Malaysia đặt cược vào năng lượng hydro xanh

Bang Sarawak của Malaysia đang đặt mục tiêu biến mình thành một trung tâm năng lượng hydro sạch, khai thác nguồn thủy điện dồi dào để giải quyết những thách thức đang cản trở sự phát triển.

Bang Sarawak của Malaysia được thiên nhiên ưu đãi để phát triển thủy điện tạo ra năng lượng hydro sạch không phát thải. Ảnh: AP.

Thành phố Kuching, thủ phủ bang Sarawak, “ván cờ” đang được tiến hành tốt đẹp sau khi chính quyền bang đầu tư 3,4 tỷ USD vào mạng lưới các dự án cung cấp năng lượng cho giao thông vận tải. 3 chiếc xe buýt chạy bằng pin sản xuất tại Trung Quốc được tự do di chuyển trên các con đường trong thành phố, tiếp nhiên liệu tại các trạm đa nhiên liệu có bình chứa hydro.

Ông Gniewomir Flis - cố vấn cấp cao của Công ty Tư vấn chính sách khí hậu Kaya Partners chuyên về hydro, có trụ sở tại Washington, cho biết: Theo một cách nào đó, Sarawak đang dẫn đầu thế giới về các hoạt động năng lượng hydro.

Sarawak - một tiểu bang có diện tích bằng Vương quốc Anh, với dân số 2,5 triệu người, được thiên nhiên ưu đãi với những con sông và lượng mưa lớn cần thiết để phát triển thủy điện tạo ra năng lượng hydro sạch không phát thải. Trong khi đó, Kuching là thành phố có hơn nửa triệu dân, nơi nhiên liệu có thể được sử dụng dễ dàng hơn nhiều. Phép thử tiềm năng đối với Sarawak hiện chính là liệu họ có thể thương mại hóa năng lượng hydro trên quy mô lớn hơn ở nước ngoài hay không.

Thủ hiến bang Sarawak Abang Johari Tun Openg - người đã xây dựng kế hoạch hydro chi tiết của bang vào năm 2019 cho biết, “chúng tôi có các phương tiện để giúp thế giới hạ nhiệt. Tuy nhiên, việc đưa hydro ra toàn cầu vẫn là một nhiệm vụ tốn kém và phức tạp. Nó đòi hỏi phải xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn toàn mới để sản xuất khí đốt và vận chuyển đến khách hàng. Hydro không thể tự vận chuyển do mật độ thấp và trước tiên cần được chuyển đổi thành một hợp chất hóa học dạng lỏng khác”.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), việc sử dụng hydro toàn cầu đã tăng lên 95 triệu tấn vào năm 2022 và chưa đến 1% trong tổng số đó là nhiên liệu phát thải thấp.

Trong khi đó, khu vực tư nhân của Hàn Quốc đã cam kết rót hàng tỷ USD để tạo ra chuỗi giá trị cho nhiên liệu sạch. Còn Nhật Bản - quốc gia tạo ra chiến lược hydro đầu tiên trên thế giới vào năm 2017 cho biết, trong bản cập nhật mới nhất vào tháng 6 rằng, nước này có mục đích tăng mức tiêu thụ nhiên liệu hydro lên 20 triệu tấn vào năm 2050 từ mức khoảng 2 triệu tấn hiện nay.

Các công ty năng lượng lớn nhất của Nhật Bản đang hợp tác với SEDC Energy - tổ chức mới được nhà nước hậu thuẫn của Sarawak để xây dựng 2 nhà máy hydro ở thành phố cảng Bintulu có tên là H2ornbill và H2biscus. Nhà máy H2ornbill do Nhật Bản hậu thuẫn nhằm mục đích chuyển đổi hydro thành methylcyclohexane, một loại hóa chất còn được gọi là MCH, để xuất khẩu sang Nhật Bản. Trong khi đó, H2biscus có kế hoạch chuyển đổi sản lượng hydro thành amoniac để xuất khẩu sang Hàn Quốc.

2 dự án này dự kiến bắt đầu sản xuất thương mại sớm nhất vào năm 2028, cùng đặt mục tiêu sản xuất 240.000 tấn hydro mỗi năm. Con số này sánh ngang với sản lượng của nhà máy Neom của Saudi Arabis, được coi là lớn nhất thế giới sau khi công bố vào năm ngoái rằng họ sẽ sản xuất khoảng 291.000 tấn mỗi năm kể từ năm 2026.

Malaysia hấp dẫn chủ yếu nhờ chi phí sản xuất hydro sạch thấp, thấp hơn khoảng 20% so với Hàn Quốc. Ông Shohei Yasuda - bộ phận xúc tiến hydro của Eneos, một trong những đối tác của Sarawak cho biết: “Nguồn cung cấp điện ổn định với chi phí thấp là những điểm quan trọng nhất đối với các mục tiêu hydro của Nhật Bản”.

Tuy nhiên, theo Bộ Năng lượng Mỹ, việc hóa lỏng hydro cũng đòi hỏi một lượng lớn năng lượng - quá trình này tốn kém và tiêu thụ hơn 30% hàm lượng năng lượng của nhiên liệu. Nó cũng ít đậm đặc hơn khí tự nhiên hóa lỏng, vì vậy việc vận chuyển nó trên quy mô lớn sẽ đòi hỏi phải tạo ra các đội tàu, cơ sở hạ tầng và công nghệ mới.

Sarawak coi việc tiếp cận nguồn thủy điện tự do là chìa khóa để ngăn chặn những vấn đề như vậy. Ông Robert Hardin - Giám đốc điều hành của SEDC Energy cho biết: “Lợi thế của chúng tôi tất nhiên là thủy điện. Chúng tôi không gặp phải vấn đề về nguồn cung không liên tục”.

Trong khi việc sử dụng hydro trên thực tế vẫn gặp nhiều trở ngại, Sarawak đang dẫn đầu về năng lượng ở quê nhà. Cam kết lớn nhất của họ là dự án xây dựng tuyến xe điện chạy bằng nhiên liệu hydro tự hành trị giá 5,59 tỷ ringgit (1,17 tỷ USD) dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào đầu năm tới. Các kế hoạch khác cũng đang được thực hiện ở Sarawak như: xe tải thu gom rác thải chạy bằng hydro và thuyền cỡ trung bình, vốn là hình thức đi lại phổ biến ở nhiều vùng nông thôn Malaysia.

Tuy nhiên, cả ông Flis của Kaya Partners và Thủ hiến Abang Johari đều cho rằng cũng có nguy cơ các khoản đầu tư không hiệu quả. “Đó là một rủi ro, nhưng là rủi ro đã được tính toán. Không có lựa chọn nào khác, chúng ta cần năng lượng thay thế và hydro là năng lượng sạch nhất” - ông Johari nói.

Thủ hiến bang Sarawak của Malaysia, Abang Johari Tun Openg cho biết, việc xuất khẩu hydro toàn cầu là một nhiệm vụ tốn kém và phức tạp. Nó đòi hỏi phải xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn toàn mới để sản xuất khí đốt và vận chuyển đến khách hàng.

Hà Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/malaysia-dat-cuoc-vao-nang-luong-hydro-xanh-10278367.html