Làm rõ mối quan hệ giữa đô thị hóa và phát triển kinh tế đô thị

Sáng 22/4, tại Phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Dự án Luật này sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

Thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao sự chuẩn bị, công phu Dự án Luật; báo cáo thẩm tra sơ bộ đề cập nhiều vấn đề tạo cơ sở tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật.

Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ thống nhất với cách tiếp cận của Dự án Luật này khi kế thừa Luật Quy hoạch đô thị 2009 và phần quy hoạch nông thôn trong Luật Xây dựng 2014; cụ thể hóa một số nội dung của Luật Quy hoạch. Cùng với đó bổ sung một số vấn đề mới đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị và nông thôn thời gian tới; tháo gỡ vướng mắc khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện các luật; đảm bảo đồng bộ và thống nhất pháp luật về quy hoạch.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát cụ thể hóa hơn quan điểm, nguyên tắc trong các văn kiện của Đảng đã nêu, để làm rõ, giải quyết mối quan hệ giữa đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới; mối quan hệ giữa đô thị hóa và phát triển kinh tế đô thị. Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu chỉ nói đô thị mà không nói kinh tế đô thị thì rất khó cho quản lý, phát triển đô thị bền vững. Do đó cần phân định rõ phần nào nằm trong luật này, phần nào trong Dự án Luật quản lý phát triển đô thị (đang được nghiên cứu xây dựng), cần rà soát làm rõ hơn.

Đồng thời, làm rõ mối quan hệ quy hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu; tiêu chí tiêu chuẩn quy hoạch đô thị gắn với mật độ dân số và kết cấu hạ tầng để tính toán cân bằng phát triển đô thị theo chiều rộng và phát triển đô thị theo mô hình TOD; tiêu chí thiết yếu trong quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn…

Dẫn chứng một số thực tiễn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị xem xét về việc điều chỉnh quy hoạch trong trường hợp quy hoạch không phù hợp với thực tế. Trong đó, một vướng mắc trong thực tiễn nếu đưa vào điều chỉnh trong luật này sẽ giải quyết được rất nhiều việc là về khảo sát thực tế để thực hiện quy hoạch. “Nguyên tắc quy hoạch là phải đi khảo sát thực tế, nhưng đôi khi không đủ điều kiện làm đến nơi đến chốn. Có vùng dân ở rất lâu rồi nhưng khảo sát không kỹ, khi quy hoạch lại “bôi” vào đó là “vùng xanh”, nhưng bây giờ không ai đứng ra để sửa. Quy hoạch thế là không phù hợp thực tế. Nên chăng phải xem xét điều chỉnh quy hoạch trong trường hợp như thế thì phải cho phép để đúng với hiện trạng thực tế” – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Cùng với đó, đề nghị rà soát để bảo đảm đồng bộ hệ thống pháp luật luật này với các luật liên quan, trong đó có dự án Luật Quản lý phát triển đô thị, cũng như các luật hiện hành như Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Lâm nghiệp, Luật PPP, Luật Bảo vệ môi trường…

Cho ý kiến vào Dự án Luật, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững,

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, đây là Dự án Luật quan trọng, bên cạnh Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, sẽ góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý đất đai, phát triển cơ sở hạ tầng.

Đi vào các vấn đề cụ thể, Tổng Thư ký Quốc hội tán thành việc huy động các nguồn lực hỗ trợ để nâng cao chất lượng lập quy hoạch, tuy nhiên, việc huy động và sử dụng phải chặt chẽ, tránh thông qua hỗ trợ lại tác động chính sách, cài cắm "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ. Đồng thời, quy định cụ thể hơn về công bố công khai, minh bạch thông tin tổ chức, cá nhân hỗ trợ, cơ quan, đơn vị tiếp nhận nguồn lực hỗ trợ và việc sử dụng nguồn lực.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Góp ý về nội dung quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, các vấn đề hạ tầng kỹ thuật như liên quan đến giao thông, cấp thoát nước, chất thải rắn, rác thải sinh hoạt…; các vấn đề xã hội như y tế, giáo dục, cây xanh, mặt nước… là những nội dung bức xúc trong quá trình giám sát. Do đó, cần xem xét có quy định nào cụ thể hơn về nội dung này không, căn cứ như thế nào để biết là “quá tải”? và đề nghị bổ sung quy định về nội dung này.

Phát biểu kết luận nội dung họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, để đảm bảo chất lượng Dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu những ý kiến, bổ sung đầy đủ các hồ sơ chi tiết còn thiếu, đánh giá tác động đầy đủ các chính sách mới so với luật hiện hành, giải trình rõ, cụ thể hơn việc thay đổi tên gọi của luật. Tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ hơn các chủ trương của Đảng về quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển bền vững đô thị Việt Nam, xây dựng hoàn thiện quy hoạch đô thị và nông thôn đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, lâu dài, đảm bảo hài hòa phát triển kinh tế với các yếu tố văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, gắn kết không gian đô thị và nông thôn, hỗ trợ sự phát triển của các vùng trên cả nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ Dự án Luật. Ủy ban Kinh tế thẩm tra chính thức trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Nguyễn Vũ

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lam-ro-moi-quan-he-giua-do-thi-hoa-va-phat-trien-kinh-te-do-thi.html