Làm gì để tránh sai sót khi thực hiện quyết toán thuế?

Cuối tháng 3 là thời điểm các doanh nghiệp gấp rút thực hiện quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và gửi hồ sơ tới cơ quan thuế. Về cơ bản, thủ tục hồ sơ quyết toán thuế năm 2023 không có nhiều thay đổi so với năm trước. Tuy nhiên, để hạn chế sai sót, các chuyên gia đã chỉ ra một số điểm mà DN cần lưu ý trong quá trình thực hiện.

Nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp là công việc mà doanh nghiệp nào phải tuân thủ thực hiện sau khi kết thúc năm tài chính.

Đây cũng là công việc phức tạp, đòi hỏi độ chính xác cao và sự chuẩn bị kỹ càng đối với người làm công tác tài chính – kế toán và chủ doanh nghiệp, không chỉ bởi khối lượng công việc lớn mà còn áp lực về thời gian và trách nhiệm pháp lý.

Bởi vậy, Công ty phần mềm công nghệ MISA đã đưa ra một số lưu ý đối với các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện quyết toán thuế năm 2024.

Ảnh minh họa

Theo quy định hiện hành, quyết toán thuế hàng năm áp dụng đối với các loại thuế khai theo năm như thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Tuy nhiên, người làm công tác tài chính – kế toán nên rà soát lại tất cả các loại thuế đang có tại DN.

Theo MISA, trong năm, có một số loại thuế phải tạm khai định kỳ theo tháng, quý (thuế GTGT). Lúc này, không ít DN thực hiện khai theo giá tạm tính, lượng thực tế hoặc lượng tạm ghi nhận tại thời điểm tháng, quý này. Tuy nhiên, sau thời gian đó, có thể có thông tin bổ sung, điều chỉnh phù hợp với pháp luật. Lúc này, có DN đã điều chỉnh ngay, có DN do bận kinh doanh nên chưa kịp làm, dê dẫn đến việc sai sót trong quá trình quyết toán.

Các loại thuế, phí liên quan đến khai thác tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường (BVMT) cũng cần phải rà soát kỹ lưỡng, thận trọng. Ví dụ như, thuế BVMT đối với xăng dầu. Pháp luật quy định chỉ khi nào DN đầu mối kinh doanh xăng dầu bán ra thì mới tính thuế (vì thuế BVMT chỉ tính thu 1 lần duy nhất), còn các DN đầu mối này bán cho đầu mối kia thì chưa phải nộp. Như vậy, các DN cũng cần kiểm tra kỹ để tránh nộp thuế trùng ở một DN đầu mối nào đó.

Về vấn đề liên quan đến thuế GTGT, MISA cũng đưa ra lưu ý đối với các DN. Nhiều DN đặt câu hỏi nên áp dụng thuế suất 10% hay 8%?. Một số DN chọn 10%, vì nghĩ “thừa còn hơn thiếu”. Tuy nhiên, điều này cũng dễ dẫn đến rủi ro cho DN bên mua hàng. Bởi khi đó, bên bán xuất hóa đơn ghi 10%, nhưng mặt hàng đó thuộc diện giảm thuế GTGT. Vì vậy, DN phải ngồi tính lại cả giá mua để hạch toán chi phí thuế TNDN, ngoài ra còn bị phạt thuế do khai sai,... Chưa hết, nếu thực hiện hợp đồng bị vắt qua 2 năm, vắt qua 2 kỳ có thuế suất khác nhau sẽ rất dễ nhầm lẫn về mức thuế, thời điểm khai.

Trong năm, cũng có không ít DN được hưởng lợi từ các chương trình đầu tư công của Nhà nước. Lúc này, DN cần lưu ý, phải có chứng từ thực chi mới được giải ngân. Vậy nên nhiều trường hợp có khối lượng, có biên bản nghiệm thu, có hóa đơn của bên B thì bên A mới chi tiền, hoặc tạm chi, tạm ứng. Thuế GTGT được kê theo từng hóa đơn. Bất kỳ lúc nào có hóa đơn GTGT là DN phải kê khai thuế ngay, kể cả trên hóa đơn ghi giá tạm tính, sản lượng tạm ghi nhận, MISA lưu ý.

Đối với quy định về các bên có giao dịch liên kết, theo Điều 5 Nghị định 132/2020/NĐ-CP, MISA lưu ý các DN chú ý 2 khoản. Cụ thể, khoảng (d), một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay; khoản (l), DN có phát sinh các giao dịch nhượng, nhận chuyển nhượng vốn góp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế; vay, cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm phát sinh giao dịch trong kỳ tính thuế với cá nhân điều hành, kiểm soát doanh nghiệp hoặc với cá nhân thuộc trong một các mối quan hệ theo quy định tại điểm g khoản này.

Bên cạnh đó, MISA cũng đề cập đến vấn đề liên quan đến chi phí được trừ và không được trừ. Theo quy định, thực chi liên quan đến hoạt động của DN/ Khoản chi có hóa đơn/chứng từ hợp pháp, không bị vi phạm quy định của 37 khoản chi/Khoản chi không vi phạm giới hạn 20 triệu đồng tiền mặt.

Ngoài ra, khi thực hiện quyết toán thuế, các DN cũng cần lưu ý đến các vấn đề liên quan đến trích lập các khoản dự phòng, ưu đãi thuế TNDN, hoạt động quảng cáo trên google, facebook,…

Giang Anh

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tai-chinh/lam-gi-de-tranh-sai-sot-khi-thuc-hien-quyet-toan-thue-121528.html