Lăng kính văn hóa: Sống xanh

Gần một năm trước, em Nguyễn Tiến Huy (sinh năm 1995, tại xã Tân Phong, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) bất ngờ bỏ công việc văn phòng với mức lương khá để thành lập nhóm 'Hà Nội xanh'. Khởi đầu với 3 thành viên, đến nay nhóm thu hút hơn 300 tình nguyện viên tham gia dọn dẹp gần 200 'điểm đen' về ô nhiễm môi trường tại Hà Nội. Dù cuộc sống chưa dư dả nhưng Tiến Huy vẫn dùng tiền tiết kiệm của bản thân để làm quỹ nhóm. Thật mừng, việc làm vì cộng đồng tương tự như Tiến Huy không phải hiếm.

Thời gian qua, trên mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng lan tỏa nhiều video, hình ảnh và bài viết xúc động, tự hào về “thử thách dọn rác”, “biến rác thành tiền”, “quỹ ve chai tiếp sức học sinh đến trường”; cùng các nhóm “Hà Nội xanh”, “Sài Gòn xanh”, “Bình Dương xanh”, “Cộng đồng Việt Nam xanh”... Nhân vật chính trong các hoạt động này là những người trẻ. Các em từng bị dè bỉu là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, không nhận bất cứ đồng thù lao nào nhưng sẵn sàng ngâm mình dưới những dòng kênh đen ngòm, chịu đủ mùi hôi thối của rác thải để dọn dẹp môi trường, lan tỏa trách nhiệm và khát vọng sống xanh.

 Nhóm "Hà Nội Xanh" thực hiện dọn vệ sinh tại một khúc sông Nhuệ. Ảnh: congthuong.vn

Nhóm "Hà Nội Xanh" thực hiện dọn vệ sinh tại một khúc sông Nhuệ. Ảnh: congthuong.vn

Khói bụi, ô nhiễm môi trường là vấn đề nóng tại nhiều quốc gia. Trong bối cảnh nguồn lực dành cho các hoạt động bảo vệ môi trường của nước ta vẫn còn hạn chế, việc làm ý nghĩa, vì lợi ích chung của những bạn trẻ kể trên xứng đáng được tôn vinh, nhân rộng.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân, đặc biệt là giới trẻ thờ ơ, vô cảm với vấn đề bảo vệ môi trường. Hình ảnh sau mỗi lễ hội, chương trình âm nhạc, các sự kiện thể thao, vui chơi giải trí... là những bãi rác do người xem tiện tay vứt không phải là hiếm. Tình trạng xả rác bừa bãi tại các khu du lịch hay trên đường phố, sông ngòi đang trở nên báo động ở nhiều địa phương.

Bên cạnh các hoạt động bảo vệ môi trường sống, chúng ta ghi nhận nhiều tấm gương thanh niên không ngại xông pha vào những nơi gian khó để giúp đỡ đồng bào; xung kích bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đóng góp nhiều sáng kiến hay, phù hợp với thực tiễn của nước nhà; tham gia các chương trình quốc gia về nước sạch, xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm, vệ sinh môi trường. Thế nhưng, hiện nay xã hội đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về một bộ phận giới trẻ sống ỷ lại, phụ thuộc vào gia đình, thiếu mục tiêu và lý tưởng phấn đấu; trốn tránh, đùn đẩy trách nhiệm khi có công việc tập thể; ngại khó khăn, sa vào những cám dỗ của xã hội...

Sống xanh không những là bảo vệ môi trường, sinh hoạt lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội mà mỗi cá nhân cần sống có trách nhiệm với người thân, gia đình, cộng đồng; đề cao những giá trị chuẩn mực của xã hội, biết quan tâm và vun đắp tới sự phát triển của quê hương, đất nước. Sống xanh là sẵn sàng "làm gì cho Tổ quốc hôm nay" bằng những công việc có ích cho tập thể, cộng đồng... tùy theo sức của mình.

Với tư cách là những chủ nhân tương lai của nước nhà, mỗi thanh niên cần có trách nhiệm tham gia bảo vệ môi trường sinh thái trong sạch, bởi làm tốt công việc này cũng là bảo vệ tương lai cho chính bản thân mình.

HỮU TRƯỞNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/lang-kinh-van-hoa-song-xanh-751927