Lợi ích sau 2 năm sử dụng hóa đơn điện tử

Theo ước tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có khoảng hơn 6.500 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân đang hoạt động có sử dụng hóa đơn. Đánh giá bước đầu cho thấy, qua 2 năm triển khai thực hiện, việc sử dụng hóa đơn điện tử đã đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh và góp phần nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách nhà nước.

Qua đánh giá của các doanh nghiệp cho thấy, việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp doanh nghiệp tiết giảm tới 70% các bước quy trình phát hành và 90% các tranh chấp liên quan đến hóa đơn; rút ngắn tới 99% thời gian thanh toán, quản lý hóa đơn; tiết kiệm 80% chi phí cho mỗi hóa đơn. Chỉ cần vài cú nhấp chuột, người mua hàng sẽ nhận được hóa đơn dù đang ở bất cứ nơi nào nếu có internet. Việc sử dụng hóa đơn điện tử còn giúp doanh nghiệp giảm chi phí so với sử dụng hóa đơn giấy như: Chi phí giấy in, mực in, chi phí chuyển hóa đơn cho khách hàng và đặc biệt là giảm chi phí lưu trữ hóa đơn; giảm thời gian tìm kiếm hóa đơn; tăng cường khả năng bảo mật; giúp việc lưu trữ, quản lý hóa đơn vĩnh viễn; không có rủi ro mất, nhàu nát như khi lưu trữ hóa đơn giấy.

Nhân viên Chi nhánh Xăng dầu Hà Nam phát hành hóa đơn bán lẻ xăng dầu cho khách hàng.

Ông Trương Văn Chiêu, Giám đốc Chi nhánh Xăng dầu Hà Nam cho biết: Ngay khi triển khai sử dụng hóa đơn điện tử, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn những quy định cơ bản về hóa đơn điện tử và triển khai các văn bản liên quan đến công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh cho cán bộ, nhân viên ở các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu trực thuộc. Nội dung hướng dẫn gồm mục tiêu, lợi ích của việc lập hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán hàng; thời điểm lập và nội dung của hóa đơn; phương pháp khởi tạo hóa đơn điện tử từ máy tính tiền; lợi ích, trách nhiệm của người bán khi sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế; các hình thức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về hóa đơn. Thông qua đó, các cửa hàng xăng dầu của chi nhánh đã phát hành hóa đơn cho khách hàng khi mua lẻ xăng dầu, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và giúp đơn vị quản lý kinh doanh được tốt hơn.

Theo bà Nguyễn Thị Hằng, Chi Cục trưởng Chi cục Thuế khu vực huyện Thanh Liêm – Bình Lục cho biết: Đối với cơ quan thuế việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn và kết hợp với các thông tin quản lý thuế khác để xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về người nộp thuế đáp ứng yêu cầu phân tích thông tin phục vụ điều hành, dự báo, hỗ trợ người nộp thuế tuân thủ luật về thuế, góp phần ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, trốn thuế.

Tại Chi cục Thuế khu vực huyện Thanh Liêm – Bình Lục, có khoảng hơn 900 doanh nghiệp, trong đó có 300- 400 doanh nghiệp một năm chỉ sử dụng hóa đơn 1 lần, hoặc đã tạm dừng hoạt động. Đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, việc áp dụng hóa đơn điện tử góp phần làm giảm chi phí quản lý, sử dụng hóa đơn, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, giảm thiểu nhiều rủi ro so với sử dụng hóa đơn giấy. Đối với các doanh nghiệp này cơ quan thuế tập trung tuyên truyền vận động sử dụng hóa đơn điện tử đã đạt được những kết quả tốt, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng cường công tác quản lý ngân sách Nhà nước.

Theo đánh giá của ngành thuế, sau 2 năm triển khai thực hiện, sử dụng hóa đơn điện tử đã đem lại nhiều lợi ích cho cả cơ quan thuế, doanh nghiệp, người nộp thuế như: Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác thu ngân sách và giảm thủ tục hành chính liên quan tới hóa đơn; giảm chi phí liên quan tới việc gửi, bảo quản, lưu trữ hóa đơn và giảm rủi ro về việc mất hóa đơn; góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, phương thức quản lý, tổ chức thực hiện của cơ quan thuế theo hướng tự động nhằm cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí, tăng năng suất hoạt động của doanh nghiệp.

Cụ thể, việc sử dụng hóa đơn điện tử đã góp phần hỗ trợ cơ quan thuế trong việc quản lý rủi ro, quản lý thuế, hỗ trợ cơ quan thuế thực hiện kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử cho các cơ quan khác của Nhà nước; thực hiện việc chuyển đổi số của ngành thuế nói riêng và góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp và của xã hội nói chung.

Đối với doanh nghiệp, đã tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế, từ đó giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được thuận lợi. Đối với người mua, bán hàng tạo sự yên tâm về chất lượng, giá cả hàng hóa, dịch vụ, người mua hàng lấy hóa đơn còn có cơ hội trúng giải thưởng hóa đơn may mắn do cơ quan thuế tổ chức định kỳ 3 tháng quay một lần.

Ngoài ra, việc sử dụng hóa đơn điện tử còn đẩy mạnh sự phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phù hợp với xu hướng phát triển chung ở trong nước cũng như trên thế giới, tạo sự cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trần Thoan

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/tai-chinh-ngan-hang/loi-ich-sau-2-nam-su-dung-hoa-don-dien-tu-122449.html