'Lời cảnh tỉnh' dành cho Anh từ khủng hoảng ngân hàng

Sự lây lan mang tính dây chuyền là một mối nguy hiểm thường trực. Các sự kiện trong những tuần gần đây đã chứng minh thực tế này.

Trụ sở ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) ở California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Trụ sở ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) ở California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Ngân hàng là “gót chân Achilles” của nền kinh tế thị trường. Sự kết hợp giữa các tài sản dài hạn rủi ro với các khoản nợ có tính thanh khoản có thể mua lại ngang giá có thể mau chóng gây ra tình trạng kém thanh khoản và mất khả năng thanh toán.

Sự lây lan mang tính dây chuyền cũng là một mối nguy hiểm thường trực. Các sự kiện trong những tuần gần đây đã chứng minh những thực tế này.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) Andrew Bailey đã phát biểu trước Ủy ban Tài chính Hạ viện rằng, ngân hàng là một ngành mang tính quốc tế và Anh là một trung tâm tài chính quan trọng. Nước Anh muốn hưởng lợi, đồng thời giảm thiểu rủi ro. Ít nhất là cho đến thời điểm này, nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng “mini” chính là một lời cảnh tỉnh về những rủi ro.

Vì vậy, những bài học rõ ràng là gì?

Đầu tiên, một trung tâm tài chính mở như Anh dễ bị tổn thương trước những sai lầm về quản lý ở những nơi khác. Vì vậy, như ông Bailey đã nhấn mạnh, việc ngân hàng SVB UK là một công ty con được vận hành theo chính sách hàng rào khoanh vùng (ring-fence) chứ không phải là một chi nhánh của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) đã phát huy tác dụng hữu ích. Điều đó cho phép Anh giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng và độc lập.

Thứ hai, câu chuyện của ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sỹ) cho thấy các nhà hoạch định chính sách khó có thể áp dụng biện pháp mang tính kỷ luật đối với các tổ chức nhạy cảm về chính trị, ngay cả khi đã có kế hoạch từ trước. Giới chức Anh cần xem xét liệu họ có thể làm tốt hơn trong trường hợp tương tự hay không và bằng cách nào. Chính sách hàng rào khoanh vùng đối với ngân hàng bán lẻ trong nước đã không tránh được rủi ro trong trường hợp này và điều đó thật đáng lo ngại.

Thứ ba, nếu các giải pháp khó khăn như vậy, thì điều quan trọng hơn đối với các ngân hàng là phải có nhiều vốn chủ sở hữu, nợ có khả năng chịu thua lỗ đáng tin cậy và tính thanh khoản mạnh đến mức tất cả người gửi tiền sẽ cảm thấy an toàn. Nếu không, các ngân hàng nhiều khả năng lại rơi vào tình trạng bị tiếp quản và cứu trợ.

Thứ tư, phải tránh những lỗ hổng lớn trong hệ thống điều hành. Tổn thất về giá trị thị trường của danh mục đầu tư do lãi suất tăng cao là một ví dụ điển hình. Giới chức Anh dường như nhận thức rõ hơn về những rủi ro mà những tổn thất đó gây ra hơn những đồng nghiệp Mỹ. Những tổn thất như vậy phải được tính đến trong cả yêu cầu về vốn và tính thanh khoản cũng như các bài kiểm tra về khả năng chịu đựng của các ngân hàng.

Thứ năm, các gói cứu trợ luôn có tầm quan trọng mang tính hệ thống. Nếu người gửi tiền tin rằng họ được bảo vệ, các ngân hàng có thể sẽ hành xử một cách thiếu trách nhiệm hơn. Vì vậy, bất kỳ ngân hàng nào chịu thua lỗ có thể được giải cứu phải được quy định một cách có hệ thống. Như vậy, có thể giảm thiểu rủi ro với điều kiện vốn chủ sở hữu, khoản nợ “có thể bảo lãnh” và tính thanh khoản của ngân hàng ở mức cao hơn. Do đó, nên ghi giảm nguồn vốn chủ sở hữu và nợ dài hạn trước khi gửi tiền cũng như quy định mức bảo hiểm tiền gửi chính thức “thoáng” hơn với phí bảo hiểm rủi ro của ngân hàng.

Thứ sáu, câu chuyện SVB cho thấy tầm quan trọng của việc quản lý có trách nhiệm. Đây không chỉ là những hoạt động kinh doanh sinh lợi đơn thuần. Trong trường hợp này, ban quản lý cấp cao đã lấy đi hàng chục triệu USD khỏi ngân hàng trong khi nó đang trải qua quá trình phá sản. Sau đó, người gửi tiền đã được giải cứu bởi những người nộp thuế. Điều này cần phải được ngăn chặn.

Như nhà kinh tế Charles Goodhart của trường đại học London School of Economics and Political Science (LSE) đã lưu ý, những nhà quản lý không quản lý thành công phải chia sẻ những các khoản thua lỗ. Họ phải chịu trách nhiệm tài chính cá nhân. Sự thay đổi đó có thể cho phép tự do hóa, thậm chí bãi bỏ, chế độ “quản lý cấp cao” phức tạp của Anh.

Thứ bảy, suy nghĩ cẩn trọng về việc tháo gỡ cơ chế quản lý trong trường hợp khẩn cấp. Hàng rào khoanh vùng do Ủy ban độc lập về ngân hàng khuyến nghị là một nỗ lực nhằm tách ngân hàng bán lẻ trong nước khỏi những rủi ro từ các hoạt động toàn cầu tương đối lớn của một số ngân hàng Anh. Đó là một mối lo ngại nhỏ hơn nhiều với Mỹ, nơi các hoạt động trong nước quá lớn.

Hàng rào khoanh vùng cũng được thiết kế để cung cấp cho các cơ quan quản lý và chính phủ nhiều lựa chọn hơn trong trường hợp giải quyết phá sản. Bằng cách cho phép ngân hàng HSBC được miễn trừ khỏi chính sách hàng rào khoanh vùng khi tiếp quản SVB UK, chính phủ đã mở ra một kẽ hở nguy hiểm tiềm ẩn, và cần đóng lại càng sớm càng tốt./.

Phong Hà (P/v TTXVN tại London)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/loi-canh-tinh-danh-cho-anh-tu-khung-hoang-ngan-hang/287142.html