Làng Việt truyền thống trong tiến trình lịch sử

Đây là một nội dung được thảo luận tại hội thảo 'Nông thôn Việt Nam - truyền thống và hiện đại', do Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử tổ chức ngày 24.11.

Theo PGS.TS. Nguyễn Minh Tường, Viện Sử học, từ thời Hùng Vương, người Việt đã sống với nhau thành xóm làng, gắn bó, ràng buộc với nhau bởi quan hệ huyết thống và quan hệ láng giềng, cùng nhau làm ăn, đánh giặc và bảo vệ xóm làng.

“Làng Việt từ nghìn năm đã có cấu trúc khá khép kín, hầu hết được bảo vệ bằng những lũy tre dầy, kết chặt tựa như bức tường thành. Thời chiến, làng Việt hóa thân thành “làng chiến đấu”. Các nhà nghiên cứu quân sự cho rằng, trong lịch sử giữ nước của dân tộc, làng chiến đấu là hình thức đấu tranh chống xâm lược phổ biến và có truyền thống. Đây là một trong những tổ chức quân sự của nhân dân ta tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân. Làng Việt cũng là nơi phát triển kinh tế nông, công, thương và làm thủy lợi; nơi bảo tồn và phát triển nền văn hóa truyền thống”, PGS.TS Nguyễn Minh Tường nhấn mạnh.

Toàn cảnh hội thảo

Theo nhiều nghiên cứu thực tế tại các làng Việt truyền thống như làng quê xứ Thanh, Hoằng Lộc, Hoằng Hóa (Thanh Hóa); các làng tả Thanh Oai, Đông Ngạc, Phú Thị, Hạ Yên Quyết (Thăng Long); các làng gốm cổ vùng Kinh Bắc, nơi đây đều có nét văn hóa chung về vật chất và tinh thần, chịu ảnh hưởng của các hệ tư tưởng khác nhau như Nho, Phật, Đạo… với những công trình văn hóa biểu hiện cho các hệ tư tưởng ấy là đình, đền, chùa, miếu…

Các nghiên cứu cũng cho thấy sự biến đổi về phong tục tập quán ở các làng xã đồng bằng Bắc bộ, khu vực Nam bộ, về cưới hỏi, tang ma, khao vọng, khao lão, việc mua bán danh vị, việc kính biếu, thuần phong mĩ tục.

Những năm gần đây, ở làng xã trên các vùng miền đã xây dựng được quy ước mới cho thôn, làng và đã có sự kế thừa một số mặt tích cực trong hương ước như tổ chức đám cưới theo đời sống mới, đãi tiệc trong giới hạn thân mật; đám ma có cơi trầu, ấm chè cho người đến viếng; khao vọng tổ chức đơn giản với việc sửa lễ, cáo yết thành hoàng ở đình…

Đại biểu thảo luận về hành chính nông thôn Nam kỳ và những vấn đề đặt ra trong xây dựng nông thôn mới

Các nghiên cứu phong tục tập quán ở làng xã đồng bằng Bắc bộ là việc làm cần thiết nhằm kế thừa những mặt tích cực và tránh những mặt hạn chế trong việc xây dựng Quy ước mới ở nông thôn hiện nay.

Hội thảo “Nông thôn Việt Nam - truyền thống và hiện đại” với 38 tham luận bao quát về nông thôn xuyên suốt các thời kỳ lịch sử Việt Nam, từ Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, Lịch sử Việt Nam cận đại đến Lịch sử Việt Nam hiện đại.

Xoay quanh chủ đề nông thôn 3 miền Bắc - Trung - Nam, hội thảo đề cập đến những đặc trưng truyền thống, thách thức đối với truyền thống và chuyển biến ở nông thôn trong nhiều thời điểm lịch sử khác nhau, gồm: Sự hình thành làng xã - tổ chức xã hội và tổ chức quản lý xã thôn; chính sách của Nhà nước đối với nông thôn; tổ chức sản xuất và đặc trưng kinh tế nông thôn; tổ chức an ninh và vai trò của xã thôn trong bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Hội thảo nhằm làm rõ tính truyền thống và duy trì truyền thống trong quản lý xã hội, mô hình sản xuất kinh tế, giáo dục, phong tục tập quán, tổ chức an ninh - quốc phòng... ở nông thôn Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử; nhận diện tính hiện đại trong tổ chức quản lý, hoạt động kinh tế, giáo dục, văn hóa ở nông thôn Việt Nam; từ việc nhìn nhận tính truyền thống và hiện đại, làm rõ chuyển biến có tính quy luật và đóng góp của khu vực nông thôn và người nông dân với sự phát triển của đất nước trong toàn bộ tiến trình lịch sử.

H.Sen

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/lang-viet-truyen-thong-trong-tien-trinh-lich-su-i351522/