Mở rộng diện tích, tăng giá trị sản phẩm từ cây sen

Nông dân thôn Vinh Ba, xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) mở rộng diện tích trồng sen, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: NGỌC HÂN

Sở NN&PTNT vừa phối hợp với UBND huyện Tây Hòa tổ chức hội thảo, đánh giá tình hình qua 1 năm triển khai Kế hoạch 147 của UBND huyện về phát triển diện tích trồng sen, thực hiện mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm từ cây sen.

Thời gian qua, nhờ chính sách hỗ trợ, người dân tại các xã, thị trấn trên địa bàn Tây Hòa đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả, đất trũng bỏ hoang sang trồng sen với tổng diện tích gần 66ha.

Thu nhập cao hơn trồng lúa

Theo ông Nguyễn Thanh Minh, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Đồng, năm 2018, nhận thấy một số diện tích ở những vùng sâu, vùng thấp trồng lúa kém hiệu quả, HTX đã phối hợp với hội nông dân, hội phụ nữ xã chọn thí điểm 2,4ha bầu ao thuộc diện sản xuất lúa bấp bênh để vận động người dân chuyển sang trồng sen. Các hộ đăng ký thực hiện chuyển đổi thí điểm được hỗ trợ giống, thuốc diệt ốc, khoan giếng, hướng dẫn kỹ thuật canh tác.

“Đến nay toàn xã đã chuyển đổi được 18,4ha diện tích đất trồng sen tương đối ổn định. Việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng sen cho thấy hiệu quả rõ rệt, thu nhập của bà con từ cây sen cao hơn nhiều lần so với trồng lúa trước đây trên các vùng trũng, thấp. Bên cạnh đó, một số hộ dân ở thôn Vinh Ba kết hợp giữa trồng sen và tổ chức các dịch vụ ăn uống, du lịch sinh thái trải nghiệm song song với làng nghề truyền thống, đem lại thu nhập cao hơn”, ông Minh phấn khởi nói.

Ông Võ Ngọc Hưởng, một trong những hộ dân tiên phong trồng sen ởthôn Vinh Ba, xã Hòa Đồng, cho biết: “Sen vốn dễ tính, ít tốn công chăm sóc, rất thích hợp trên diện tích đất bầu, ruộng ngập úng, hơn nữa chỉ cần đầu tư một lần nhưng thời gian thu hoạch có thể kéo dài vài năm. Với diện tích 1,5ha, bình quân mỗi ngày, tôi thu hoạch được khoảng 400kg gương sen. Trung bình gương sen tươi có giá bán 15.000 đồng/kg, sen hạt 40.000 đồng/kg. Kết thúc vụ trồng 9 tháng, trừ hết các chi phí, gia đình tôi lãi từ 130-170 triệu đồng”.

Liên kết nâng cao giá trị sản phẩm

Tại hội thảo chuyên đề “Phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm từ cây sen trên địa bàn huyện Tây Hòa”, ông Nguyễn Dũng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Hòa chia sẻ: Để thúc đẩy phát triển mô hình trồng sen và nâng cao giá trị sản phẩm từ cây sen, huyện đã bố trí kinh phí và thực hiện chính sách hỗ trợ 2 triệu đồng/ha cho người trồng sen; đồng thời hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, bảo quản sản phẩm từ cây sen. Hiện HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Đồng cũng đã ký kết hợp đồng ghi nhớ với Công ty CP Thực phẩm Sen Đại Việt (Đồng Tháp) để tiêu thụ sản phẩm từ cây sen. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế từ nghề trồng sen trên địa bàn huyện vẫn chưa cao, diện tích trồng cây sen phát triển chậm, việc cung cấp sản phẩm từ sen chưa đảm bảo nhu cầu của đơn vị liên kết thu mua. Do vậy, địa phương đang vận động người dân mở rộng diện tích trồng sen và nâng cao giá trị sản phẩm từ cây sen; phấn đấu đến cuối năm 2023, toàn huyện có 84ha diện tích trồng sen.

Tại hội thảo, nông dân đã nêu lên một số khó khăn về việc trồng sen không đồng bộ dẫn đến công tác thu gom, tiêu thụ sản phẩm chưa đảm bảo. Ở một số vùng trồng, cây sen bị bệnh khô cuốn lá, nông dân đề nghị cơ quan chuyên môn tìm hiểu, xác định nguyên nhân và hỗ trợ khắc phục...

Theo ông Lâm Văn Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam, Phú Yên có tài nguyên đất đa dạng, phân bố trên nhiều dạng địa hình khác nhau, trong đó có nhóm đất xám Gley và đất phù sa sông suối ở vùng trũng thấp thường ngập nước, thoát nước kém, đất có độ phì tiềm tàng cao, rất phù hợp để phát triển cây sen. Tuy nhiên, những năm gần đây, vào mùa mưa, những vùng đầm lầy và vùng trũng thấp hầu như bỏ hoang, không canh tác được do ngập lụt. Chính vì vậy, việc triển khai các giải pháp sử dụng vùng đầm lầy hoang hóa và các chân đất trũng thấp trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen là cần thiết.

“Qua đánh giá thực trạng tại một số vùng chuyên canh trồng sen tại các địa phương, tôi nhận thấy môi trường đất trồng sen ở đây có thể xuất hiện các loài nấm gây bệnh, ảnh hưởng đến sự phát triển cây sen. Việc sử dụng phân bón hóa học quá mức cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến năng suất cây sen. Do vậy, nông dân trồng sen cần tích cực cải tạo đất và sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh trong việc cải tạo độ phì nhiêu, giúp nâng cao độ bền và độ xốp của đất…”, ông Hà cho biết.

Phú Yên có tiềm năng phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm từ cây sen, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Do vậy, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương để hỗ trợ người dân mở rộng diện tích sản xuất, trang bị kiến thức trồng sen theo hướng hàng hóa, liên kết sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT

NGỌC HÂN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/300052/mo-rong-dien-tich-tang-gia-tri-san-pham-tu-cay-sen.html