Mặc 'áo giáp' cho vựa lúa - Bài 2: Thách thức bủa vây

Mỗi năm, tại vùng ĐBSCL xảy ra hàng trăm vụ sụt lún, nhiều đô thị lớn trong vùng thường xuyên bị ngập nước; hàng trăm ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt; bệnh tật phát sinh do sử dụng nước ô nhiễm... Và đáng ngại hơn, ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị chìm dần do tác động kép của sụt lún đất và nước biển dâng.

Sụt lún, sạt lở đường giao thông tại huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang

Nguy cơ chìm rất lớn

Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ), tại nhiều khu vực ĐBSCL, nước ngầm ở tầng nông đã bị cạn kiệt do khai thác quá mức. Ở tầng sâu khoảng 120m, nước ngầm hiện cũng đang bị khai thác nhiều, nhưng khó được tái bổ cập bằng nguồn nước mặt. Đây là nguyên nhân chính làm cho hiện tượng sụt lún tại ĐBSCL diễn ra nhanh hơn. Số liệu báo cáo đo đạc của Bộ TN-MT cho thấy, trong 10 năm qua (2012-2022), tốc độ sụt lún đất trung bình ở ĐBSCL là 0,96cm/năm, nhanh gấp 3 lần so với nước biển dâng (khoảng 0,35cm/năm). Việc nguồn nước ngầm bị suy giảm đã gây ra nhiều hậu quả và kéo theo hàng loạt hệ lụy nguy hiểm, như xâm nhập mặn, ngập nước…

Tại TP Cần Thơ - trung tâm vùng ĐBSCL, những năm gần đây, dưới tác động của tình trạng sụt lún, nhiều khu vực nội thành của thành phố thường xuyên bị ngập sâu. Ông Trần Văn Hướng (62 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cho biết, 3 năm trước, các tuyến đường như Huỳnh Cương, Trần Văn Hoài, Lý Tự Trọng, Nguyễn Văn Cừ (quận Ninh Kiều) chỉ bị ngập khi có mưa lớn, triều cường dâng cao, nhưng bây giờ, mưa nhỏ cũng ngập. “Chính quyền đã cho lắp van ngăn triều ở cửa thoát ra sông, nâng cấp hệ thống cống thoát nước trên nhiều tuyến đường, nhưng Tây Đô vẫn bị ngập sâu, diện tích ngập ngày càng lan rộng”, ông Hướng lo lắng.

Với những gì đã và đang diễn ra, theo báo cáo nghiên cứu đăng trên Tạp chí khoa học Science ngày 6-5-2022 do Giáo sư Matt Kondolf (Mỹ) làm tác giả chính, cùng các nhà khoa học hàng đầu từ nhiều nước trên thế giới, chỉ ra rằng: ĐBSCL của Việt Nam có thể sẽ nằm dưới mực nước biển vào cuối thế kỷ này nếu không có các hành động khẩn cấp trên toàn lưu vực. Tiếp tục phát triển như cách thức hiện tại có thể khiến 90% diện tích vùng trọng điểm kinh tế nông nghiệp của Việt Nam, nơi sinh sống của hơn 21 triệu người bị nhấn chìm, kèm theo các tác động to lớn ở cấp độ quốc gia và toàn cầu.

TS Nguyễn Minh Quan (Trường Đại học Cần Thơ) phân tích cụ thể: Đập thủy điện, các hồ chứa nhân tạo và các dự án chuyển nước trên dòng chính sông Mekong liên tục được triển khai trong 2 thập niên trở lại đây là nguyên nhân trực tiếp gây ra thực trạng mất an ninh nguồn nước ở ĐBSCL. Các dự án này không chỉ khiến lưu lượng nước ở hạ lưu sông Mekong bị biến động, mà đáng lo ngại hơn là chất lượng của nguồn nước cũng không đáp ứng được các yêu cầu đảm bảo sinh kế, phát triển và bảo tồn sinh thái.

Cụ thể, lượng phù sa sông Mekong liên tục bị giữ lại khi đi qua các bậc thang thủy điện. Dự báo, nếu không có gì thay đổi, tổng lượng phù sa vốn có của sông Mekong khi về đến ĐBSCL giảm chỉ còn 5%-7% (tương đương 10-13 triệu tấn/năm). Lượng phù sa này rõ ràng không đáng là bao so với nhu cầu tối thiểu 120-130 triệu tấn/năm để làm màu mỡ các cánh đồng và bồi đắp, duy trì hình dạng bờ biển ở ĐBSCL. Mức tổn thất kinh tế của Việt Nam từ thất thoát phù sa ước khoảng 120-205 triệu USD/năm.

