Một số quyết định quan trọng sắp được Transnistria đưa ra?

'Vùng đất ly khai Transnistria của Moldova có thể sẽ đưa ra những quyết sách quan trọng sau hội nghị diễn ra vào tuần tới, trong đó có vấn đề liên quan tới Nga', các nhà quan sát địa chính trị quốc tế đưa ra nhìn nhận.

Tại Cộng hòa Moldavian Pridnestrovian tự xưng (PMR), tức vùng đất ly khai Transnistria của Moldova, việc triệu tập cuộc họp đại biểu nhân dân đã bắt đầu cho hội nghị sẽ diễn ra vào tuần tới.

Người đứng đầu chính quyền PMR - ông Vadim Krasnoselsky cho biết: "Việc triệu tập hội nghị đại biểu nhân dân các cấp được đưa ra do áp lực từ Cộng hòa Moldova".

Theo ông Krasnoselsky: "Chính quyền Chisinau đã vi phạm các điều khoản thỏa thuận, khiến cho tình hình kinh tế xã hội của người dân Pridnestrovian xuống thấp. Một số quyết định quan trọng dự kiến sẽ được đưa ra sau cuộc họp".

Trước diễn biến trên, báo chí quốc tế nhấn mạnh rằng trong toàn bộ lịch sử tồn tại của PMR, những đại hội tương tự như vậy chỉ được tổ chức 6 lần và đều gắn liền với những sự kiện quan trọng nhất.

Sự kiện gần nhất diễn ra vào năm 2006, và kết quả là PMR quyết định tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về khả năng vùng đất ly khai này gia nhập Liên bang Nga, kết quả theo công bố là có tới gần 97% cư dân bỏ phiếu ủng hộ.

Một lãnh đạo của phe đối lập tại PMR - ông Gennady Chorba tin tưởng đại hội sắp tới sẽ gửi tới Moskva đề nghị sáp nhập khu vực này vào Liên bang Nga trong ngày 28/2, trước thời điểm Tổng thống Putin đọc bài phát biểu trước Duma Quốc gia.

Hiện tại PMR đang chịu áp lực kinh tế và chính trị mạnh mẽ từ phía Moldova, khi Chisinau dự kiến sẽ "thu hồi chủ quyền" đối với vùng đất ly khai này chậm nhất là vào năm 2030, thông điệp trên được Bộ trưởng Quốc phòng Moldova - ông Anatoly Nosaty cho biết.

Không chỉ có vậy, Bộ trưởng Ngoại giao Moldova - ông Mihai Popsoi cũng bày tỏ tin tưởng rằng hầu hết người dân tại Transnistria hiểu rằng họ nên trở thành một phần của EU cùng với Chisinau, thay vì bỏ phiếu theo quan điểm của phe ly khai.

Trong thời gian tới, nếu chính quyền PMR gửi tới Moskva đề nghị được sáp nhập thì rất có thể xung đột vũ trang sẽ bùng nổ, bởi Moldova đã tăng cường sức mạnh quân sự trong thời gian qua.

Không chỉ có vậy, Chisinau còn nhận được sự cam kết hỗ trợ từ Kyiv, bởi Ukraine muốn có quyền kiểm soát kho đạn khổng lồ từ thời Liên Xô. Bên cạnh đó với tình hình hiện tại, Nga gần như không thể can thiệp bằng quân sự.

Cách đây ít lâu, Moldova đã có hành động ngăn chặn việc Quân đội Nga luân chuyển lực lượng đồn trú ở Transnistria, điều này đã khiến Moskva cảm thấy rất tức giận.

Theo thông báo, chính quyền Moldova không cho phép Quân đội Nga tiến vào Transnistria và yêu cầu rút ngay "lực lượng gìn giữ hòa bình" khỏi Cộng hòa Moldavian Pridnestrovian tự xưng.

Theo thông báo từ Chisinau, Quân đội Nga đã bị từ chối cho phép tiếp tục triển khai trên lãnh thổ Transnistria, do vi phạm tính trung lập và sự hiện diện bất hợp pháp trên đất Moldova.

Hơn nữa chính quyền Moldova còn yêu cầu ngay lập tức rút các binh sĩ thuộc "lực lượng gìn giữ hòa bình" của Nga khỏi lãnh thổ PMR chưa được công nhận, điều này cho thấy Chisinau đang đối đầu trực tiếp với Moskva.

"Moldova đã ngăn chặn các trường hợp nhập cảnh trái phép đối với một số quân nhân Nga, bởi vì họ không tuân thủ một số tiêu chí nhất định đã được thống nhất trước đó".

"Chúng tôi quyết định cấm các sĩ quan của cái gọi là 'Nhóm tác chiến thuộc lực lượng Nga', một đội hình mà theo quan điểm của Chisinau, họ đã vi phạm tính trung lập và hiện diện bất hợp pháp trên lãnh thổ Moldova".

"Trong bối cảnh trên, Bộ Ngoại giao và Hội nhập châu Âu xác nhận quan điểm của chính quyền về sự cần thiết nối lại vô điều kiện tiến trình rút quân và kho đạn của Nga khỏi đất nước chúng tôi", đại diện ngoại giao Moldova nói rõ.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/mot-so-quyet-dinh-quan-trong-sap-duoc-transnistria-dua-ra-post567902.antd