Làm sao hạ giá vé máy bay?

Để giảm giá vé máy bay về mức hợp lý, đầu tiên cần có các chính sách hỗ trợ giảm thuế, phí trong điều hành, khai thác tại các sân bay, tăng năng lực điều hành khai thác tại các cảng hàng không. Từ đó giảm thời gian quay đầu của các chuyến bay, tăng tần suất, tăng năng lực vận hành khai thác, giảm giá dịch vụ các khung giờ bay đêm.

Gánh nặng chi phí

Phát biểu tại hội thảo “Hạ nhiệt giá vé máy bay được không?”, do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 17/5, ông Trương Việt Cường - Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways - thừa nhận, giá vé máy bay có tăng nhưng so với giá trần mà Chính phủ quy định thì không hề vượt, thậm chí còn dưới mức giá trần rất nhiều.

Về nguyên nhân tăng, ông Cường thông tin, đầu tiên là chi phí thuê máy bay tăng. Chi phí này chiếm từ 55-60% tổng chi phí cấu thành giá vé tùy từng giai đoạn và tùy hãng hàng không.

Chi phí thuê máy bay tăng là một trong những nguyên nhân khiến vé máy bay tăng mạnh.

Chi phí thuê máy bay tăng là một trong những nguyên nhân khiến vé máy bay tăng mạnh.

Nhóm thứ 2 là chi phí theo quy định của Nhà nước, gồm thuế phí và các loại chi phí cho chuyến bay, cả thuế nhập khẩu xăng dầu, thuế VAT...

“Tiếp đó là chi phí bảo dưỡng tàu bay, chi phí lao động. Chúng tôi đang phải giảm đến 70% quỹ lương dành cho nhân viên, cán bộ. Cho dù các hãng hàng không có giảm lương, hay không trả lương thì cũng không giải quyết được vấn đề”, ông Cường nói.

Nói về việc giá vé bị đẩy lên cao, ông Nguyễn Bác Toán - Phó Tổng Giám đốc thương mại Vietjet - cho rằng có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là do tình trạng thiếu tàu bay và linh kiện thay thế do chuỗi cung ứng bị đứt gãy sau dịch COVID-19.

Thứ 2 là chi phí nhiên liệu chiếm 40-50% chi phí vận hành của các hãng. Bên cạnh đó, áp lực thay thế nhiên liệu thân thiện môi trường, khi đến năm 2025 các hãng phải thực hiện theo các chỉ số thế giới về zero carbon, buộc các hãng phải thay đổi, làm chi phí tăng.

Thứ 3, các biến động trên chính trị của các khu vực trên thế giới tạo áp lực lên các hãng hàng không khi mà khu vực chúng ta có đến 85% chi phí sử dụng ngoại tệ. Thứ 4 là nhân lực chất lượng cao cho ngành hàng không sụt giảm và cuối cùng là nhu cầu của khách hàng, chi tiêu cho ngành hàng không giảm.

Hạ giá kiểu nào?

Theo Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways Trương Việt Cường, quan trọng nhất để giảm giá vé là cần có mức giá trần linh hoạt theo chi phí xăng dầu, giá cấu thành đầu vào chứ không nên cứng nhắc. Quy định giá trần hiện nay không phụ thuộc vào giá dầu, giá máy bay như thế nào thì còn bất cập.

“Trước đây là Chính phủ đã có chính sách giảm 50% phí điều hành bay, chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội có điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu xăng dầu để hỗ trợ các hãng trong giai đoạn khó khăn hiện nay”, ông Cường nói.

Để giảm giá vé về mức hợp lý, đầu tiên cần có các chính sách hỗ trợ giảm thuế, phí trong điều hành, khai thác tại các sân bay.

Để giảm giá vé về mức hợp lý, đầu tiên cần có các chính sách hỗ trợ giảm thuế, phí trong điều hành, khai thác tại các sân bay.

Khẳng định các hãng hàng không luôn mong muốn đem đến giá vé tốt nhất cho khách hàng nhưng ông Nguyễn Bác Toán - Phó Tổng Giám đốc thương mại Vietjet - thông tin, trong lịch sử ngành hàng không Việt Nam chưa bao giờ lại sụt giảm chi tiêu mạnh như hiện nay.

Vì vậy, để giảm giá vé về mức hợp lý, đầu tiên cần có các chính sách hỗ trợ giảm thuế, phí trong điều hành, khai thác tại các sân bay, tăng năng lực điều hành khai thác tại các cảng hàng không. Từ đó giảm thời gian quay đầu của các chuyến bay, tăng tần suất, tăng năng lực vận hành khai thác, giảm giá dịch vụ các khung giờ bay đêm để tăng cường các chuyến bay đêm phục vụ hành khách.

Những chi phí hàng không

Ông Nguyễn Cao Cường - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (ACV) - chia sẻ, dịch vụ hạ cất cánh thu 3 triệu đồng/chuyến bay khứ hồi. Chia bình quân cho đầu người (với chuyến bay khai thác khoảng 80% công suất) thì có giá 20.000 - 21.000 đồng/khách.

Nhóm thứ hai là giá dịch vụ hành khách và đảm bảo an ninh hành khách. Trong đó phí an ninh từ 20.000 - 21.000 đồng/khách; phí dịch vụ mặt đất từ 60.000 - 90.000 đồng, tùy thuộc nhóm sân bay (A, B hay C) và chia trung bình thì cũng từ 20.000 - 21.000 đồng/khách.

Thứ ba là dịch vụ cảng, thuê tại quầy thủ tục, ống lồng, băng chuyền... thu theo khung giá quy định, tất cả cộng lại chưa được 5.000 đồng/khách. Cuối cùng là nhóm dịch vụ kỹ thuật mặt đất. Số tiền thu từ dịch vụ này chia đều cho hành khách đi máy bay trên tàu bay A320/321 là khoảng 30.000 đồng/hành khách.

Tổng 4 nhóm giá dịch vụ này, ACV đang thu khoảng 118.000 - 120.000 đồng, cộng thêm khoản thu hộ nhà nước thì cũng chưa tới 150.000 đồng/khách. Mức thu này không tăng từ năm 2019 đến nay.

Hội thảo “Hạ nhiệt giá vé máy bay được không?”

Hội thảo “Hạ nhiệt giá vé máy bay được không?”

Bà Lê Thị Tuyết Nhung - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính - cũng khẳng định, thuế, phí tính trên vé máy bay có nhiều khoản nhưng đều được quy định rõ ràng. Thứ nhất, đầu vào của giá vé có nhiên liệu với 2 khoản thu, gồm thuế bảo vệ môi trường với mức giá sàn 1.000 đồng/lít và thuế nhập khẩu nhiên liệu bay.

Khoản thứ ba cấu thành trong giá vé máy bay mà người tiêu dùng phải trả là thuế giá trị gia tăng, hiện còn 8%. Khoản thứ 4 là phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, theo quy định là 165.000 đồng/lượt/chuyến bay đối với dịch vụ đảm bảo hoạt động bay; 335.000 đồng/lượt dịch vụ kinh doanh cảng hàng không đối với mỗi chuyến bay.

“Trước kiến nghị giảm thuế suất của các hãng hàng không, chúng tôi ghi nhận tổng hợp và báo cáo với Bộ trưởng Bộ Tài chính để rà soát tất cả các loại phí, lệ phí, cũng như các kiến nghị của các đơn vị để làm thế nào chúng ta có thể góp phần hạ nhiệt giá vé máy bay”, bà Nhung nói.

Duy Quang

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/lam-sao-ha-gia-ve-may-bay-post1637995.tpo