Lão Mộc

Việc lão Mộc được mời lên thăm Điện Biên Phủ chẳng khác nào món quà bất ngờ của Thượng đế.

Chuyện lão Mộc điếc được Hội Cựu chiến binh huyện Bình Tân mời đích danh lên thăm Điện Biên Phủ loang nhanh khắp xã Bầu Tân. Mọi người bàn tán xôn xao. Ban đầu có người nghi ngờ: "Quái! Lão Mộc điếc đi bộ đội bao giờ nhỉ? Có sự lo lót không?". Sau khi biết chắc chắn lão Mộc từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, họ lại đổi giọng: "Lão điếc kín tiếng thật. Hẳn thời gian trong quân đội lão làm nhiệm vụ gì đó quan trọng nên bây giờ mới được mời chứ".

Chả cứ gì dân làng, ngay lão Mộc cũng ngạc nhiên. Lão có làm gì nên công nên trạng đâu. Đúng là lão có tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ thật. Lão vào bộ đội từ giữa năm 1953, đến cuối năm 1955 được giải ngũ. Ngày về lão được tính tròn ba năm. Cầm tờ giấy mời trên tay, lão hỏi ông Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã: "Có sự nhầm lẫn không? Xã thiếu gì người có chiến công hiển hách hơn lão chăn vịt nuôi cá vạn lần sao không cử đi?". Rồi lão kể thông thốc một loạt người. Cao thì có ông Đang Tý cấp hàm Đại tá chính ủy một lữ đoàn lúc nghỉ hưu, huân huy chương đeo kín hai bên ngực. Trung bình thì có ông Bổng Hoài vào Nam chiến đấu từ khi đường 559 mới khai sinh, bằng khen dũng sĩ diệt Mỹ, diệt xe cơ giới có cả chồng. Gần nữa thì có cựu Đại úy Quang Thi, ngược xuôi Nam Bắc bảo vệ biên cương hải đảo của Tổ quốc. Còn lão có làm gì đâu. Đi bộ đội toàn làm bạn với nồi niêu xoong chảo, củi lửa, gạo nước, rau cỏ. Ông Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã giải thích cho lão Mộc khá dài, khá kỹ lưỡng. Khổ nỗi lão Mộc bị nặng tai, hơn chín chục tuổi rồi còn gì. Thỉnh thoảng lão há mồm, nghiêng tai: "Hở... hở...". Bực mình vì phải nói đi nói lại nhiều lần, ông Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã quát to: "Đây là nhiệm vụ, là vinh dự cho xã, cho ông. Không lý do lý trấu gì hết. Để cái ao cá, với đàn vịt cho gấu mẹ trông vài ngày". Ông Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã đánh trúng tâm trạng tham công tiếc việc của lão Mộc, khiến lão ớ người ra giây lát rồi lẩm bẩm: "Ờ... ờ... Để tôi bàn với mụ gấu cái đã".

Việc lão Mộc được mời lên thăm Điện Biên Phủ chẳng khác nào món quà bất ngờ của Thượng đế trao tặng. Số là thế này. Năm nay, Nhà nước kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Để tri ân những người từng tham gia chiến dịch lịch sử ấy, Hội Cựu chiến binh huyện Bình Tân quyết định mời mỗi xã một người tiêu biểu. Ngân sách do huyện chi. Nhận được tin vui, thường vụ Hội Cựu chiến binh xã Bầu Tân chụm đầu rà soát toàn bộ hội viên của mình. Số tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ có mấy người, nhưng họ đã theo tổ tiên vãn cả rồi. Duy nhất còn ông Đình Hạ, ngoài chín chục tuổi. Tuy đầu óc ông Đình Hạ còn minh mẫn nhưng lực tàn sức kiệt, ăn còn mệt nói chi đến chuyện hành hương mấy trăm cây số. Đành chịu. Thường vụ lại chụm đầu bàn. Cái vinh dự này lớn lắm, không lẽ lại bỏ? Mãi sau ông Đình Hạ nhớ ra: "À, còn lão Mộc điếc nữa". Xin đừng trách xã. Họ còn trăm ngàn công việc phải lo cho dân. Mới lại từ ngày giải ngũ về làng lão Mộc lấy vợ sinh con, làm ăn chí thú như mọi người dân. Lão không có huân huy chương, không phải thương bệnh binh nên ngày lễ ngày Tết, ngày 27/7 không được ủy ban tặng quà. Lão chỉ làm và làm. Mọi công việc đối nội, đối ngoại, mụ "gấu mẹ", vợ lão, nắm hết. Cũng chả phải mụ "gấu mẹ" độc đoán gia trưởng đâu. Tại lão Mộc hết. Lão suy nghĩ thì nhiều nhưng không biết diễn giải ý nghĩ ấy bằng lời. Mỗi lần lão nói cứ như nhai cơm lẫn sỏi, lủng củng đầu đuôi lẫn lộn. Người nghe bò ra cười. Lão xấu hổ. Từ đấy lão không nói nữa, im như thóc trong bồ. Giờ lão chỉ sinh hoạt Hội Người cao tuổi và Hội Cựu chiến binh.

