạo nên. Chính vì như thế, Phật giáo không chủ trương Thượng đế sáng tạo ra vạn vật.

Bộ Tạp chí Duy Tâm do Huệ Quang ấn hành năm 2016

Kết luận

Với vai trò là cơ quan ngôn luận của Hội Lưỡng Xuyên Phật học, Duy Tâm Phật học đã làm tốt vai trò truyền tải thông tin đến đại chúng về các vấn đề cũng như hoạt động của hội. Tiếp đó, là vai trò truyền bá chính pháp, Duy Tâm Phật học đã làm rõ được những vấn đề về Phật giáo với khoa học như: Vấn đề linh hồn bất tử, vấn đề Thượng đế sáng tạo vạn vật,… Từ đó dẫn dắt tín đồ có cái nhìn nhận cho đúng chính pháp và hợp thời.

Tác giả: Phan Thị Thảo Sương (Pháp danh: Thích nữ Thiện Tánh)

Học viên Thạc sĩ Khóa V – Học viện PGVN tại cơ sở 1

***

Chú thích:

[1] Khánh Hòa (1936), “Linh hồn hay là “thức” hay cái “biết”, Duy Tâm Phật học, số 8, tr. 444.

[2] Khánh Hòa (1936), “Linh hồn hay là “thức” hay cái “biết”, Duy Tâm Phật học, số 8, tr. 446-448.

[3] Khánh Hòa (1936), “Linh hồn hay là “thức” hay cái “biết””, Duy Tâm Phật học, số 10, tr. 563-564.

[4] Trường Tố (1939), “Quỷ và linh hồn học”, Duy Tâm Phật học, số 35, tr. 473-474.

[5] Khánh Anh, “Giải rõ về thân trung hữu-vấn đề tử quỉ”, Duy Tâm Phật học, số 20, tr. 439-446.

[6] Khánh Hòa (1936), “Bài giảng của sư cụ tại Hội quán Lưỡng Xuyên Phật học hôm ngày 9-10/Fesvrier 1936”, Duy Tâm Phật học, số 7, tr. 376.

[7] Thích Minh Châu (dịch) (2000), Kinh tiểu bộ, Tập I, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, tr. 291.

[8] Thích Minh Châu (dịch) (1996), Kinh trung bộ, Tập III, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, tr. 481.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/mot-vai-van-de-ban-luan-tren-tap-chi-duy-tam-phat-hoc.html