Lúa ma đe dọa sản lượng gạo của châu Á

Sự xâm lấn của các loài lúa ma, hay còn gọi là lúa cỏ (weedy rice), đang đe dọa nghiêm trọng sản lượng lúa gạo ở châu Á. Các nghiên cứu chỉ ra rằng lúa ma có thể làm sản lượng lúa trên một cánh đồng giảm đến 80%.

Trong cùng một cánh đồng, lúa ma phát triển vượt trội so với lúa trồng thông thường. Ảnh: Sciencedirect.com

Trong cùng một cánh đồng, lúa ma phát triển vượt trội so với lúa trồng thông thường. Ảnh: Sciencedirect.com

Những cánh đồng lúa trù phú ở châu Á cung cấp lương thực cho thế giới trong nhiều thế kỷ. Nhưng sản lượng lúa gạo của khu vực này đang đối mặt mối đe dọa từ “người anh em họ” lúa ma, càng phát triển mạnh mẽ một phần do tập quán canh tác kém.

Với hạt có kết cấu tinh bột và vỏ trấu sẫm màu, không thích hợp để tiêu thụ, lúa ma có thể phát triển nhanh chóng và cao hơn các giống lúa trồng thông thường. Do lúa ma xâm lấn, chất lượng thu hoạch, năng suất và giá trị thị trường của lúa trồng thông thường giảm đáng kể trong những năm gần đây.

“Chúng đã trở nên ‘bất trị’ thông qua một quá trình chọn lọc ngẫu nhiên. Chúng sẽ bám và ẩn mình trên các cánh đồng, nhưng vấn đề là vào thời điểm chúng được phát hiện, mức độ thiệt hại đã khá lớn. Một đợt tàn phá của lúa ma có thể làm giảm sản lượng lúa gạo trên một cánh đồng nhất định lên tới hơn 80%”, Kenneth Olsen, giáo sư sinh học tại Đại học Washington (Mỹ), nói.

Giáo sư Olsen là thành viên của một nhóm quốc tế bao gồm các nhà sinh vật học ở Mỹ, Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc, tham gia phân tích mối đe dọa của lúa ma trong một nghiên cứu gần đây.

Nguồn gốc của lúa ma chưa được xác định rõ ràng. Nông dân ở châu Á lần đầu tiên báo cáo sự hiện diện của loại lúa này khoảng hai thập niên trước. Giáo sư Olsen cho biết, phần lớn các loại lúa ma ở Đông Á dường như có nguồn gốc trực tiếp từ các giống lúa lai được giới thiệu vào thập niên 1980. Theo một số nghiên cứu, lúa ma có thể liên quan đến một số giống lúa trồng ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

“Những loại lúa cỏ hung hãn này có thể phát triển lấn át các loại lúa trồng thông thường khác”, giáo sư Olsen nói.

Ông cho biết thêm, chỉ cần một lượng nhỏ lúa ma trên một mét vuông của cánh đồng cũng có thể gây thiệt hại lớn cho sản lượng của lúa trồng. Chẳng hạn, trong vài năm qua, Mỹ chứng kiến sản lượng lúa mất mát đủ để nuôi sống 12 triệu người do sự xâm lấn của lúa ma,.

Nhờ một đột biến gen nhất định, một số loài lúa ma có thể phát tán hạt giống rộng khắp ruộng lúa. “Những hạt giống này có thể nằm im và hoàn toàn có khả năng tồn tại trong 20 năm”, Olsen nói,

Theo Tonapha Pusadee, nhà nghiên cứu ở Đại học Chiang Mai, Thái Lan, báo cáo thiệt hại khoảng 10% sản lượng lúa gạo do vấn đề lúa ma trong những năm gần đây. Một số nghiên cứu cho thấy các loại lúa ma ở Đông Nam Á có các con đường tiến hóa khác nhau, bao gồm một số loại có nguồn gốc từ lúa trồng.

Pusadee cho biết, nông dân Thái Lan đã sử dụng nhiều cách để đối phó với lúa ma, chẳng hạn như cắt bỏ bông hoặc phần ngọn của chúng, sử dụng hóa chất để loại bỏ hoặc chỉ trồng lúa một mùa mỗi năm. Bà nói thêm, giải pháp bỏ hoang cánh đồng có thể hiệu quả ở một mức độ nào đó trong việc tiệt trừ lúa ma, nhưng hầu hết nông dân cần canh tác để kiếm sống.

“Nhiều nông dân không phải là chủ đất và hàng năm phải trả tiền thuê ruộng. Để xử lý lúa ma triệt để, bạn phải bỏ không cánh đồng trong 2-3 năm, và sau đó, cố gắng tiêu diệt tất cả các cây lúa ma xuất hiện trên đồng”, bà nói thêm.

Các giống lúa kháng thuốc diệt cỏ đã được giới thiệu để giúp hạn chế sự lây lan của lúa ma. Nhưng chúng lại khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn vì một số loại lúa ma đã tiến hóa để kháng thuốc diệt cỏ.

“Một số loại lúa ma đã trở nên kháng thuốc diệt cỏ”, B K Song, một nhà nghiên cứu lúa ma người Malaysia, đồng thời là tác giả của nghiên cứu mới về loại lúa này, nói. Ông cho biết, một số nông dân không tuân thủ các hướng dẫn về quản lý lúa kháng thuốc diệt cỏ và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng. Chẳng hạn, họ trồng lúa kháng thuốc diệt cỏ nhiều năm liên tiếp trên một cánh đồng, tạo điều kiện những cây lúa ma bị bỏ sót tiến hóa để kháng thuốc diệt cỏ. Ở một số vùng của Malaysia, sự thất bại trong việc áp dụng công nghệ lúa kháng thuốc diệt cỏ chủ yếu do sự thiếu hiểu biết của nông dân và thiếu hệ thống hỗ trợ họ.

Trong khi đó, sự gia tăng cơ giới hóa nông nghiệp ở châu Á cũng khiến lúa ma phát tán rộng hơn, vì nông dân không thể phát hiện ra lúa ma để loại bỏ bằng thủ công.

“Các quốc gia theo đuổi nền nông nghiệp công nghiệp hóa đã đối mặt với vấn đề lúa ma trong hơn ba, bốn thập niên qua”, giáo sư Olsen nói. Ông cho biết thêm, ngay cả những khu vực sản xuất lúa gạo khác như Nam Mỹ cũng không tránh khỏi tai họa lúa ma. Brazil báo cáo rằng lúa ma đã ảnh hưởng sản lượng lúa gạo của nước này.

Theo SCMP

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/lua-ma-de-doa-san-luong-gao-cua-chau-a/