Mở lại dịch vụ lặn biển Hòn Mun, chuyên gia nói gì?

Chuyên gia cho rằng có thể phát triển du lịch biển Hòn Mun song phải có kiểm soát, ngăn chặn du lịch tự phát phá hoại thiên nhiên và có chế tài xử phạt nặng hành vi vi phạm.

Mất hàng chục năm mới hồi phục được san hô

UBND thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) vừa có báo cáo thực hiện kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030, trong đó có đề xuất mở lại điểm lặn ở khu vực Hòn Mun sau thời gian tạm ngưng để phục hồi hệ sinh thái. Được biết trước đó, Ban quản lý vịnh Nha Trang đề xuất UBND thành phố Nha Trang cho phép mở lại điểm lặn ở phía Nam đảo Hòn Mun.

Ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang cho biết, sắp tới Viện Hải dương học sẽ phối hợp, khảo sát và đánh giá lại hiện trạng san hô ở Hòn Mun, nếu đạt kết quả tốt sẽ tính đến việc mở trở lại điểm lặn ở khu vực này.

Cách đây 1 năm, sự việc hệ sinh thái và các rạn san hô tại khu bảo tồn biển Hòn Mun, nằm trong vịnh Nha Trang bị tàn phá nghiêm trọng nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận, các nhà khoa học và quản lý.

Cần nhiều năm mới có thể phục hồi các loài san hô ở Hòn Mun (Nha Trang).

Thời điểm đó, nhiều vùng san hô tại khu vực Hòn Mun bị xóa trắng khiến những người yêu thiên nhiên cảm thấy rất xót xa. Sau đó, tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều chỉ đạo để xử lý, phục hồi lại khu bảo tồn biển được xem là một trong những nơi có hệ sinh thái rạn san hô đa dạng sinh học cao thuộc hàng đầu của Việt Nam và thế giới, có giá trị cao về mặt sinh học, kinh tế quan trọng. BQL vịnh Nha Trang đã tổ chức khảo sát, đánh giá nhanh tình trạng rạn san hô ở Hòn Mun định kỳ 3, 6 tháng/lần.

Kết quả khảo sát, đánh giá nhanh thời gian gần đây nhất cho thấy, giá trị trung bình độ phủ san hô sống (bao gồm san hô cứng và san hô mềm) đối với rạn ở phía bắc Hòn Mun khoảng 65,5%. Theo tiêu chuẩn sức khỏe rạn thì độ phủ san hô sống ở bắc Hòn Mun nằm ở khoảng giữa thang bậc xếp loại tốt (từ 51-75%). Trong đó san hô cứng chiếm 60%, san hô mềm chiếm khoảng 5%.

Được biết, qua kết quả khảo sát nhanh rạn san hô, hiện nay tại khu vực phía nam Hòn Mun có hệ sinh thái rạn san hô được duy trì phát triển tốt (độ phủ 70-80%, đa dạng về thành phần loài san hô, nhiều loài san hô mềm, tập trung các loài cá rạn, khu vực có độ sâu phù hợp), các yếu tố này đáp ứng với nhu cầu hoạt động du lịch lặn biển chuyên nghiệp. Vì vậy, Ban quản lý Vịnh Nha Trang kiến nghị UBND TP.Nha Trang cho phép mở thêm điểm lặn ở khu vực phía nam Hòn Mun (ngoài điểm lặn Hòn Rơm như hiện nay).

Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, chuyên gia hàng đầu về tài nguyên môi trường biển của Việt Nam cho biết, sau sự cố nói trên, Khánh Hòa có ban hành kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030, trong đó có 16 nhóm hành động cụ thể. Sau hơn 1 năm thực hiện, Khánh Hòa đang tiến hành đánh giá kết quả. Việc phục hồi san hô ở Hòn Mun và các khu vực bị đe dọa sinh học đã được thực hiện trong thời gian qua do các nhà khoa học Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga hỗ trợ thực hiện.

Sự cố suy thoái rạn san hô ở Hòn Mun hồi đầu năm 2022 là nghiêm trọng, song mức độ suy thoái ở từng khu vực là khác nhau. Nguyên nhân gây suy thoái rạn san hô khi đó là do cả tác động của con người và thiên nhiên (do ảnh hưởng của bão). "Thời điểm ấy, tôi tư vấn cho tỉnh Khánh Hòa phải cho "biển nghỉ", tức đóng cửa tất cả các dịch vụ liên quan ở Hòn Mun. Đến nay, theo kết quả khảo sát thì các điểm suy thoái đang phục hồi", PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho biết.

