Lễ mừng chiến thắng của người Bahnar: Độc đáo, nhân văn

Sau nhiều năm gián đoạn, lễ mừng chiến thắng của người Bahnar ở xã Kon Gang (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã được phục dựng với các nghi thức cổ truyền và phản ánh đậm nét tinh thần chiến thắng.

Niềm vui chiến thắng

Lễ mừng chiến thắng là dịp để cộng đồng thực hiện lời hứa và trả ơn thần linh sau những đợt chống lại thiên tai, dịch bệnh, đồng thời cầu xin các vị thần tiếp tục giúp đỡ để dân làng mạnh khỏe, cuộc sống bình yên, mùa màng bội thu. Trước kia, lễ mừng chiến thắng còn mang ý nghĩa khi cộng đồng chiến thắng kẻ thù xâm phạm lãnh thổ của mình. Người Bahnar tổ chức lễ mừng chiến thắng theo các nghi thức cổ truyền. Trong đó, đâm trâu là nghi lễ quan trọng nhất, biểu hiện cao nhất sự biết ơn của cộng đồng đối với các thần linh và phản ánh đậm nét tinh thần chiến thắng. Tuy nhiên, nét mới so với nghi lễ cổ truyền là con trâu tế thần được cột trước cây nêu ở sân nhà rông để thực hiện nghi lễ mô phỏng mà không đâm trâu tại chỗ.

Lễ mừng chiến thắng của người Bahnar xã Kon Gang (huyện Đak Đoa) được phục dựng với các nghi thức cổ truyền. Ảnh: H.N

Ông Ayo-Chủ lễ mừng chiến thắng-cho biết: Nếu lễ cầu mưa được tổ chức ở giọt nước, lễ mừng lúa mới được tổ chức trên nhà rẫy hay ở ngã ba, ngã tư thì lễ mừng chiến thắng bắt buộc diễn ra trước sân nhà rông và phải có nghi thức đâm trâu. Con trâu được xem là vật linh thiêng, quý giá nhất của mỗi gia đình, cộng đồng. Người Bahnar dâng lên các vị thần con vật mà họ yêu quý để tỏ lòng thành kính. Hội đồng già làng sẽ thực hiện nghi thức cúng trâu, cảm ơn trâu đã vì dân làng, trở thành vật tế thần.

Trong buổi lễ, những chàng trai dũng mãnh sẽ thực hiện các điệu múa khiên, múa lao “vờn trâu” theo nhịp của bài nhạc chiêng mừng chiến thắng. Điệu múa khiên còn biểu tượng cho tinh thần sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ buôn làng của các chàng trai dũng cảm. Tinh thần này luôn được đề cao trong lối sống của người Tây Nguyên từ xưa cho tới nay. Ngoài ra, còn có một nghi thức quan trọng khác là rước lửa. Hội đồng già làng thực hiện nghi thức này từ bếp lửa trong nhà rông xuống tháp củi phía dưới, đốt lên ngọn lửa tượng trưng cho tinh thần chiến thắng. Lễ rước lửa còn là biểu tượng thiêng liêng truyền đời, có sức mạnh đoàn kết mọi người trong những đêm hội của cộng đồng.

Già làng Hmê (làng Klot) cho biết: “Suốt mấy chục năm qua, người Bahnar không tổ chức lễ mừng chiến thắng. Vì thế nhiều người, nhất là thế hệ trẻ không hiểu hết ý nghĩa của lễ hội này. Cảm ơn Nhà nước đã giúp người dân phục dựng nghi lễ để con cháu hiểu hơn về truyền thống văn hóa của dân tộc”.

Là thế hệ trẻ của xã Kon Gang, anh Nhoi (làng Klot) cho hay: “Đây là lần đầu tiên mình được tham gia lễ hội truyền thống này. Làng mình hàng năm đều có các lễ cúng giọt nước, cúng lúa mới… nhưng lễ mừng chiến thắng có nhiều nghi thức độc đáo hơn. Mình thấy rất tự hào vì người Bahnar có nhiều lễ hội như vậy. Thế hệ trẻ như mình cần phải học hỏi để duy trì, không để bản sắc văn hóa bị mai một”.

Mô phỏng nghi thức đâm trâu trong lễ mừng chiến thắng của người Bahnar. Ảnh: H.N

Còn theo chị Hyang (làng Dung Rơ) thì điệu xoang trong bài nhạc chiêng mừng chiến thắng nhanh và dồn dập hơn, thể hiện tinh thần phấn khởi, vui tươi của cộng đồng. “Mình đã nhiều lần biểu diễn bài nhạc trong các dịp giao lưu với các làng. Nhưng khi tham gia biểu diễn trong lễ hội này, mình thấy như được khích lệ tinh thần hơn, cảm nhận rất rõ niềm vui chiến thắng”-chị Hyang bày tỏ.

Nối dài mạch nguồn văn hóa

Trong khi mọi người đánh cồng chiêng cùng những vũ điệu mừng chiến thắng quanh cây nêu và cột trâu, phía trên nhà rông, Hội đồng già làng và những người có uy tín quây quần cùng lớp trẻ quanh bếp lửa. Họ chỉ dạy những điều hay lẽ phải trong cuộc sống cho những chủ nhân tương lai của di sản văn hóa.

Già Ayo nhắc đến những chiến công hiển hách của bok Núp, bok Wừu-hai người anh hùng của dân tộc Bahnar: “Trong lễ mừng chiến thắng hôm nay, chúng ta không quên công lao của bok Núp, bok Wừu đã có công lớn đánh đuổi giặc Pháp, giặc Mỹ để dân làng có cuộc sống no ấm. Các cháu phải noi gương những người anh hùng của dân tộc Bahnar, cố gắng học hành, không được quậy phá, đua xe hay gây gổ đánh nhau làm mất an ninh trật tự. Tất cả phải đoàn kết, cùng nhau xây dựng, bảo vệ buôn làng, để 3-5 năm 1 lần, cộng đồng lại tổ chức lễ mừng chiến thắng báo cáo với thần linh, với bok Núp, bok Wừu những thắng lợi mới” .

Điệu múa khiên độc đáo trong lễ mừng chiến thắng. Ảnh: H.N

Thạc sĩ Y Phương-Trưởng phòng Dịch vụ (Bảo tàng tỉnh) cho biết: Lễ mừng chiến thắng của người Bahnar mang giá trị văn hóa đặc trưng, độc đáo. Việc phục dựng nghi lễ cổ truyền này góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Trong nghi thức phục dựng chỉ khác so với truyền thống chi tiết nhỏ là mô phỏng nghi thức đâm trâu chứ không phải làm thật. Đây không chỉ là lễ hội vô cùng đặc sắc mà còn tạo sự cố kết cộng đồng bền chặt. Dân làng có dịp ngồi lại với nhau bên ché rượu cần, giao lưu cồng chiêng, chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi và các vấn đề trong cuộc sống.

“Qua hoạt động này, chúng tôi hy vọng những chủ nhân của di sản văn hóa có ý thức gìn giữ và tiếp tục phát huy giá trị văn hóa độc đáo này. Đồng thời, chính quyền địa phương cần quan tâm nhiều hơn nữa, tuyên truyền, định hướng để bà con nâng cao ý thức bảo vệ di sản độc đáo của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”-Thạc sĩ Y Phương nhấn mạnh.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/le-mung-chien-thang-cua-nguoi-bahnar-doc-dao-nhan-van-post277465.html