*

Ngồi trong xe ô tô lão Mộc thấy lạ lắm. Đường sá nhà cửa cây cối liền liền rộng rãi, thoáng đẹp. Hơn 70 năm trước, lão cùng đồng đội hành quân lên đây từ cuối năm 1953.

Hành quân toàn đường rừng, trên đầu máy bay Đacôta bay vè vè từng bầy. Chúng do thám hay chở quân, Mộc không cần biết. Việc của Mộc là nấu cơm thật dẻo, thật ngon. Cơm chín, Mộc nắm ra từng nắm kèm thêm chút mắm kem bọc trong lá mang ra trận địa phân phát cho anh em. Anh Lạng, đại đội trưởng dặn dò: "Đồng chí Mộc phải chú ý khói đấy! Thằng tàu bay mà phát hiện được thì chỉ có xơi bom". Điều này lão Mộc được học dưới đồng bằng rồi. Lão phục ông Hoàng Cầm lắm. Củi ướt, lửa không bắt cháy nổi thế mà quanh lão chả có tí khói nào.

Xe chầm chậm leo dốc vào khu di tích. Rừng lùi xa, núi đồi lùi xa nhường chỗ cho những căn nhà, những con đường. Nhà công sở hay nhà tư nhân? Lão Mộc so sánh với xã Bầu Tân. Thành phố có khác. Một người ngồi cạnh bảo lão: "Nghe đài báo nói dạo này nhiều quan chức san đồi bạt núi, xây biệt thự hết hàng chục tỷ". Lão gật gật đầu. Thực ra lão không để ý đến chuyện đó. Ở nhà lão chăm chỉ làm ruộng, nuôi cá, chăn vịt. Ngay chuyện bán mua ra sao cũng do một tay "gấu mẹ" làm. Vẫn người kia hỏi: "Ông biết đây là đâu không?". Những ký ức cứ chạy vút qua đầu lão. Cái gì trông cũng quen quen nhưng lão không thể nhận rõ nét. Lão lắc đầu: "Chịu. Có lẽ tôi chưa qua đây". Dẫu ngày xưa lão có qua thì bây giờ cũng không thể nhận nổi. Ông trưởng đoàn đeo cấp hàm đại tá, nói sang sảng: "Đến nơi rồi, chúng ta lên đồi A1. Mời các đồng chí xuống". Cả xe chỉ có mỗi mình lão Mộc từng chiến đấu ở đây. Còn lại như ông Toàn đánh đồi Độc Lập, ông Tình đánh đồi Bản Kéo, ông Đặng là lính phòng không...

Ba tiếng "Đồi A1" khiến lão Mộc tự nhiên ôm mặt khóc tu tu. Nước mắt nước mũi lão nhòe nhoẹt khắp mặt. Ký ức năm xưa bỗng sống dậy. Chính nơi đây, đại độicủa lão quần nhau với tụi lính lê dương hơn một tháng dưới trời mưa tầm tã cùng cái rét cắt da cắt thịt. Lão không phải lính chiến đấu. Nhưng mỗi lần mang cơm lên trận địa thấy còn thừa nắm nào là lòng dạ lão như có ai xát muối. Đại đội lão vơi đi từng đêm, có lần đi mười anh, trở về còn năm - sáu. Toàn những cậu đẹp trai giỏi giang cả. Nhớ nhất là thằng Vận, bạn thuở chăn trâu, cùng nhập ngũ một ngày với lão. Nó thật thật dũng cảm, dám xông lên đánh giáp lá cà với lũ tây to cao gấp nó mấy lần. Lão phục nó lắm. Hôm nó mất, lão không nuốt nổi miếng cơm. Tổ anh nuôi của lão ở cách trận địa chừng gần một cây số, kiêm luôn công tác tử sĩ. Mỗi lần chôn cất đồng đội xong, lão đứng rất lâu. Những nấm mồ đắp vội, những gốc cây đánh dấu vội vàng. Tất cả đều chết trẻ mới thương tâm chứ. Ngày ấy lão khóc nhiều lắm. Bây giờ, bảy mươi năm sau, nước mắt lão Mộc lại tràn ra lần nữa.

