Lát cắt làm báo thuở thanh xuân

Ngày đó, vào cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước, vốn là học sinh cấp 2 ở thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, từ đam mê văn học tôi tìm đọc các tờ báo Thiếu niên Tiền Phong, Báo Lạng Sơn, Tạp chí Hương Hồi (Hội Văn học nghệ thuật Lạng Sơn). Tôi học hỏi, tập sáng tác rồi gửi cộng tác bài vở, tranh vẽ và may mắn sau đó được đăng…

Tác giả và nhà báo Hà Nghiên, nguyên Tổng Biên tập báo Lạng Sơn ôn lại chuyện thanh xuân làm báo

Nhớ lại những năm cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước, ngày nào tôi cũng ra Bưu điện huyện hoặc Hiệu sách Nhân dân Chi Lăng để ngóng những tờ báo mới hoặc lô sách vừa xuất bản chuyển về. Là người quen mặt lại muốn lấy lòng các cô bưu tá, vào khoảng 10 giờ sáng hằng ngày, tôi giúp họ đón chục bao tải to chứa đầy báo, tạp chí, bưu kiện, thư từ ở trong thùng xe ô tô xuống đất rồi chuyển vào phòng phát hành. Cô bưu tá trẻ trung ở Bưu điện Chi Lăng nhìn tôi cười, tay tìm cái “thẻ” ở đầu bao tải rồi cầm kéo cắt xoẹt một cái, lôi đống báo còn thơm mùi giấy ra rồi nói: “Có báo của cháu rồi nhé”….

Tôi sung sướng, hồi hộp cầm Báo Tiền Phong, Báo Thiếu niên Tiền Phong, Báo Lạng Sơn lặng lẽ ra dãy ghế góc bưu điện để đọc. Tôi lướt nhanh các trang báo tìm xem có bài của mình được đăng hay không….

Dạt dào áng thơ

Thú thực, ngày thơ bé tôi có năng khiếu, đam mê hội họa. Ở trường, tôi luôn nằm trong “Ban trang trí báo tường”, làm cổng trại cho lớp. Một hôm, đầu xuân năm 1980 tôi lên núi Kai Kinh- một ngọn núi cao sừng sững ở phố Đồng Mỏ tìm cảm hứng vẽ tranh thì bắt gặp Nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Chính (Hội viên Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam) cũng đang đi thực tế sáng tác ở Lũng Cút. Nghệ sỹ Nguyễn Chính nhìn tôi vẽ tranh phong cảnh thị trấn Đồng Mỏ một hồi rồi nhận xét: “Bức vẽ của cháu khá đẹp, đầy chất thơ”. Tôi ngây ngô hỏi lại: “Có chất thơ là như thế nào ạ?”. Người nghệ sỹ cao niên bèn giảng giải cho tôi về hình khối, màu sắc, bố cục của nghệ thuật tạo hình và cả cách làm thơ. Tôi khoái quá, đêm đó trằn trọc mãi không ngủ nổi. Tôi chong đèn, hý hoáy làm xong một bài thơ kiểu lục bát thì tiếng gà đã gáy báo sáng…

Tôi lại ra Bưu hiện huyện, tiếp tục tìm đọc những tờ báo mà tôi yêu thích. Tờ Thiếu niên Tiền Phong thì có hẳn một trang thơ, còn Báo Lạng Sơn thì thi thoảng mới có, trong đó có cả thơ trào phúng, đả kích của tác giả Búa Máy…

Một hôm, sau nhiều lần hạ quyết tâm, tôi gửi những bài thơ của mình cho Báo Lạng Sơn rồi hồi hộp mong ngóng kết quả. Sau khoảng hai tuần, chị bưu tá đưa cho tôi một bức thư có dấu đỏ “Tòa soạn báo Lạng Sơn” gửi cho. Tôi lặng lẽ cho thư vào túi quần, chạy ù về nhà. Mở thư ra thì thấy những dòng chữ mực nắn nót của chú Hà Nghiên, Thư ký Tòa soạn báo. Chú nhận xét những bài thơ tôi viết, những từ, những câu hay, ổn và những đoạn chưa đạt…Chú Hà Nghiên động viên tôi tiếp tục viết, cộng tác và gợi ý tôi cũng nên viết tin phong trào thi đua của lớp, của trường, những mẩu chuyện vui, gương người tốt việc tốt…để gửi cho Báo Lạng Sơn.

