Liên tiếp các ca ngộ độc thực phẩm ở học sinh, Thủ tướng chỉ đạo 'khẩn'

Liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm ở học sinh trong những ngày gần đây tại Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ Đức... khiến các bậc phụ huynh lo lắng. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo công tác công tác bảo đảm tại các nhà ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố...

Thêm nhiều học sinh nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm

Trong khi các nạn nhân trong vụ ngộ độc bánh mì ở Thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai còn chưa ổn định với các ca nhập viện mới và việc theo dõi các ca đã nhập viện trong những ngày qua, thì mới nhất, ngày 7/5, tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp tục có thêm các ca nhập viện của học sinh do nghi ngộ độc thực phẩm.

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh, trong những ngày gần đây đã tiếp nhận điều trị cho nhiều học sinh nhập viện với các triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm.

Trường hợp các học sinh cấp cứu nhập viện gồm 1 học sinh, 9 tuổi (ở Thành phố Hồ Chí Minh) và 11 tuổi (ở Thành phố Thủ Đức).

Các bệnh nhân này đều có triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm. Cụ thể, bé trai, 9 tuổi bị sốt cao, có triệu chứng ói mửa nhiều lần, tiêu lỏng, không đau bụng. Gia đình đưa các học sinh nhập bệnh viện Nhi đồng 2. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị niễm trùng đường ruột do vi khuẩn không mất nước – Viêm họng cấp – triệu chứng ngộ độc thực phẩm.

Còn trường hợp thứ hai là bé gái 11 tuổi, có triệu chứng đau bụng quanh rốn, ói ra thức ăn và dịch xanh. Hiện xét nghiệm bệnh phẩm tìm tác nhân chưa có kết quả.

Đáng chú ý, theo lời kể của phụ huynh học sinh bé trai, có 6 bé khác cũng bị sốt, ói sau ăn trưa trong bữa ăn bán trú cùng là món mì Ý sốt cà.

Năm 2023 toàn quốc đã ghi nhận 125 vụ làm trên 2.100 người mắc và làm 28 người tử vong, có xu hướng gia tăng so với năm 2022.

https://vfa.gov.vn/gioi-thieu/...

Có thể nói, trong thời tiết thuận lợi của những ngày giao mùa, vi khuẩn có nguy cơ phát triển khắp bề mặt trong không gian, ở các đồ vật, không khí, nước, cơ thể người và động vật... Đặc biệt, khi chuyển sang mùa Hè với dạng thời tiết nóng ẩm lý tưởng, các vi sinh vật này có khả năng phát triển nhanh hơn. Trong số đó, hầu hết các vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm phát triển nhanh nhất ở nhiệt độ từ 32,2°C đến 43,3°C.

Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm

Trước tình hình gia tăng các ca ngộ độc thực phẩm, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, nhà ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố...

Bộ Y tế thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn theo đúng quy định.

Đồng thời, Bộ Y tế tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định; nghiên cứu xây dựng và sử dụng có hiệu quả hệ thống cảnh báo sự cố an toàn thực phẩm theo đúng quy định; chỉ đạo cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm, bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe, tính mạng người dân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương thực hiện đầy đủ trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế điều tra nguyên nhân và chủ trì trong việc truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo đúng quy định của Luật An toàn thực phẩm và phân công của Chính phủ.

Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tổ chức thực hiện chương trình giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn sự cố an toàn thực phẩm và công tác phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo đúng quy định.

Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn; có biện pháp phù hợp nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn và các đối tượng theo phân cấp quản lý; thường xuyên tổ chức đánh giá nguy cơ mất an toàn thực phẩm và triển khai các biện pháp cần thiết nhằm ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý.

Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đẩy mạnh công tác tuyên truyền các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các ngành chức năng trên địa bàn tập trung cứu chữa các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm xảy ra tại thành phố Long Khánh bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe người dân.

PV

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/lien-tiep-cac-ca-ngo-doc-thuc-pham-o-hoc-sinh-thu-tuong-chi-dao-khan-179240507114215514.htm