Lão Mộc đang sụt sùi nhớ tới đồng đội, bạn bè thì ông trưởng đoàn đẩy lão tiến lên vài bước: "Giới thiệu với các nhà báo, ông Nguyễn Văn Mộc là một trong số những chiến sĩ từng chiến đấu tại đồi A1 năm xưa". Lão Mộc hoảng hốt co người lại. Trước mặt lão toàn tây là tây. Lão chưa phân biệt được đâu là người Pháp, đâu là người Nga... Cứ mũi lõ, tóc quăn, mắt xanh đều là tây. Người ta xô đến phỏng vấn. Lão có biết gì chuyện chiến đấu đâu. Ông trưởng đoàn giục: "Nói đi ông Mộc. Nói để cho cả thế giới biết chiến công vĩ đại của dân tộc ta. Nói đi chứ. Nói để thế hệ trẻ hôm nay đừng bao giờ quên truyền thống cách mạng". Lão Mộc lúc này chẳng còn bụng dạ nào để nói. Lão khóc. Rồi lão nghĩ miên man: Không biết người thân đã mang hết hài cốt của các cậu hy sinh về quê chưa? Lão Mộc lại nhớ một lần mang cơm lên cho đại đội trên chốt. Gần quá, địch và ta chỉ cách nhau một tầm quăng lựu đạn. Lão hoảng khục khặc muốn ho. Thằng Vận ấn vào tay lão một mẩu gì đó vừa mềm vừa dẻo bảo: "Nuốt nhanh hết ho". Quả nhiên cơn ho xẹp xuống. Sau này lão mới biết nó đưa cho mình cục đất thó. Hôm sau, lão Mộc nói với anh Lạng: "Thủ trưởng cứ cho quân ào lên là xong, giằng co mãi sốt cả ruột". Anh Lạng nghiêm mặt bảo: "Đồng chí Mộc thế là chưa thấm nhuần phương châm của anh Văn về chủ trương đánh chắc tiến chắc. Ta cứ bao vây cứ lấn dần bằng chiến hào, thằng địch khác nào cá nằm trong chậu". Điều này thì lão nhìn thấy. Chiến hào của quân ta mỗi ngày lại dài thêm như sợi dây thòng lọng quanh cổ thằng giặc. Nhưng sao lâu thế? Mãi sau này lão mới hiểu cái chốt của thằng Vận là ngăn chặn không cho kẻ thù tràn xuống chiếm cửa đường hầm. Nơi đây bộ đội ta đang đào một đường hầm xuyên vào lòng Đồi A1, bên trên là cái hầm bằng bê tông cốt thép của địch. Lão không nhớ lắm, hình như dạo ấy tổ nuôi quân của lão đan rất nhiều quạt và chia thuốc nổ thành từng gói, rồi buộc chặt chuyển dần vào đường hầm. Trước Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng một ngày, chập tối lão và đại đội được lệnh rút khỏi Đồi A1. Lão buồn. Mất bao nhiêu thời gian đào hầm giữ đất bây giờ lại rút nhưng lão không dám hỏi. Anh Lạng còn bắt mọi người ngồi trong hầm quay lưng lại Đồi A1, nhắm mắt, há mồm. Tiếng anh Lạng thì thầm: "Ngồi như thế này để tránh sóng xung kích và ánh chớp của khối thuốc nổ ngàn cân". Lão Mộc không phải chờ lâu, ba chục phút sau một tiếng nổ lớn trầm đục vang lên từ trong lòng đất...

Hôm sau, lão Mộc mang cơm ra trận địa. Đồi A1 hoàn toàn đổi khác như vừa có trận tạo sơn khủng khiếp. Chiếc lô cốt lộ thiên bay đâu mất. Cái hầm ngầm chồi lên nghiêng như sắp lăn xuống chân đồi. Lá cờ "Quyết Chiến, Quyết Thắng" lỗ chỗ vết đạn, khét mùi thuốc súng tung bay trên nóc hầm. Cửa hầm ngầm mở toang, lão Mộc xộc vào. Mùi tanh của máu, mùi thịt người bị cháy khiến lão suýt nôn ọe. Trên sàn hầm lính Pháp kẻ chết, người bị thương nằm chồng lên nhau. Đội cứu thương của ta đang vất vả băng bó cho những tên lính bị thương. Lão văng tục: "Bắn mẹ nó hết quân xâm lược đi, cứu làm gì cho tốn thuốc". Lập tức lão bị chỉnh ngay: "Đồng chí anh nuôi quên lời Bác Hồ dạy rồi à? Bác dạy: Hãy cứu chữa và săn sóc họ. Vì họ là người thua trận".

Thấy lão Mộc đứng ôm mặt khóc, một phóng viên người nước ngoài ôn tồn: "Xin ông bớt xúc động, có sao nói vậy". Người phiên dịch nói lão nghe. "Hở... hở... Tôi chỉ mang cơm lên trận địa cho anh em. Sau đó lại về nấu tiếp". "Vậy các ông nấu nướng ra sao? Che khói bằng cách nào để máy bay Pháp không thể phát hiện?". Tưởng chuyện gì chứ chuyện nấu nướng thì lão quá quen. Nghề của lão mà. Vào bộ đội lão nấu cơm. Giải ngũ về nhà lấy vợ, lão vẫn nấu cơm. Bây giờ ra lều trông cá trông vịt, lão càng phải nấu cơm. Dễ ợt. Nghe lão kể chuyện, các phóng viên ghi lấy ghi để.

Vừa bước chân vào nhà, lão Mộc tháo vội cái ba lô khỏi vai rồi lăn ra giường nằm duỗi thẳng cẳng. Không chờ vợ con hỏi han, lão nói: "Mệt hơn ba năm đi đánh giặc". Than thở cho ra vẻ thôi, chứ lão Mộc cầu Trời khấn Phật phù hộ lão được mạnh chân khỏe tay, chăn nuôi khấm khá, sang năm đi chuyến nữa. Lần sau lão sẽ ở nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên lâu hơn...

Truyện ngắn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/lao-moc-381003.html