Làm nội ứng tiêu diệt đồn Cẩm Phô Nam

Tháng 3-1947, thực dân Pháp đổ bộ đánh chiếm địa bàn Hội An. Chưa được tận hưởng thành quả của cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945 mang lại bao lâu, nhân dân Hội An cùng với nhân dân cả nước lại phải bắt tay vào cuộc kháng chiến cứu quốc trường kỳ và nhiều gian khổ.

Trong những năm tháng đầu kháng chiến, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Hội An đã phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương, kiên quyết đứng lên đánh đuổi kẻ thù, liên tục tấn công vào các địa điểm đóng quân của địch và lập được những chiến công xuất sắc. Một trong các địa điểm đó là đồn Cẩm Phô Nam. Đóng góp vào chiến thắng này, phải kể đến công lao không nhỏ của đồng chí Phạm Đình Phiến (bí danh Phạm Phiến) trong vai trò làm nội ứng cho quân ta tiêu diệt đồn Cẩm Phô Nam.

Chân dung ông Phạm Phiến. Ảnh: THANH SƠN

Đồng chí Phạm Phiến sinh ngày 1-1-1923 tại thị xã Hội An (nay là thành phố Hội An), tỉnh Quảng Nam. Ông mất năm 2008 tại phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Trong những năm tháng còn sống, ông thường xuyên kể cho con, cháu nghe những câu chuyện trong thời kỳ kháng chiến của ông nhằm giáo dục truyền thống "uống nước nhớ nguồn" cho thế hệ sau. Anh Phạm Thanh Sơn (con trai của ông Phạm Phiến) nhớ lại lời kể của cha mình: “Trước năm 1942, vì đời sống khó khăn nên cha tôi phải đi làm lính khố xanh (lính tập) cho Pháp. Sau đó, cha tôi được gặp đồng chí Võ Cửu và được đồng chí tuyên truyền giác ngộ lý tưởng cách mạng và được giao một số nhiệm vụ dưới sự chỉ đạo của Chi bộ binh lính khố xanh. Chi bộ binh lính khố xanh được Thành ủy Hội An thành lập vào tháng 9-1942, gồm 3 đồng chí: Nguyễn Thanh Sơn (Bí thư Thành ủy kiêm Bí thư chi bộ), Nguyễn Chúc (lính khố xanh) và Võ Cửu (tức Võ Tiến An - lính khố xanh). Chi bộ binh lính khố xanh thực hiện các nhiệm vụ: Cung cấp tình hình về số lượng binh lính, vũ khí trong đồn, vẽ sơ đồ đồn lính khố xanh, nhà giam binh, nhà công sứ Pháp, vận động anh em binh lính theo cách mạng, tích cực giúp đỡ anh chị em tù chính trị, giữ liên lạc giữa thành ủy Hội An với chi bộ nhà lao”.

Ông Phạm Phiến cùng vợ và các cháu. Ảnh: THANH SƠN

Đến đầu năm 1943, Chi bộ binh lính khố xanh dự định kết nạp thêm 3 đảng viên, trong đó có đồng chí Phạm Phiến. Tuy nhiên, kế hoạch này chưa được thực hiện thì các đồng chí trong Thành ủy Hội An và Chi bộ binh lính khố xanh đều bị địch bắt. Cơ sở cách mạng trong đồn lính khố xanh tuy đứt liên lạc với tổ chức Đảng bên ngoài nhưng vẫn tiếp tục hoạt động giữ vững liên lạc với chi bộ nhà lao.

