Lo sợ đảo chính, nhiều nước châu Phi tức tốc tiến hành biện pháp phòng ngừa

Sau hai cuộc đảo chính liên tiếp xảy ra tại Tây và Trung Phi (Niger và Gabon) chỉ trong hơn một tháng (từ 26/7-30/8), nhiều quốc gia châu Phi đã tức tốc tiến hành các biện pháp phòng ngừa, chủ yếu tập trung vào cải tổ quân đội và lực lượng an ninh trực tiếp bảo vệ Tổng thống.

Quốc gia mới nhất gia nhập làn sóng cải tổ quân đội nhằm phòng ngừa nguy cơ xảy ra đảo chính quân sự là Guinea Bissau, một trong những quốc gia đã chứng kiến nhiều cuộc đảo chính hoặc âm mưu đảo chính nhất tại khu vực trong 50 năm qua. Cụ thể, theo sắc lệnh của Tổng thống Umaro Sissoco Embalo, ngày 4/9, Tướng Thomas Djassi chính thức tuyên thệ nhậm chức Chỉ huy Lực lượng An ninh bảo vệ Tổng thống, trong khi Tướng Horta Inta đảm nhận chức Chánh văn phòng Phủ Tổng thống Guinea Bissau.

Các thành viên quân đội Gabon tuyên bố nắm quyền hôm 30/8/2-23. (Ảnh: GABON 24/AP)

Các thành viên quân đội Gabon tuyên bố nắm quyền hôm 30/8/2-23. (Ảnh: GABON 24/AP)

Kể từ khi giành được độc lập từ Bồ Đào Nha năm 1974 đến nay, Guinea Bissau ghi nhận tổng cộng 9 cuộc đảo chính hoặc nỗ lực đảo chính bất thành. Trong đó, âm mưu đảo chính mới nhất nhằm lật đổ Tổng thống Embalo hồi đầu tháng 2/2022, đã bị triệt phá.

Tại Rwanda, chỉ ít giờ sau khi xuất hiện thông tin về cuộc đảo chính tại Gabon sáng 30/8, Tổng thống Paul Kagame đã quyết định thay đổi một loạt nhân sự cấp cao trong Lực lượng Phòng vệ Rwanda (RDF), trong đó có 12 sỹ quan mang hàm cấp tướng được cho nghỉ hưu, gồm cả Đại tướng James Kabarebe - Tham mưu trưởng quân đội. Theo truyền hình Al Arabiya, danh sách các sỹ quan cấp cao của quân đội Rwanda được cho nghỉ hưu đợt này, có khoảng 950 người.

Một ngày sau động thái của Rwanda, hôm 31/8, Tổng thống Cameroon Paul Biyam chỉ thị thay đổi hàng chục nhân sự cấp cao trong các lực lượng lục quân, không quân và thủy quân lục chiến của nước này. Theo đó, nhiều sỹ quan mang hàng cấp tướng và cấp tá đã bị cách chức hoặc điều chuyển ra khỏi Bộ Quốc phòng Cameroon. Tổng thống Paul Biyam bắt đầu lãnh đạo đất nước Cameroon từ năm 1982, hiện là một trong những nhà lãnh đạo đương chức tại vị lâu nhất ở châu lục đen.

Còn tại Sierra Leon, một nhóm sỹ quan cấp cao trong quân đội vừa bị bắt giữ với các buộc âm mưa lật đổ chính quyền. Theo truyền hình Al Arabiya, nhóm sỹ quan bị bắt giữ đã lên kế hoạch tiến hành các hành động phản đối hòa bình nhằm bác bỏ kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Sierra Leon hồi tháng 6 vừa qua (vòng 2), với chiến thắng thuộc về đương kim Tổng thống Julius Maada Bio.

Tại Senegal, Tổng thống Macky Sall đã chính thức tuyên bố sẽ không tranh cử nhiệm kỳ Tổng thống tiếp theo (nhiệm kỳ thứ 3) vào năm 2024, như một biện biện pháp phòng ngừa phản ứng quá khích của công chúng và dẫn đến nguy cơ đảo chính. Ông Macky Sall trở thành Tổng thống Senegal lần đầu năm 2012 và tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2019. Thông báo không tranh cử nhiệm kỳ mới được Tổng thống Macky Sall công bố chỉ vài ngày sau cuộc đảo chính tại Gabon (hôm 30/8), nơi nhóm sỹ quan quân đội cấp cao tuyên bố tuyên bố hủy bỏ kết quả cuộc bầu cử Tổng thống gây tranh cãi với chiến thắng thuộc về Tổng thống Ali Bongo (nhiệm kỳ thứ 3).

Bá Thi/VOV-Cairo

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/lo-so-dao-chinh-nhieu-nuoc-chau-phi-tuc-toc-tien-hanh-bien-phap-phong-ngua-post1043900.vov