Lấy tên Tiên Sơn khi nhập xã Tiên Sơn và Tiên Cẩm ở Quảng Nam

Huyện Tiên Phước sẽ lấy tên Tiên Sơn sau khi sáp nhập 2 xã Tiên Sơn và Tiên Cẩm, bỏ phương án lấy tên Tiên Sơn Cẩm trước đó.

Ngày 21-5, ông Trầm Quế Hương, Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam), cho biết địa phương đang tiếp tục lấy ý kiến cử tri liên quan đến điểm đặt trụ sở sau sáp nhập xã Tiên Sơn và xã Tiên Cẩm.

Theo ông Hương, theo kế hoạch của tỉnh, các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã sẽ hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri trước ngày 20-5. Tuy nhiên, do còn một số ý kiến trái chiều trong cử tri nên vừa qua Sở Nội vụ đã gia hạn thêm thời gian cho huyện.

Trụ sở UBND xã Tiên Sơn - huyện Tiên Phước

Trụ sở UBND xã Tiên Sơn - huyện Tiên Phước

Ông Hương cho biết sau khi tiếp nhận ý kiến của cử tri và phân tích các yếu tố, huyện Tiên Phước đã thống nhất chọn tên gọi ĐVHC mới là Tiên Sơn sau sáp nhập xã Tiên Sơn và Tiên Cẩm.

Trước đó, theo dự thảo Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn huyện Tiên Phước giai đoạn 2023 - 2025, xã Tiên Cẩm và xã Tiên Sơn sẽ nhập lại thành xã… Tiên Sơn Cẩm.

Tuy nhiên, phần lớn cán bộ, cử tri 2 xã đều cho rằng tên gọi xã mới theo đề án là không phù hợp. Trên cơ sở phản biện, tiếp thu ý kiến cử tri, huyện đã thống nhất lấy tên xã mới là Tiên Sơn.

Theo phân tích, tên gọi xã Tiên Sơn xuất hiện cách đây 76 năm, còn tên gọi xã Tiên Cẩm xuất hiện sau, cách đây 43 năm. Xã Tiên Sơn ghi dấu ấn lịch sử sâu sắc đối với phong trào yêu nước và cách mạng của Quảng Nam.

Theo báo cáo của Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam, dự kiến sau khi sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Quảng Nam dôi dư 148 người (gồm 102 cán bộ, công chức và 46 người hoạt động không chuyên trách cấp xã).

Việc sử dụng tên xã Tiên Sơn để đặt cho đơn vị hành chính mới phù hợp với quy định "khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các ĐVHC trước khi nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp" tại Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngoài ra, sau khi sáp nhập, số người dân phải chuyển đổi giấy tờ tùy thân cũng ít hơn (dân số xã Tiên Cẩm ít hơn so với Tiên Sơn).

Ông Hương cho biết hiện nay, cử tri còn có ý kiến trái chiều về địa điểm chọn đặt trụ sở ĐVHC xã mới nên phải tiếp tục lấy ý kiến và vận động nhân dân đồng thuận.

Cụ thể, theo đề án, trụ sở ĐVHC mới sẽ đặt tại xã Tiên Cẩm hiện nay. Tuy nhiên, có ý kiến cử tri phân tích rằng nếu chọn Tiên Cẩm đặt trụ sở ĐVHC, người dân ở thôn xa nhất cách trụ sở xã đến 13 km, trong khi đặt trụ sở ở Tiên Sơn thì thôn xa nhất chỉ cách 7 km.

Theo Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, địa phương chọn trụ sở đặt ở xã Tiên Cẩm vì nằm ở vị thế thuận lợi để phát triển, đồng thời cơ sở vật chất của xã mới được đầu tư xây dựng cách đây 2 năm. Trong khi đó, trụ sở xã Tiên Sơn đã xây dựng khoảng 20 năm.

Huyện sẽ vận động, giải thích cho cử tri hiểu, trước mắt sẽ chọn trụ sở xã Tiên Cẩm để làm nơi làm việc của xã mới. Về lâu dài, huyện sẽ quy hoạch xây dựng trụ sở của đơn vị hành chính xã mới đảm bảo nằm ở vị trí trung tâm, thuận lợi cho việc đi lại giải quyết công việc của người dân.

Trần Thường

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/lay-ten-tien-son-khi-nhap-xa-tien-son-va-tien-cam-o-quang-nam-196240521065234769.htm