Lữ đoàn Công binh 414 (Quân khu 4) khơi dậy truyền thống để bộ đội say mê cống hiến

Lữ đoàn Công binh 414 (Quân khu 4) thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, xây dựng các công trình quốc phòng, rà phá bom mìn sót lại sau chiến tranh và cơ động lực lượng tham gia giúp nhân dân phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt. Thực hiện nhiệm vụ phần lớn trong điều kiện nguy hiểm, độc hại, vậy nhưng những năm qua cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 414 luôn xung kích, vượt mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm.

Đạt được kết quả đó, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã kết hợp đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp trong thực hiện nhiệm vụ, trong đó chú trọng việc khơi dậy niềm tự hào truyền thống để bộ đội say mê cống hiến.

Mỗi khi có dịp đến Lữ đoàn Công binh 414, mọi người đều có ấn tượng về truyền thống đơn vị thông qua những công trình văn hóa và bề dày truyền thống đơn vị. Trong khuôn viên Lữ đoàn, các công trình văn hóa xây dựng được gắn với những tên, tuổi nhân vật lịch sử, địa danh, số hiệu phương tiện… để chuyển tải những thông điệp đầy ý nghĩa về truyền thống đơn vị.

 Cựu chiến binh Lữ đoàn Công binh 414 giáo dục truyền thống cho bộ đội trong Công viên Anh hùng liệt sĩ Bùi Ngọc Dương.

Cựu chiến binh Lữ đoàn Công binh 414 giáo dục truyền thống cho bộ đội trong Công viên Anh hùng liệt sĩ Bùi Ngọc Dương.

Ngày nghỉ cuối tuần, công viên mang tên Anh hùng liệt sĩ Bùi Ngọc Dương, chiến sĩ của đơn vị anh dũng hy sinh trong quá trình chiến đấu nằm trong khuôn viên Lữ đoàn càng rực rỡ hơn, thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ đơn vị tham quan, học tập. Nằm ở trung tâm khuôn viên đơn vị, công viên được xây dựng khá công phu với nhiều công trình, hạng mục mang giá trị giáo dục cao là bức tượng bán thân của Anh hùng liệt sĩ Bùi Ngọc Dương. Dưới bức tượng, tên tuổi, quê quán và chiến công của Anh hùng liệt sĩ Bùi Ngọc Dương ghi tóm tắt rất cụ thể.

Hòa vào đoàn chiến sĩ mới Tiểu đoàn 4, chúng tôi được Trung tá Nguyễn Hồng Sơn, Chính trị viên Tiểu đoàn 4 giới thiệu về chiến công Anh hùng, liệt sĩ Bùi Ngọc Dương, ai nấy đều hết sức cảm động. “… Anh hùng liệt sĩ Bùi Ngọc Dương, sinh năm 1943, quê quán: Xã Thịnh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội… Ngày 24-1-1968, trong trận đánh vào cứ điểm Huội San, Làng Vây, Khe Sanh, đồng chí chỉ huy trung đội mở cửa mở cho các lực lượng pháo binh, xe tăng và bộ binh tiến đánh tiêu diệt mục tiêu địch. Quá trình chiến đấu bị thương, dập nát cánh tay trái đồng chí yêu cầu đồng đội cắt đứt cánh tay cho khỏi vướng để tiếp tục chiến đấu và đã anh dũng hy sinh. Ghi nhận sự hy sinh anh dũng của đồng chí, ngày 2-11-1969, Đảng, Nhà nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân…”.

Binh nhất Nguyễn Tiến Hiếu, chiến sĩ Trung đội 1, Đại đội 10, Tiểu đoàn 4 bộc bạch: “Mỗi lần đứng trước công viên liệt sĩ Bùi Ngọc Dương hay trước các mô hình, hiện vật góp phần làm nên truyền thống đơn vị, chúng em cảm thấy những chiến công hào hùng của thế hệ cha anh rất gần gũi với mình. Những dòng chữ vàng ấy như một lời nhắc nhở, nhắn nhủ tuổi trẻ chúng em phải nỗ lực rèn luyện, học tập, công tác tốt hơn để xứng đáng với truyền thống anh hùng của Lữ đoàn”.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn tích cực chăm sóc, làm đẹp khuôn viên đơn vị.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn tích cực chăm sóc, làm đẹp khuôn viên đơn vị.

Dạo quanh công viên, chúng tôi còn được chiêm ngưỡng những mô hình, hiện vật gắn liền với quá khứ hào hùng của đơn vị, như mô hình xe lội nước K61-1844 do đồng chí Nguyễn Xuân Toàn, chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 27 điều khiển đã vượt qua bom đạn, rà phá bom từ trường, bom nổ chậm trên các bến phà Long Đại, phà Gianh… vận chuyển lực lượng, hàng hóa, binh khí kỹ thuật trong chiến tranh cũng như trong phòng chống bão lụt. Từ sự anh dũng của đồng chí đã góp phần to lớn vào thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cùng với những chiến công khác, năm 1969, Đại đội 3, năm 1973, Tiểu đoàn 27 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân...

Đến các khuôn viên các đơn vị trực thuộc lữ đoàn, chúng tôi còn được chiêm ngưỡng những công trình văn hóa vừa làm đẹp cảnh quan môi trường vừa phục vụ nhu cầu sinh hoạt, giải trí và giáo dục truyền thống cho bộ đội. Những thảm cỏ xanh, hay những triền đồi từ bàn tay, công sức của cán bộ chiến sĩ trở thành những tấm pa nô với các dòng chữ truyền thống trông rất bắt mắt như: “Bộ đội Công binh mở đường thắng lợi”, “Chiến sĩ quân y - Lương y như từ mẫu”… Bên cạnh đó, trong một số vườn hoa, khuôn viên còn có mô hình cột mốc chủ quyền Tổ quốc; Lô gô biểu trưng LLVT Quân khu và các bức tượng về các nhân vật lịch sử như Thánh Gióng… Đến nay, 100% đầu mối đại đội đều xây dựng nhà nấm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, giải trí bộ đội sau những giờ huấn luyện vất vả.

Khuôn viên Lữ đoàn trở thành nơi lý tưởng đón tiếp thân nhân chiến sĩ.

Khuôn viên Lữ đoàn trở thành nơi lý tưởng đón tiếp thân nhân chiến sĩ.

Đại tá Trần Thanh Bình, Chính ủy Lữ đoàn Công binh 414 cho biết: “Ngoài ý nghĩa tạo dựng những điểm nhấn trong cảnh quan xanh, sạch, đẹp của đơn vị, việc thiết kế những mô hình gắn với truyền thống như vậy nhằm góp phần bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về lịch sử cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Đây cũng được coi là những công trình văn hóa giàu tính giáo dục thẩm mĩ cho bộ đội”.

Với tinh thần vừa làm đẹp môi trường đơn vị vừa góp phần giáo dục truyền thống cho bộ đội, khuôn viên các đơn vị thuộc Lữ đoàn Công binh 414 trở thành những trang sử vàng sống động. Đây thực sự là mô hình cần được nhân rộng đối với các cơ quan, đơn vị.

Bài và ảnh: NGỌC THĂNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/lu-doan-cong-binh-414-quan-khu-4-khoi-day-truyen-thong-de-bo-doi-say-me-cong-hien-773981