Lợi thế xuất khẩu cho doanh nghiệp chế biến sâu nông sản

Dù xuất khẩu gặp khó, nhưng vẫn có một số doanh nghiệp Việt nhờ tận dụng được lợi thế về chế biến sâu nông sản nên đơn hàng vẫn kín cho cả năm. 'Bí quyết' là những doanh nghiệp này biết gắn chặt vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến, có đội ngũ nghiên cứu và phát triển (R&D) để phát triển sản phẩm mới có sức cạnh tranh cao.

Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP thực phẩm G.C (GC Food), cho biết khi làm việc với các đối tác nước ngoài, họ luôn hỏi là “anh có thể chủ động bao nhiêu phần trăm trong vùng nguyên liệu của mình ?”.

Gắn chặt với vùng nguyên liệu

“Nếu chúng tôi chỉ có khoảng 1 - 2 ha vùng nguyên liệu, chắc chắn việc đánh giá của đối tác ngoại sẽ rất thấp. Tuy nhiên, chúng tôi thể hiện rõ việc đang cùng nông dân đầu tư phát triển hơn 200ha vùng nguyên liệu nha đam (trong đó công ty có hơn 20% diện tích cũng như sản lượng thu hoạch để cung ứng cho việc sản xuất của nhà máy), nên mức độ đánh giá của đối tác nước ngoài rất cao”, ông Thứ chia sẻ.

Gắn chặt với vùng nguyên liệu sẽ giúp DN chế biến sâu nông sản có được lợi thế XK.

Bởi lẽ, các đối tác ngoại biết rằng phía công ty không thể nào đầu tư một khoản tiền lớn cho vùng nguyên liệu đó mà không có tính toán lâu dài. Khi công ty có diện tích vùng nguyên liệu đủ lớn sẽ dễ dàng thuyết phục nông dân địa phương đi theo mô hình của mình.

Theo ông Thứ, chính trên diện tích vùng nguyên liệu của công ty trong thời gian đầu cũng gặp không ít khó khăn trong vấn đề trồng trọt để tạo ra sản lượng cũng như giá thành cạnh tranh. Nhưng, với việc áp dụng hiệu quả các khoa học kỹ thuật vào vùng trồng đã giúp gia tăng niềm tin của nông dân để mở rộng vùng nguyên liệu với sự cam kết của công ty trong phát triển dài hạn.

Chính nhờ gắn chặt hơn 200 ha vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến (có công suất 35.000 tấn/năm) đã giúp cho GC Food có nhiều lợi thế xuất khẩu (XK) sản phẩm chế biến từ cây nha đam đi 20 quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường lớn, khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ… Ngay trong năm 2023 này, dù thị trường XK nói chung có nhiều khó khăn nhưng riêng phía công ty đã kín đơn hàng cho cả năm.

“Điều chúng tôi quan tâm nhất là chất lượng sản phẩm sau thu hoạch ở vùng nguyên liệu là gì. Chính vì vậy đã nhận được sự tin tưởng của các khách hàng quốc tế và giúp cho việc tiêu thụ được dễ hơn. Chúng tôi đánh giá trong 5 năm tới, hoặc xa hơn là 10 năm, các sản phẩm chế biến sâu từ cây nha đam sẽ vẫn tăng trưởng cao với sức tăng 20%/năm. Đó là lý do để công ty mạnh dạn phát triển vùng nguyên liệu và hoạt động đầu tư chế biến sâu trong thời gian tới”, ông Thứ nói.

Từ thực tế nêu trên sẽ thấy, phía doanh nghiệp (DN) chế biến muốn có được lợi thế XK thì cần đòi hỏi nhiều về vùng nguyên liệu chế biến. Đây là yếu tố quyết định phía DN có đầu tư vào chế biến sâu hay không.

Có đột phá ắt sẽ vượt trội

Những đánh giá gần đây cho thấy, năm 2023 này việc thu hút đầu tư chế biến sâu nông sản sẽ khởi sắc khi nhiều cơ hội thuận lợi để mở rộng thị trường XK so với những khó khăn của các lĩnh vực khác. Để tận dụng cơ hội, bắt buộc các DN cần khắc phục tình trạng chung hiện nay là các sản phẩm sơ chế vẫn chiếm tỷ lệ lớn từ 70-80%, các sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao còn ít.

Điều đáng nói, trung bình mỗi năm, Việt Nam có thể chế biến 120 triệu tấn nguyên vật liệu nông sản. Tuy nhiên, có một số ngành hàng chế biến có công nghệ ngang tầm thế giới nhưng đa số còn nhỏ lẻ, lạc hậu với khoảng 95% cơ sở chế biến có quy mô vừa và nhỏ.

Bàn thêm về lợi thế của DN chế biến sâu trong hoạt động XK, trao đổi với VnBusiness, ông Kao Siêu Lực, Tổng giám đốc CTCP thực phẩm Á Châu, cho biết điều này còn nằm ở uy tín thương hiệu vượt trội của DN, sản phẩm thật sự chất lượng và cao cấp hơn nữa. Đặc biệt là công ty phải có đội ngũ R&D chuyên sâu về hàng chất lượng cao, còn nếu không có đội ngũ này thì công ty sẽ không có đột phá về sản phẩm và buộc phải xếp sau những đối thủ cạnh tranh khác trên thị trường quốc tế.

Về nguồn nguyên liệu phục vụ cho việc chế biến bánh mì, ông Lực cho biết chủ yếu vẫn là bột mì được cung cấp bởi các công ty trong nước. Do Việt Nam không có lúa mì nên bắt buộc phải nhập khẩu nguyên liệu từ Mỹ, Australia, Canada…để phục vụ cho các nhà chế biến bột mì ở trong nước.

Ngoài ra, nhờ nổi tiếng là có thế mạnh về chế biến sâu đã giúp “giải cứu” nông sản nội địa trong giai đoạn thanh long, dưa hấu tắc đầu ra. Như chia sẻ của ông Lực, mới đây phía Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Tp.HCM có liên lạc để mời ông sang Mỹ làm việc với ngành nông nghiệp của nước này để tiến tới hỗ trợ khâu chế biến một số loại bánh từ nguồn nguyên liệu nông sản của Mỹ.

“Năm nay công ty của tôi sẽ chế biến một số loại bánh (đơn cử như bánh trung thu) mà nguồn nguyên liệu chính là một số loại nông sản của Mỹ để thâm nhập thị trường Mỹ. Công ty cũng lấy nguồn nguyên liệu nông sản Việt kết hợp với nông sản Mỹ để cho ra những sản phẩm mới nhằm thúc đẩy XK”, ông Lực chia sẻ.

Nhìn chung, lợi thế XK cho những DN gắn chặt vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến như trường hợp GC Food hay đầu tư nhiều cho chế biến sâu như CTCP thực phẩm Á Châu đã được thấy rõ. Điều này nhờ chính họ có sự đột phá để tạo ra sự vượt trội khi cạnh tranh XK.

Chính vì vậy, khi thị trường XK nói chung còn nhiều khó khăn, đòi hỏi các DN trong ngành hàng nông sản thực phẩm cần chú trọng nhiều hơn nữa vào chế biến sâu để tạo lợi thế cho mình. Và khâu chính sách nên tiếp tục có sự đột phá thu hút đầu tư chế biến sâu để vừa mở rộng đầu ra vừa nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/loi-the-xuat-khau-cho-doanh-nghiep-che-bien-sau-nong-san-1091290.html