Ban đầu, tôi cảm thấy hơi buồn vì thơ chưa được đăng, nhưng đọc đi, đọc lại những dòng chữ của chú Hà Nghiên rất chân tình, sâu sắc, tạo cho tôi động lực để tiếp tục viết văn, làm thơ. Tôi được Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Nguyễn Chính gửi từ Hà Nội lên tặng cho tập thơ “Góc sân và khoảng trời”. Lão nghệ sỹ căn dặn: “Chú gửi cháu tập thơ của Trần Đăng Khoa để cháu học tập, tham khảo nhưng không được bắt chước. Cháu phải nỗ lực hàng ngày thì mới thành. Giống như con chim non muốn biết bay phải biết chuyền cành. Em bé muốn đi vững thì phải tập đi…”.

Bỗng một hôm, tôi nhận được một tờ báo cuộn dài, bì có in dòng chữ cơ quan Báo Lạng Sơn gửi và người nhận là tôi. Run run tôi lật từng trang thì ở góc cuối trang 3 có bài thơ “Là con gì” (số 141, ra ngày 20/3/1981), mà tôi đã gửi hơn một tuần trước. Tôi vui quá, chạy ù lên vườn na nhà mình, thi thoảng nhẩn nha đọc lại bài thơ… Tôi hứng khởi làm luôn mấy bài thơ và viết thêm một vài bản tin phản ánh về hoạt động của trường tôi rồi tiếp tục gửi cộng tác với báo địa phương. Lúc này, tôi tìm hiểu kỹ thì biết, Báo Lạng Sơn là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh, xuất bản 2 số/tuần. Báo có 4 trang in đen trắng, khuôn khổ 28x24cm, in typo trên giấy khá đen nhưng lượng tin bài rất phong phú. Tôi nhận được hồi âm của tòa soạn trao đổi đồng thời số lượng bài được đăng nhiều hơn ở mục "Thơ thiếu nhi".

Vào cuối năm 1981, tôi nhận được thư của Tòa soạn báo Lạng Sơn, lần này không phải hồi âm về bài vở mà tôi được mời tham dự “Hội nghị Thông tín viên- Cộng tác viên báo Lạng Sơn năm 1981”. Tôi xúc động, xin phép bố mẹ bắt xe từ thị trấn Đồng Mỏ đi thị xã Lạng Sơn. Ngày đó, xe hiếm, vất vả lắm mới len được một chỗ trên chiếc xe ô tô mang hiệu IFA. Trong xe kín người phải nhồi nhét, đứng, ngồi chung với gà, vịt cùng sọt của mấy bà đi buôn. May quá, thấy tôi còi bé nên nhà xe ưu tiên cho ngồi ngay trên nắp máy sát cạnh bác tài. Chặng đường di chuyển khoảng 36km, qua đèo Sài Hồ ngoằn ngoèo khó đi, con đường xuống cấp nên ô tô đi rất chậm, thi thoảng lại chết máy, ước tính phải 5 tiếng đồng hồ mới đến bến xe thị xã Lạng Sơn (khu vực Bảo tàng tỉnh bây giờ). Cũng may, tòa soạn báo Lạng Sơn ở ngay sát Cổng Thành, đi bộ mươi phút là tới. Khi đó, Tòa soạn báo Lạng Sơn là một dãy nhà cấp bốn, độ 5 - 6 phòng ở mạn Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh bây giờ. Chiều về, tĩnh mịch, xung quanh là những vạt cỏ, thấp thoáng những căn nhà nhỏ của các cơ quan thuộc khối Đảng như: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy…

Chú Hà Nghiên thấy tôi, đưa vào căn phòng làm việc vừa là nơi ở, ngăn cách nhau bởi tấm ri- đô mỏng tang. Chú giục tôi rửa mặt rồi bảo đi cùng lên dãy nhà dài cách đó hơn hai chục mét, giới thiệu: “Đây là nhà xe Quân đội, mình làm Hội trường tổng kết năm của báo. Cháu chờ chú treo ma két lên rồi chú cháu mình đi ăn cơm tối. Ngày mai, tổng kết cả ngày”.

