Lệnh trừng phạt của Mỹ: Phép thử với mối quan hệ 'không giới hạn' Trung - Nga

Nhưng động thái gần đây của Mỹ nhằm truy lùng các tổ chức tài chính giúp Moskva đã thử thách ranh giới của của mối quan hệ Nga - Trung và khiến các ngân hàng của nước này lo ngại.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin duyệt đội danh dự tại lễ đón ở Bắc Kinh ngày 16/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin duyệt đội danh dự tại lễ đón ở Bắc Kinh ngày 16/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Các ngân hàng Trung Quốc đang thắt chặt giám sát thương mại với Nga vì lo sợ phải chịu các lệnh trừng phạt mới nghiêm ngặt của Mỹ liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, thử thách tình hữu nghị “không giới hạn” giữa hai nước.

Theo hãng tin AFP, thương mại của Trung Quốc với Nga đã đạt mức cao kỷ lục trong những năm gần đây, làm dấy lên cáo buộc từ phương Tây rằng Bắc Kinh đang giúp thúc đẩy nền kinh tế của Nga, khi Tổng thống nước này, ông Vladimir Putin đến Bắc Kinh ngày 16/5.

Nhưng động thái gần đây của Washington nhằm truy lùng các tổ chức tài chính giúp Moskva đã thử thách ranh giới của của mối quan hệ Nga - Trung và khiến các ngân hàng của nước này lo ngại.

Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 12 năm ngoái đã ban hành một sắc lệnh áp dụng các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các ngân hàng nước ngoài giao dịch với Nga, cho phép Bộ Tài chính Mỹ loại họ ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu do đồng USD dẫn đầu.

Theo tiết lộ với AFP của 8 nguồn tin từ cả hai nước có liên quan đến thương mại xuyên biên giới, kể từ đó, một số ngân hàng Trung Quốc đã tạm dừng hoặc trì hoãn các giao dịch với khách hàng Nga. “Hiện tại, rất khó để kiếm được tiền từ Nga. Các ngân hàng không đưa ra lý do nhưng có lẽ là do mối đe dọa (các lệnh trừng phạt) từ Mỹ”, một nhà bán buôn hàng may mặc Trung Quốc cho biết.

Theo các thương nhân, một số ngân hàng đang áp dụng các biện pháp kiểm tra bổ sung đối với các hoạt động thanh toán xuyên biên giới để loại trừ mọi nguy cơ bị trừng phạt - việc sàng lọc có thể mất nhiều tháng và làm tăng chi phí, gây ra khủng hoảng dòng tiền tại các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhỏ hơn.

Một chủ doanh nghiệp khác nói với AFP với điều kiện giấu tên rằng họ buộc phải đóng cửa các hoạt động ở Trung Quốc và quay trở lại Nga vì họ “không thể nhận được bất kỳ khoản tiền nào từ các khách hàng”.

Việc tạm dừng thanh toán trùng hợp với sự sụt giảm xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua, giảm so với mức tăng đột biến hồi đầu năm.

Pavel Bazhanov, luật sư phục vụ các doanh nghiệp Nga tại Trung Quốc, nói: “Mặc dù các lệnh trừng phạt được áp dụng để (cản trở) việc xuất khẩu một số mặt hàng từ Trung Quốc, nhưng chúng cũng có một số tác động đến thương mại thông thường”. Ông Bazhanov cho rằng sự chậm lại trong quá trình xử lý thanh toán trái ngược "hoàn toàn" với việc xử lý nhanh chóng các giao dịch bằng đồng nhân dân tệ trong quá khứ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp ở Bắc Kinh ngày 16/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp ở Bắc Kinh ngày 16/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

'Cẩn tắc vô ưu'

Theo số liệu hải quan của Bắc Kinh, thương mại giữa Trung Quốc và Nga đã bùng nổ kể từ sau cuộc xung đột ở Ukraine và đạt 240 tỷ USD vào năm 2023. Tuy nhiên, thông tin cho rằng các công ty Nga đang gặp khó khăn trong việc thanh toán với các ngân hàng Trung Quốc lần đầu tiên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Nga vào đầu năm nay.

