Lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt, Fed thêm tự tin cắt giảm lãi suất

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ giảm nhẹ trong tháng 4 củng cố niềm tin của thị trường vào đợt cắt giảm lãi suất sắp tới của Fed.

Hôm thứ Tư, Cục Thống kê Lao động, thuộc Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng, thước đo phổ biến đối với chí phí hàng hóa và dịch vụ, đã tăng 0,3% so với tháng 3, thấp hơn so với mức 0,4% theo ước tính của Dow Jones và các nhà kinh tế quan sát.

So với cùng kỳ năm trước, chỉ số này đã tăng 3,4%, đúng như kỳ vọng.

CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, cũng tăng 0,3% so với tháng 3, mức tăng thấp nhất trong 4 tháng. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số này tăng 3,6% trong tháng 4, giảm từ mức tăng 3,8% trong tháng 3 và cũng là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 4/2021. Tuy vậy, cả hai chỉ số này vẫn cao hơn nhiều so với mức lạm phát mục tiêu 2% của Fed.

Chủ tịch Fed Jerome Powell trong cuộc họp báo ngày 1/5. Ảnh: CNBC

Chủ tịch Fed Jerome Powell trong cuộc họp báo ngày 1/5. Ảnh: CNBC

Sau khi chỉ số CPI được công bố, thị trường đã phản ứng tích cực, với việc hợp đồng tương lai gắn cùng các chỉ số chứng khoản lớn tăng và lãi suất trái phiếu kho bạc giảm. Các nhà giao dịch hợp đồng tương lai kỳ vọng vào việc Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9.

Dữ liệu kinh tế cũng cho thấy giá bán lẻ không thay đổi trong tháng 4, trong khi dự báo tăng 0,4%. Điều này cho thấy người tiêu dùng không theo kịp với tốc độ tăng giá.

Giá cả trong tháng 4 tăng chủ yếu là do giá nhà ở và năng lượng tăng. Chi phí nhà ở - vốn là vấn đề khiến các quan chức Cục Dự trữ liên bang (Fed) đặc biệt quan ngại – đã tăng 0,4% so với tháng 3 và tăng 5,5% so với năm trước. Cả hai đều đang ở mức cao “khó chịu” đối với Fed khi cơ quan này đang nỗ lực kéo lạm phát tổng thể xuống mức 2%. Trong khi đó, giá năng lượng đã tăng 1,1% so với tháng 3 và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Còn giá thực phẩm không đổi so với tháng 3 và tăng 2,2% so với tháng 4/2023. Giá xe đã qua sử dụng và xe mới, một trong những nguyên nhân dẫn đến lạm phát tăng cao, lần lượt chứng kiến mức giảm 1,4% và 0,4% so với tháng 3.

Một lĩnh vực có mức tăng đáng chú ý so với tháng 3 gồm: may mặc (tăng 1,2%), dịch vụ vận tải (tăng 0,9%) và dịch vụ chăm sóc y tế (tăng 0,4%). Riêng dịch vụ vận tải đã chứng kiến mức tăng 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lạm phát hạ nhiệt trong tháng 4 có thể mang lại cú hích cho Fed và thúc đẩy cơ quan này duy trì quan điểm lãi suất nới lỏng trong cuộc họp tới đây.

Các quan chức Fed gần đây phát đi tín hiệu rằng lạm phát dai dẳng buộc ngân hàng trung ương phải tiếp tục trì hoãn cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Trong bài phát biểu hôm thứ Ba, Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận số liệu lạm phát hồi đầu năm 2024 cao hơn dự kiến, tiết lộ khả năng Fed sẽ duy trì mức lãi suất từ 5,25% -5,5% hiện tại lâu hơn dự kiến.

Thị trường tài chính dự đoán rằng Fed sẽ phải chờ đợi dữ liệu lạm phát tích cực trước khi thực hiện đợt cắt giảm đầu tiên và thời điểm dự đoán là vào tháng 9 năm nay.

Dan North, nhà kinh tế cấp cao tại Allianz Trade North America cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng thời điểm sớm nhất mà Fed đưa ra động thái cắt giảm là vào tháng 9. Họ sẽ không vội cắt giảm lãi suất khi chưa chắc rằng lạm phát đang đến mức gần 2%.

Fed đã tăng lãi suất 11 lần trong quãng thời gian từ tháng 3/2022 đến tháng 7/2023 nhằm kiềm chế lạm phát. Các nhà hoạch định chính sách cho rằng lạm phát sẽ giảm bớt khi những thách thức liên quan đến chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 gây ra giảm dần, tuy nhiên nhu cầu tăng mạnh do chính sách kích thích tài chính và tiền tệ đã khiến áp lực giá tăng cao.

Tùng Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lam-phat-tai-my-ha-nhiet-fed-them-tu-tin-cat-giam-lai-suat.html