Một tỉnh xuất hiện ổ dịch nghi do lỵ trực trùng

Qua giám sát, Trung tâm y tế huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) ghi nhận có 28 trường hợp từ 6 tháng đến 75 tuổi bị tiêu chảy nghi do lỵ trực trùng.

 Nhân viên y tế cấp phát thuốc điều trị bệnh lỵ trực trùng tại nhà cho người dân. Ảnh: CDC Cao Bằng.

Nhân viên y tế cấp phát thuốc điều trị bệnh lỵ trực trùng tại nhà cho người dân. Ảnh: CDC Cao Bằng.

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Cao Bằng, Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm đã báo cáo về các trường hợp tiêu chảy nghi do lỵ trực trùng tại xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm.

Ngay khi nhận được thông tin, CDC Cao Bằng đã cử đoàn công tác đến nhà người dân nghi mắc bệnh để giám sát, điều tra xác minh và hỗ trợ công tác phòng, chống và xử lý ổ dịch.

Trong 28 trường hợp bị tiêu chảy nghi do lỵ trực trùng, có 15 người ở xóm Chẻ Lỳ A, 6 người ở xóm Chẻ Lỳ B, 7 người ở xóm Dình Phà. Các trường hợp này đề có biểu hiện đau bụng vùng quanh rốn, sốt nhẹ, kèm theo mót rặn đi ngoài phân lỏng nhiều lần có nhầy máu. Tất cả người bệnh được Trạm Y tế xã cấp phát thuốc và điều trị tại nhà, hiện sức khỏe ổn định.

Đoàn công tác đã lấy 20 mẫu bệnh phẩm các trường hợp mắc bệnh, lấy mẫu nước sinh hoạt để xét nghiệm tác nhân gây bệnh. Đồng thời đoàn phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm, xử lý môi trường bằng hóa chất Cloramin B.

CDC Cao Bằng yêu cầu Trung tâm huyện Bảo Lâm, Trạm Y tế xã Đức Hạnh tăng cường sát chặt chẽ tình hình bệnh lỵ trực trùng tại tất cả xóm trên địa bàn xã, nhằm phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, xử lý kịp thời tránh lây lan diện rộng.

 Đoàn công tác đến địa phương xuất hiện ổ dịch để điều tra dịch tễ. Ảnh: CDC Cao Bằng.

Đoàn công tác đến địa phương xuất hiện ổ dịch để điều tra dịch tễ. Ảnh: CDC Cao Bằng.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tiêu chảy là một biểu hiện điển hình khi người dân mắc bệnh lỵ trực trùng. Đây là bệnh nhiễm khuẩn đường ruột cấp tính do vi khuẩn Shigella với biểu hiện lâm sàng đa dạng, trong đó 25% có hội chứng lỵ rõ, 25% nhiễm khuẩn không triệu chứng. Đa số trường hợp chỉ có tiêu chảy nhẹ, một số ít có diễn tiến mạn tính.

Bệnh lỵ trực trùng thường xuất hiện ở trẻ em dưới 5 tuổi, vào mùa nắng do thiếu nước uống và nước sinh hoạt. Tần suất bệnh gia tăng sau lũ lụt, do nước ngập làm phân chứa Shigella dễ nhiễm vào nguồn nước.

Bệnh chủ yếu lây qua đường phân - miệng, gián tiếp hay trực tiếp. Ngoài ra, bệnh dễ lan truyền qua tiếp xúc trực tiếp giữa trẻ trong cùng nhóm trẻ, cùng gia đình hay qua trung gian như đồ chơi, tay nắm cửa nhà vệ sinh, van vòi nước.

Bệnh có thể gây ra dịch ở những nơi sống chật chội, thiếu nước sạch và vệ sinh môi trường kém. Lúc này, bệnh sẽ lây gián tiếp qua ruồi nhặng, thức ăn, nước uống.

Do đó, để phòng bệnh người dân cần ăn chín, uống chín, rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh môi trường, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Khi có biểu hiện bệnh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, giảm thiểu diễn biến nặng.

Nguyễn Thuận

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/mot-tinh-xuat-hien-o-dich-nghi-do-ly-truc-trung-post1475372.html