Trong cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí Phạm Phiến cùng với những binh lính khố xanh cảm tình với cách mạng đã tham gia khởi nghĩa ở phủ lỵ Tam Kỳ. Sau đó, đồng chí về Hội An tham gia vào lực lượng vũ trang địa phương. Khi quân Pháp vào chiếm lại Hội An (đầu năm 1947), đồng chí được phân công tham gia vào hàng ngũ ngụy binh để tiếp tục hoạt động cách mạng trong lòng địch. Với cương vị trưởng đồn Cẩm Phô Nam - một tiền đồn quan trọng phía Nam nội ô Hội An - đồng chí đã góp phần rất lớn vào chiến thắng của quân ta trong một trận công đồn (đầu năm 1949). Đây là trận đánh tiêu diệt đồn địch bằng cơ sở nội ứng đầu tiên của ta trên chiến trường Quảng Nam lúc bấy giờ.

Tấm bia ghi chiến tích của ông Phạm Phiến và đồng đội đánh chiếm đồn Cẩm Phô Nam (tại UBND phường Cẩm Nam, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam).

“Cha tôi kể lại với tôi rằng, lúc bấy giờ cha tôi là trưởng đồn Cẩm Phô Nam nên được quân địch rất tin tưởng. Tuy vậy, cha tôi không chủ quan mà phải rất cẩn thận trong việc làm nội ứng bên trong lòng địch, bởi công việc này rất nguy hiểm nếu để lộ ra thì không chỉ nguy hiểm cho tính mạng của bản thân mà còn cả sự an nguy của đồng đội. Cha tôi đã không ngại hy sinh nguy hiểm để đưa lực lượng vũ trang ta vào tiêu diệt đồn trọn vẹn và nhanh chóng. Kết quả quân ta thu toàn bộ vũ khí quân trang quân dụng và bắt sống toàn bộ tù binh về nơi căn cứ an toàn. Về phía ta không bị thương vong một người nào, chiến công trên làm cho quân địch ở Hội An và tỉnh Quảng Nam hoang mang, sợ hãi” - anh Phạm Thanh Sơn kể lại.

Trong cuốn Lịch sử đấu tranh cách mạng xã Cẩm Nam (1945-1975) cũng có nhắc đến chiến thắng đồn Cẩm Phô Nam như sau: “Phản ứng trước tình hình ngày càng bất lợi, địch củng cố lại hệ thống đồn bốt, lô cốt của chúng, tăng cường những hoạt động bố phòng nghiêm ngặt. Chúng xây dựng đồn Cẩm Phô Nam thêm kiên cố và coi đây như là thành lũy bảo vệ vành đai phía Nam thị xã, một pháo đài bất khả xâm phạm ở vùng này. Chính vì vậy, ở đồn Cẩm Phô Nam trở thành một trong những mục tiêu quan trọng trong kế hoạch tiến công của quân ta. Tháng 2-1949, có cai Phiên (tức Phạm Phiến) làm nội ứng, du kích khu 4 phối hợp với biệt động thị mở trên tấn công đồn Cẩm Phô Nam lần thứ 2. Sau khi làm tan rã một trung đội Việt Binh đoàn, diệt tại chỗ 12 tên, thu toàn bộ vũ khí và bắt một số tù binh, quân ta rút về hậu cứ an toàn.

Ông Phạm Phiến được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.

Ðây là dấu son chói lọi trong lịch sử 9 năm kháng chiến của quân dân toàn thị xã nói chung và Cẩm Nam nói riêng. Lần đầu tiên trên chiến trường Quảng Nam quân ta tấn công tiêu diệt một đồn lũy kiên cố của địch bằng sự phối hợp với cơ sở nội ứng bên trong. Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ đương thời Khương Hữu Dụng đã dành cả bản trường ca “Từ đêm mười chín” để miêu tả và ca ngợi chiến công oanh liệt này”.

Sau trận đánh này, đồng chí Phạm Phiến được rút ra vùng tự do và tiếp tục hoạt động trong ngành binh - địch vận. Cho đến khi Hiệp định Geneve được ký kết (năm 1954), đồng chí Phạm Phiến tập kết ra miền Bắc.

Bài và ảnh: MINH DUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/lam-noi-ung-tieu-diet-don-cam-pho-nam-775525