Bài viết đăng trên báo Lạng Sơn ra ngày 15 và 20 tháng 8/1981

“Thông tín viên” có thẻ

Hôm “Tổng kết Thông tín viên- Cộng tác viên báo Lạng Sơn 1981”, hội trường đông kín người, phần nhiều là màu xanh áo bộ đội, công an. Bác Chu Việt Tân, Tổng Biên tập Báo Lạng Sơn đọc báo cáo tổng kết. Tôi được ưu ái ngồi ở hàng ghế đầu. Mọi người bảo, đã đọc thơ, nhớ tên mà bây giờ mới biết mặt tác giả. Trước khi đến phần các cộng tác viên tham luận, chú Hà Nghiên lên bục rồi nở nụ cười thông tin: “Hôm nay, hội nghị có một cộng tác viên nhí từ Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng. Nhân dịp tết Trung thu năm Tân Dậu, Tòa soạn đã nhận được thư, bài thơ "Trông trăng" và một số tiền của em Nguyễn Duy Chiến, học sinh lớp 7A, Trường THCS Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng theo “Kế hoạch nhỏ xây dựng báo của em” (ngày đó, mỗi bài có nhuận bút là 2-3 hào/bài). Tuy số tiền không nhiều nhưng là tấm lòng chân thật, quý trọng Báo Đảng của em, mong muốn Báo Lạng Sơn phát triển. Ban Biên tập đã họp và thống nhất gửi tặng em một chiếc cặp để em học tập, công tác”.

Tôi được mời lên trước hội trường nhận chiếc cặp giả da rất đẹp mà mặt đỏ ửng, không nói lên lời. Trước đó, Tòa soạn đã in bài thơ “Trông trăng” kèm theo bức thư ngỏ muốn đóng góp tiền nhuận bút xây dựng báo của tôi trên số 179 và 180 báo Lạng Sơn ra ngày 15 và 20/8/1981.

Năm sau (1982), tôi là công tác viên tiêu biểu, có nhiều đóng góp tin, bài, thơ và được mời dự Tổng kết năm của báo Lạng Sơn. Lần này, tôi vinh dự là một trong chục người được nhận “Thẻ Thông tín viên” báo Lạng Sơn (số 26- CN/LS ngày 12/4/1982) do chú Hà Nghiên ký (khi này, chú Hà Nghiên đã là Tổng Biên tập báo Lạng Sơn).

Mọi người chung vui với tôi. Bác Sỹ Cương (bút danh Búa Máy), cộng tác viên ruột mảng thơ trào phúng thì dúi cho tôi hai chiếc bánh rán rồi bảo: “Cháu còn nhỏ tuổi mà viết khá lắm. Ăn khỏe để sáng tác thêm nhiều bài thơ nữa nhé”.

Lúc chia tay Tòa soạn, chú Hà Nghiên thông báo với tôi: “Không phải đi xe khách nữa đi xe ô tô U- oát cùng với bác Mao Thăng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về Chi Lăng” (khi đó, Tỉnh ủy Lạng Sơn có trụ sở tạm cư ở Đồng Bành, Chi Lăng). Tôi nhớ mãi, bác Mao Thăng hỏi thăm, động viên tôi nỗ lực học tập tốt và tiếp tục cộng tác với các báo, tạp chí. Do không đi quen xe nên tôi mệt, say xe, bác Mao Thăng cho xe đỗ trước cửa nhà rồi cùng cán bộ Tỉnh ủy Lạng Sơn đưa tôi vào nhà một cách ân cần, chu đáo… Sau này, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, ưu tiên cấp cho tôi hàng tháng 14 kg gạo trong thời gian học phổ thông cho đến khi nhập trường chuyên nghiệp (khoảng từ năm 1982 đến hết năm 1984).

