Lăng kính văn hóa: 'Trả ơn' nhà tài trợ

Qua nhiều mùa trao giải thưởng văn học nghệ thuật (VHNT), đôi khi xuất hiện một số doanh nhân, đại gia dự thi và đoạt giải. Bất cứ ai cũng có quyền sáng tạo VHNT và nếu tác phẩm thực sự giá trị, việc vinh danh là lẽ thường tình.

Tuy nhiên, điều mà dư luận băn khoăn là một số doanh nhân thường xuyên tài trợ hoạt động cho đơn vị đứng ra xét và trao giải, cụ thể là các hội VHNT, nay lại đoạt giải thì việc chấm, xét giải liệu rằng có thực sự công bằng, minh bạch? Đành rằng, không có quy chế nào ngăn cản doanh nhân tài trợ cho hội VHNT không được gửi tác phẩm dự thi.

Việc doanh nhân, doanh nghiệp tài trợ cho văn học nghệ thuật là điều đáng hoan nghênh, là nét đẹp văn hóa phổ biến trên thế giới. Ảnh minh họa: nhandan.vn

Thực tế, không ai liều lĩnh đến mức bỏ phiếu cho tác phẩm kém chất lượng đoạt giải. Điều phức tạp là số ít doanh nhân cũng biết sáng tác “sạch nước cản”. Nhưng từ mức sáng tác “đọc được” đến việc xứng đáng được trao giải thưởng là khoảng cách diệu vợi.

Việc doanh nhân, doanh nghiệp tài trợ cho VHNT là điều đáng hoan nghênh, là nét đẹp văn hóa phổ biến trên thế giới, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Mô hình tài trợ cho giải thưởng VHNT ở nước ngoài thường thông qua quỹ tín thác, các đại gia chỉ rót tiền, không dự thi để bảo toàn uy tín và danh dự; còn hội đồng chuyên môn, hội đồng quản lý quỹ toàn quyền quyết định xét, chọn tác phẩm xứng đáng trao giải. Ở nhiều quốc gia, tài trợ cho giải thưởng VHNT được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, đặc biệt liên quan đến thuế. Học tập kinh nghiệm quốc tế, ngoài việc vinh danh nhà tài trợ, chúng ta cần có chính sách ưu đãi để thu hút ngày càng nhiều nhà tài trợ cho VHNT.

Doanh nhân làm ra tiền, thành đạt trên con đường kinh doanh đã là khó và xứng đáng được xã hội ghi nhận, tôn vinh; thế nhưng, nếu ai đó suy nghĩ dùng tiền để mua danh thì có khi lại tự hại mình và bị người đời chê cười.

Về phía các hội VHNT, giữ gìn danh dự, uy tín của hội thông qua trao giải cho tác phẩm có chất lượng nổi trội là điều rất quan trọng. Nếu lạm quyền, xem giải thưởng là sự "trả ơn", có đi có lại với mục đích phi nghệ thuật thì khác nào "bán danh ba đồng". Khi đã mất uy tín, bản thân các hội rất khó kêu gọi, tập hợp, đoàn kết hội viên, từ đó mất đi vị thế, tầm ảnh hưởng trong xã hội.

HÀM ĐAN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/lang-kinh-van-hoa-tra-on-nha-tai-tro-762976