Lạm phát của Mỹ tăng tốc do giá xăng

Giá xăng đắt hơn đẩy lạm phát của Mỹ tăng nhanh trong tháng 8, đảo ngược so với xướng hướng dịu lại trong những tháng gần đây. Điều này có thể khuyến khích Cục Dự trữ liên bang (Fed) xem xét tăng lãi suất vào cuối năm nay.

Giá xăng tăng nhanh trong tháng 8 đã thúc đẩy lạm phát của Mỹ. Ảnh: Market Watch

Giá xăng tăng nhanh trong tháng 8 đã thúc đẩy lạm phát của Mỹ. Ảnh: Market Watch

Trong báo cáo hôm 13-9, Bộ Lao động Mỹ cho biết, trong tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo giá hàng hóa và dịch vụ trên toàn nền kinh tế Mỹ, tăng 0,6% so với tháng trước do giá xăng tăng nhanh. Đây là mức tăng CPI hàng tháng lớn nhất trong năm 2023.

Tính trên cơ sở hàng năm, CPI của Mỹ tăng 3,7% trong tháng 8 so với mức 3,2% trong tháng 7.

Tuy nhiên, CPI cốt lõi, không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động, tăng 4,3% trong tháng 8, giảm so với mức 4,7% của tháng trước.

Báo cáo CPI sẽ được theo dõi chặt chẽ vì được công bố một tuần trước cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày của Fed. Các quan chức Fed được dự báo sẽ giữ nguyên lãi suất nhưng sẽ tranh luận liệu có cần tăng chi phí vay vào tháng 11 hoặc tháng 12 để chống lạm phát hay không.

Theo Stephen Juneau, chuyên gia kinh tế cấp cao của Bank of America, đà tăng giá chậm lại ở một số hạng mục hàng hóa vào đầu mùa hè này là dấu hiệu cho thấy Fed đã đạt được tiến bộ trong việc nỗ lực hạ nhiệt lạm phát. Tuy nhiên, ông cho rằng, Fed giống như “một đội bóng bầu dục cố gắng ghi điểm sau một nỗ lực kéo dài”.

“Bạn vẫn phải băng qua vùng cấm địa và đôi khi, đó có thể là điều khó thực hiện nhất”, ông nói

Các quan chức Fed sẽ theo dõi chặt chẽ lạm phát cốt lõi để xem liệu áp lực giá cơ bản có tiếp tục hạ nhiệt hay không. Tốc độ tăng lạm phát cốt lõi của Mỹ trong 12 tháng đã giảm xuống dưới 5% vào đầu mùa hè này từ mức cao gần đây là 6,6% vào tháng 9-2022. Các số liệu trong vài tháng qua cho thấy lạm phát cốt lõi thậm chí còn giảm rõ rệt hơn. Các nhà kinh tế xem lạm phát cốt lõi là một yếu tố dự báo tốt hơn về lạm phát trong tương lai so với CPI tổng thể.

Một câu hỏi quan trọng là liệu áp lực giả cả suy giảm từ đầu từ tháng 6 có được duy trì hay không. Các quan chức Fed đang cảnh giác về khả năng lạm phạt chỉ tăng chậm trong vài tháng rồi sau đó tăng nhanh trở lại. Điều này từng diễn ra năm 2021 và 2022.

Theo nhà phân tích, lạm phát của Mỹ đang trên đà tiếp tục giảm trong suốt năm nay và các thước đo CPI tổng thể và cốt lõi sẽ lần lượt giảm xuống khoảng 3% và 4%.

Các nhà kinh tế cho biết, người Mỹ phải trả nhiều tiền hơn tại các trạm xăng trong tháng 8. Giá xăng cao hơn là nguyên nhân chính khiến CPI tăng tốc trong tháng 8.

Theo nhà cung cấp phân tích và dữ liệu năng lượng OPIS, giá trung bình của một gallon (3,78 lít) xăng loại thường là 3,84 đô la trong tháng 8 so với 3,6 đô la trong tháng 7. Giá xăng cao hơn trong tháng trước phản ánh nguồn cung dầu thắt sau khi Saudi Arabia và Nga cắt giảm sản xuất và xuất khẩu cùng nhiều yếu tố khác.

James Knightley, nhà kinh tế quốc tế trưởng của ngân hàng ING, cho rằng giả cả tổng thể tăng nhanh trong tháng 8 chỉ là một diễn biến bất thường tạm thời trong xu hướng lạm phát giảm dần trong dài hạn. Ông nhận định, với việc thị trường lao động Mỹ đang hạ nhiệt, người tiêu dùng trong những tháng tới có thể cảm thấy khó khăn hơn về mặt kinh tế. Điều này khiến họ giảm chi tiêu và hỗ trợ cho đà tăng giá cả chậm hơn nữa.

Theo Juneau của Bank of America, giá thực phẩm cũng tăng trong những tháng gần đây do hạn hán ở nhiều nơi ở Mỹ và các yếu tố khác.

Giá hàng thực phẩm và năng lượng ảnh hưởng lớn đến cách người Mỹ nhìn nhận lạm phát và có thể ảnh hưởng đến hành vi của họ, bao gồm cả mức lương mà họ yêu cầu từ người sử dụng lao động. Nếu lương tăng, giá cả dịch vụ sẽ tăng theo.

Các quan chức cấp cao của Fed gần đây tập trung sự chú ý vào một nhóm giá cả dịch vụ sử dụng nhiều lao động bằng cách loại trừ chi phí thực phẩm, năng lượng, chỗ ở và hàng hóa.

Các quan chức cho rằng, hạng mục dịch vụ có thể tiết lộ liệu áp lực tiền lương có tác động đến giá tiêu dùng hay không, đặc biệt khi họ dự kiến tốc độ tăng giá nhà ở và hàng hóa sẽ chậm lại.

Theo Lydia Boussour, nhà kinh tế cấp cao của hãng tư vấn EY-Parthenon, dịch vụ vận tải là động lực thúc đẩy xu hướng trong danh mục đó. Bà cho biết, giá vé máy bay giảm mạnh trong mùa hè này, nhưng có thể gây áp lực tăng giá dịch vụ nếu mức giảm giá đó bắt đầu chậm lại hoặc đảo ngược.

Boussour ghi nhận, giá của các dịch vụ cốt lõi đã ổn định hơn. “Chúng tôi thực sự muốn thấy hạng mục đó của lạm phát được kiểm soát để tiếp tục giúp tình hình giá cả cải thiện hơn”, bà nói.

Theo WSJ

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/lam-phat-cua-my-tang-toc-do-gia-xang/