Điện Kremlin đã thừa nhận vấn đề này vào tháng 2 vừa qua và người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov sau đó đã chỉ trích áp lực "chưa từng có" của Mỹ đối với Trung Quốc. Bắc Kinh chưa công khai thừa nhận sự chậm trễ trong giao dịch nhưng Bộ Ngoại giao nước này nói rằng họ phản đối "các biện pháp trừng phạt đơn phương và bất hợp pháp của Mỹ".

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, đằng sau hậu trường, các ngân hàng Trung Quốc đang đảm bảo rằng họ không "đâm sau lưng".

Alexander Gabuev, Giám đốc Trung tâm Á-Âu Carnegie về Nga ở Berlin, cho biết: “Việc tìm hiểu xem các khoản thanh toán có liên quan đến tổ hợp công nghiệp-quân sự của Nga hay không đang tạo ra một thách thức đáng kể cho các công ty và ngân hàng Trung Quốc. Họ đang hoạt động theo nguyên tắc: Cận thận thì sau không phải lo lắng - dẫn đến giảm khối lượng giao dịch”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố về tình hữu nghị "không giới hạn" giữa hai nước, và nhà lãnh đạo Nga đang bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc từ 16 -17/5. Tuy nhiên, tăng trưởng trong nước chậm lại ở Trung Quốc đã tạo ra động lực để Bắc Kinh không gây thêm thiệt hại cho nền kinh tế của mình, chuyên gia William Pomeranz tại Trung tâm Wilson cho biết.

Các chuyên gia khác nhận định sự thận trọng mới nổi lên của các ngân hàng Trung Quốc phản ánh mong muốn của Bắc Kinh trong việc quản lý sự cạnh tranh với Mỹ trước cuộc bầu cử năm nay. Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã ổn định trong những tháng gần đây sau những tranh cãi kéo dài nhiều năm về thương mại, công nghệ và các vấn đề khác.

Wang Yiwei, người đứng đầu Viện Quan hệ Quốc tế tại Đại học Nhân dân của Trung Quốc, cho biết các quan chức nước này có thể đã chỉ đạo các ngân hàng xem xét kỹ lưỡng các khoản thanh toán với Nga để đảm bảo chúng không tạo ra "vấn đề gây chia rẽ trong cuộc bầu cử Mỹ".

Học giả quan hệ quốc tế Shen Dingli ở Thượng Hải nêu quan điểm: “Trung Quốc sẽ không đến mức để một ngân hàng lớn liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine. (Họ) sẽ không cho Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt hoàn toàn".

Các chuyên gia cho biết, một phần của giải pháp có thể là một động thái được khuyến khích từ lâu bởi các quốc gia muốn bảo vệ mình khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ: hệ thống tài chính độc lập với đồng USD.

Alexandra Prokopenko, cựu cố vấn tại Ngân hàng Trung ương Nga, nói rằng chiến lược xoay trục sang châu Á trong thời chiến của Moskva đã chứng kiến "sự phát triển của hệ thống thanh toán xuyên biên giới bằng tiền tệ quốc gia (đồng nhân dân tệ và rúp)".

Theo bà Prokopenko, hệ thống này cho phép các ngân hàng bỏ qua hệ thống tài chính truyền thống như Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT), bảo vệ họ khỏi tác động của các biện pháp trừng phạt.

Những trục trặc mới trong thanh toán hiện tại cho thấy cách tiếp cận đó "không phải là thuốc chữa bách bệnh", bà Prokopenko lưu ý, nhưng nói thêm: “Nga và Trung Quốc khá thành thạo trong việc thích ứng với một môi trường luôn thay đổi”.

Vũ Thanh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/lenh-trung-phat-cua-my-phep-thu-voi-moi-quan-he-khong-gioi-han-trung-nga-20240516122636931.htm