Thiên tai, nhân tai… song hành

Báo cáo hiện trạng sông Mekong của Ủy hội sông Mekong quốc tế trong năm 2023 cho thấy, chế độ dòng chảy của sông Mekong không còn tự nhiên, cụ thể dòng chảy cao hơn mức trung bình trong mùa khô và thấp hơn mức trung bình trong mùa mưa. Dòng chảy thấp trong mùa mưa đã làm giảm dòng chảy ngược ở Biển Hồ, tác động tiêu cực làm tăng diện tích nhiễm mặn ở vùng ĐBSCL. Cùng với đó, lượng trầm tích trên toàn lưu vực, qua các trạm quan trắc cũng giảm đáng kể, góp phần gây mất ổn định bờ sông và xói mòn bờ biển.

Không chỉ thay đổi dòng chảy, chất lượng và số lượng nước sông Mekong chảy về hạ nguồn cũng giảm. Theo các chuyên gia, mực nước sông Mekong thấp là do tình trạng khô hạn và các đập thủy điện ở các quốc gia thượng nguồn tích nước. Thực tế trên cho thấy, trong tương lai, ĐBSCL sẽ mất mùa nước nổi, đặc biệt hạn mặn gay gắt và kéo dài hơn trong mùa khô. Tại các địa phương ven biển vùng ĐBSCL như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre..., phần lớn nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân là nước ngầm. Do khai thác quá mức, trữ lượng nước ngầm ở khu vực này bị suy giảm đáng kể. Ở một số đảo, cồn hiện không còn túi nước ngọt.

Tính riêng Công ty CP Cấp nước Sóc Trăng, trong năm 2022, đơn vị này đã khai thác hơn 21,54 triệu m3 nước để cung cấp cho khoảng 97.600 khách hàng. Công suất khai thác trung bình khoảng 67.400m3/ngày đêm, đến từ 64 giếng khoan (14 giếng tầng sâu, 50 giếng tầng nông). Nguồn nước khai thác chủ yếu là nước ngầm chiếm đến 90%. Còn tại Cà Mau, năm 2022, Công ty CP Cấp nước Cà Mau đã cung cấp hơn 16,49 triệu m3 phục vụ cho 86.000 hộ dân, tổng công suất khai thác 58.000m3/ngày đêm và 100% nước đầu vào là nước ngầm.

Cùng với các nhà máy cấp nước, ở ĐBSCL, hàng triệu người dân, cơ sở, doanh nghiệp cũng đang khai thác nước ngầm theo kiểu tận thu để phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Tại huyện Hồng Dân (Bạc Liêu), mặc dù có thể xử lý nước sông, rạch để nuôi cá…, tuy nhiên nhằm tiết giảm chi phí xử lý và tăng tính tiện lợi, nhiều hộ dân ở đây vẫn sử dụng nước ngầm bơm từ giếng để nuôi. Còn tại Cà Mau, do 3 mặt giáp biển, không có nguồn nước ngọt từ các sông lớn đổ về, nước máy qua xử lý chỉ có ở thành thị, do đó phần lớn người dân trong tỉnh phải đào giếng, bơm nước ngầm để sinh hoạt và sản xuất, chế biến thực phẩm.

Bà Dương Thị Ngọc Tuyền, Trưởng Phòng Tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn (Sở TN-MT tỉnh Cà Mau), cho biết, theo kết quả nghiên cứu nguồn nước dưới đất của Tổ chức BGR (Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên Liên bang Đức) thực hiện mới đây tại tỉnh Cà Mau, nguồn nước dưới đất của tỉnh không tìm thấy nguồn nước bổ cập đến. Hiện trạng khai thác như lâu nay đã và đang làm nguồn nước ngầm bị suy giảm trữ lượng nghiêm trọng.

ThS NGUYỄN HỮU THIỆN, chuyên gia nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL: Cảnh báo sụt lún trong các vùng ngọt hóa

Mùa khô năm 2024 lại chứng kiến hiện tượng sụt lún đất nghiêm trọng trong các vùng ngọt hóa, điển hình là vùng ngọt hóa Trần Văn Thời, Cà Mau. Việc sụt lún nghiêm trọng bên trong các vùng ngọt hóa đã từng xảy ra vào mùa khô năm 2020 ở Trần Văn Thời và Gò Công (Tiền Giang). Nguyên nhân của hiện tượng sụt lún này là do trong những năm El Nino, khô hạn cực đoan thì lượng nước mưa từ mùa mưa trước đã bị cạn kiệt ngay đầu mùa khô năm sau nên kênh mương nội đồng bị cạn, có khi đáy kênh cũng nứt đất làm cho đất bị co ngót dẫn đến sụt lún toàn vùng. Cần lưu ý, hiện tượng sụt lún trong các vùng ngọt hóa này là sụt lún cục bộ bên trong vùng ngọt hóa, không liên quan đến tình hình sụt lún chung của toàn ĐBSCL do khai thác nước ngầm tầng sâu gây nên.

NHÓM PV

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mac-ao-giap-cho-vua-lua-bai-2-thach-thuc-bua-vay-post739548.html