Trong phục hồi san hô được phân chia phục hồi loài và phục hồi quần thể. Phục hồi loài mất rất nhiều thời gian, cần đến hàng chục năm trở lên mới có kết quả do san hô có tốc độ trưởng thành rất chậm. Còn phục hồi quần thể thì nhanh hơn, có thể tiến hành bằng cách lấy các rạn san hô khu vực khác chuyển về khu vực bị suy giảm, hoặc lấy những cây san hô sống trong khu vực đó, tỉa thưa ra và cấy vào những khu vực không còn san hô.

Việc đóng cửa biển khu vực Hòn Mun cho biển nghỉ một vài năm để rạn san hô tự hồi phục là việc làm rất cần thiết. Đến thời điểm này, Khánh Hòa đã có thể quản lý được các hoạt động liên quan đến vấn đề lặn biển thì có thể mở cửa, nhưng phải lưu ý vấn đề có kiểm soát, không được để phát triển tự phát như trước đây.

Bảo tồn hệ sinh thái biển dài hạn

"Các nước trên thế giới đều phát triển du lịch hài hòa với thiên nhiên, nghĩa là phát triển du lịch có kiểm soát, hạn chế tối đa tác động vào thiên nhiên. Đến nay sau khi cho "biển nghỉ", hệ thống kiểm soát được thiết lập tốt hơn thì có thể mở cửa trở lại. Nhưng mở cửa vẫn phải đi song song với phục hồi môi trường biển. Việc này cần đến một quá trình lâu dài chứ không chỉ trong 1-2 năm", PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh.

Khi mở cửa dịch vụ lặn biển, các công ty tổ chức phải ký cam kết, nếu xảy ra các trường hợp dẫm đạp lên san hô, bẻ san hô... thì phải có những hành vi xử phạt thật nặng. San hô phục hồi rồi có thể bị phá hủy nhanh chóng nếu không kiểm soát. Nếu vẫn để các hoạt động đánh cá bằng mìn, khai tác tận diệt... nữa thì Hòn Mun sẽ được nghỉ ngơi, hệ sinh thái từ đó sẽ phục hồi.

PGS Chu Hồi đề xuất một số giải pháp cấp bách phải thực hiện ngay để phục hồi rạn san hô là thực hiện nghiêm ngặt, đầy đủ các quy chế bảo tồn theo quy định quốc tế với vùng lõi khu bảo tồn như Hòn Mun. Các hoạt động lặn biển nếu có phải tuân thủ các quy định này, chỉ thực hiện các dịch vụ lặn chuyên nghiệp, nghiêm cấm dịch vụ lặn biển hoạt động tự phát. Những tour lặn thử không cần chứng chỉ lặn cũng như không tuân thủ quy định về bảo vệ san hô, cho khách giẫm đạp lên san hô hay số lượng khách tập trung tại một điểm quá lớn... cần phải cấm và có chế tài giám sát nghiêm ngặt.

PGS.TS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cho rằng, việc phục hồi các rạn san hô hư hại ở Hòn Mun là có thể làm được. Bởi trong số 380 loài san hô ở vịnh Nha Trang có những loài phát triển rất chậm nhưng cũng có nhiều loài san hô sinh trưởng, phát triển nhanh (khoảng 1,6 cm/năm). Như vậy sau khoảng thời gian hơn 1 năm cấm các hoạt động lặn biển, hệ sinh thái san hô có thể đã hồi phục một phần. Nhưng để phục hồi toàn bộ rạn san hô thì cần rất nhiều thời gian.

Theo chuyên gia, việc phục hồi bảo tồn không đơn giản là thả giống con này con kia xuống biển, mà về lâu dài, chúng ta cần nhanh chóng thay đổi chính sách về bảo tồn, phát huy tài nguyên biển ngay từ bây giờ một cách khoa học, hợp lý để những tài nguyên biển như ở vịnh Nha Trang được bảo vệ nghiêm túc, được phát triển hết tiềm năng của nó.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mo-lai-dich-vu-lan-bien-hon-mun-chuyen-gia-noi-gi-169230822172119576.htm