LHQ gia hạn nhiệm vụ nhóm chuyên gia giám sát trừng phạt Triều Tiên

Một tên lửa đạn đạo được phóng thử nghiệm tại địa điểm không xác định ở Triều Tiên. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 25/3, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã gia hạn nhiệm vụ của Nhóm chuyên gia hỗ trợ ủy ban giám sát các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an với Triều Tiên đến ngày 30/4/2023.

Bên cạnh việc nhất trí thông qua Nghị quyết 2627 theo Chương VII Hiến chương Liên Hợp Quốc, Hội đồng Bảo an cũng nhấn mạnh rằng nhóm trên sẽ thực hiện các báo cáo đánh giá, phân tích và khuyến nghị đáng tin cậy, dựa trên thực tế, độc lập và quan điểm khách quan, công bằng và phù hợp với nhiệm vụ của Nhóm chuyên gia theo quy định trong Điều 26 của Nghị quyết 1874 (năm 2009).

Hội đồng Bảo an hối thúc tất cả các quốc gia, các cơ quan hữu quan của Liên Hợp Quốc và những bên liên quan khác hợp tác toàn diện với ủy ban được thành lập theo Nghị quyết 1718 (năm 2006) và Nhóm chuyên gia. Nghị quyết 1718 đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên và thành lập ủy ban trừng phạt để thu thập thêm thông tin, xác định rõ các biện pháp trừng phạt, giám sát và đưa ra những khuyến nghị về vấn đề này.

Nhóm chuyên gia, được thành lập vào năm 2009, hỗ trợ công việc của ủy ban trừng phạt thông qua phân tích chuyên sâu, đặc biệt là đánh giá các trường hợp không tuân thủ.

Trong khi ủy ban trừng phạt có thể đưa ra những quyết định ràng buộc về mặt pháp lý về cách thực hiện cụ thể các biện pháp trừng phạt, thì nhóm chuyên gia chỉ có vai trò cung cấp thông tin và cố vấn để hỗ trợ những quyết định đó.

Trong diễn biến khác, hãng thông tấn RIA ngày 25/3 dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh Moscow và Bắc Kinh đã nhất trí phối hợp chặt chẽ về tình hình Bán đảo Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới.

Thông cáo cho hay trong cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov và ông Lưu Hiểu Minh - đặc phái viên Trung Quốc về Bán đảo Triều Tiên, “hai bên đã bày tỏ quan ngại về những diễn biến mới nhất tại tiểu vùng".

Hai bên cũng nhấn mạnh cần tăng cường những nỗ lực nhằm tìm kiếm các giải pháp chính trị và ngoại giao công bằng cho các vấn đề của khu vực Đông Bắc Á” và “nhất trí duy trì phối hợp chặt chẽ giữa Nga và Trung Quốc".

Cũng trong ngày 25/3, Ngoại trưởng Nhóm các nền công nghiệp và phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) đã ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về vụ phóng thử ICBM mà Triều Tiên mới thực hiện, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng trở lại cam kết tạm dừng phóng thử tên lửa.

Tuyên bố chung được Bộ Ngoại giao Đức - quốc gia nắm giữ cương vị Chủ tịch G7 trong năm 2022 - công bố nêu rõ hành động của Triều Tiên đe dọa hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế, gây nguy hiểm và nguy cơ không thể dự báo trước đối với ngành hàng không dân dụng quốc tế và hoạt động điều hướng trong lĩnh vực hàng hải trong khu vực, đòi hỏi phản ứng thống nhất của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả các biện pháp tiếp theo của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

G7 kêu gọi Triều Tiên tuân thủ đầy đủ mọi nghĩa vụ pháp lý theo các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đồng thời chấp nhận các đề nghị đối thoại từ tất cả các bên - bao gồm Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Các ngoại trưởng G7 và Đại diện cấp cao EU cũng kêu gọi Bình Nhưỡng từ bỏ hoàn toàn, có thể xác minh và không thể đảo ngược các chương trình liên quan đến tên lửa đạn đạo và vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Theo TTXVN/Vietnam+

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/272482/lhq-gia-han-nhiem-vu-nhom-chuyen-gia-giam-sat-trung-phat-trieu-tien.html