Đồng nghiệp thân thiết

Cuối năm 1989, tôi công tác tại Tạp chí Văn nghệ Xứ Lạng (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn). Thi thoảng thời gian rảnh là sang chơi, mang bài vở tiếp tục cộng tác với Báo Lạng Sơn. Tôi có dịp đi cơ sở, tiếp xúc với các nhân vật điển hình ở cơ sở. Trong số này, tôi đã đến gia đình ông Lý Hải Quang, sinh năm 1936, dân tộc Nùng, ở lưng chừng đồi Bản Lầy, xã Xuân Lễ, huyện Lộc Bình. Gia đình nghèo túng bởi sau khi ông Quang hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở miền Nam xuất ngũ trở về địa phương, di chứng chất độc da cam đã đeo bám gia đình ông với 4 người con trai khi sinh ra, trên thân thể đều xuất hiện những vết tím tái tròn như đồng xu ở ngực, sau đó lan rộng to như cái bát, chuyển sang màu vàng. Càng lớn, chân tay các con ông càng teo đi, người đau nhức toàn thân, hay bị hoa mắt, chóng mặt. Gia đình không có việc làm ổn định, ruộng nương ít, ông Quang phải lên khu rừng sau nhà bẫy chim, bán lấy tiền đong gạo. Sau đó, tôi viết phóng sự “Nỗi đau thời hậu thế” đăng trên báo Tiền Phong, số ra cuối tháng 11/1996, bạn đọc đón nhận và nhiều người đã gửi quà, đến tận gia đình ông Quang giúp đỡ. Nhờ vậy, gia đình cựu chiến binh này dần ổn định cuộc sống, các con ông Quang có tiền chữa bệnh, chiến thắng căn bệnh hiểm nghèo…

Một hôm, nhà báo Nguyễn Đông Bắc, khi đó là phóng viên Báo Lạng Sơn (nay là Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh) tìm đến nhà tôi, tay xách lồng chim trong đó có “con chim lửa”. Đông Bắc bảo, anh vừa đến thăm gia đình ông Lý Hải Quang và gia đình cựu chiến binh này nhờ mang con chim đến cho tôi kèm bức thư có dòng chữ: “Tôi đổi đời nhờ vào bài báo của anh. Giờ thì không phải đi rừng săn chim nữa. Tôi gửi tặng anh con chim này để tỏ lòng cảm ơn chân thành. Xin nhà báo đừng từ chối”.

Tôi thường đặt mua và đọc báo Lạng Sơn. Trong đó, khoảng tháng 8/2015, có thông tin của nhà báo Hoàng Huấn đăng tải trên Báo Lạng Sơn về trường hợp gia đình ông Phương Văn Phín, sinh năm 1950, cựu tù Phú Quốc, trú tại thôn Phạc Giàng, xã Hùng Việt, huyện Tràng Định sống trong căn lều xơ xác, cột kèo tạm bợ, đã xuống cấp. Mơ ước có một mái nhà chắc chắn để chống chọi với mưa rét miền biên ải thật khó khăn…Tôi xúc động và điện thoại cho tác giả bài báo, đồng thời đến tận nơi để bàn bạc với cấp ủy, chính quyền địa phương tìm cách giúp đỡ ông Phương Văn Phín. Sau một thời gian vận động, với sự vào cuộc của nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, ngôi nhà mới khang trang, vững chãi được hoàn thành và cả đường điện thắp sáng cũng đã đến gia đình ông cựu chiến binh này. Cuộc sống của gia đình ông Phương Văn Phín đã đổi thay nhanh chóng. Sau này, vào dịp đầu xuân, chúng tôi thường quay lại thăm gia đình và khi không có mặt Hoàng Huấn, ông Phín bèn hỏi thăm “Phóng viên Hoàng Huấn, Báo Lạng Sơn có khỏe không?. Tôi nhớ cậu ấy lắm!”…

Lát cắt về thủa thanh xuân làm báo chợt ùa về. Trong tâm trí tôi luôn thường trực một cuộn phim quay chậm thật đẹp. Và trong đó có những kỷ niệm về Báo Lạng Sơn rõ đẹp, đầy xúc cảm, không bao giờ quên !

NGUYỄN DUY CHIẾN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/lat-cat-lam-bao-thuo-thanh-xuan-5006781.html