Lãi suất cao của Mỹ không còn tác động nghiêm trọng đến các thị trường châu Á

So với quá khứ, lãi suất cao hiện nay của Mỹ ít ảnh hưởng tiêu cực đối với các tài sản ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngoại trừ Nhật Bản, theo nhận định của các chuyên gia.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và giá đô la tăng mạnh trong phần lớn năm nay do Fed thắt chặt tiền tệ, gây áp lực lên các thị trường mới nổi ở châu Á nhưng không gây ra tác động nghiêm trong như trước đây. Ảnh: Getty

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và giá đô la tăng mạnh trong phần lớn năm nay do Fed thắt chặt tiền tệ, gây áp lực lên các thị trường mới nổi ở châu Á nhưng không gây ra tác động nghiêm trong như trước đây. Ảnh: Getty

Jane Andrews, người sáng lập quỹ tập trung vào châu Á BambuBlack Asset Management (Anh), đã đầu tư vào thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương từ cuối những năm thập niên 1990 khi một cuộc khủng hoảng nợ công làm chao đảo thị trường. Bà cho rằng cuộc khủng hoảng này một phần là hậu quả của những thay đổi trong điều kiện tín dụng toàn cầu. Những điều kiện như vậy cũng đã xảy ra trong năm qua, khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất liên tục để chống lạm phát.

Andrews ghi nhận, trong lịch sử, khi lãi suất của Mỹ tăng cao, đẩy tăng lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ, điều này tác động tiêu cực đối với các thị trường mới nổi. Lợi suất trái phiếu cao khiến các tài sản rủi ro hơn như cổ phiếu của thị trường mới nổi kém hấp dẫn, và do đó các nhà đầu tư sẽ có xu hướng rút vốn khỏi đó.

Ngoài ra, vì nhiều công ty và chính phủ ở thị trường mới nổi chỉ có thể vay bằng đô la, lãi suất của Mỹ cao hơn sẽ khiến chi phí trả nợ tốn kém hơn, làm giảm nguồn vốn sẵn có để các công ty và nước đó phát triển.

“Điều này đã từng xảy ra trong quá khứ, nhưng bây giờ, tác động của lãi suất cao ở Mỹ ít hơn nhiều. Khẩu vị của nhà đầu tư với tài sản ở thị trường mới nổi vẫn bị ảnh hưởng bởi lãi suất cao của Mỹ. Nhưng các yếu tố cơ bản đã thay đổi vì có nhiều nhà đầu tư trong nước hơn ở các nền kinh tế này và cho đến nay có nhiều khoản nợ của họ được phát hành bằng nội tệ hơn”, Andrews nói.

Khối lượng nợ ngoại tệ phát hành tại các thị trường mới nổi đã giảm đáng kể trong hai năm qua do chi phí vay tăng cao. Theo Dealogic, các thị trường mới nổi đã phát hành khoảng 360 tỉ đô la nợ ngoại tệ trong năm nay, sau tổng số phát hành 380 tỉ đô vào năm 2022 và 700-800 tỉ đô la mỗi năm trong ba năm trước đó.

Andrews cho rằng, các thị trường mới nổi đã rút ra rất nhiều bài học từ cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Á. Hầu hết các nước châu Á – Thái Bình Dương cũng theo đuổi chính sách tiền tệ chính thống trong những năm gần đây và không triển khai nới lỏng định lượng.

Với tư cách là một nhà đầu tư trong khu vực, Andrews đến thăm Trung Quốc lần đầu tiên vào năm 1991. Đề cập đến khoảng thời gian đó, bà nói: “Các nhà máy khi đó giống như thứ gì đó từ thời tối tăm, và xe đạp có khắp mọi nơi. Bây giờ, Trung Quốc có cơ sở hạ tầng tuyệt vời và là nước dẫn đầu thế giới về xe điện”.

Tuy nhiên, bà lưu ý dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đã đạt đỉnh vào năm 2014 hoặc 2015. Một trong những vấn đề mà các nhà đầu tư quan tâm đến Trung Quốc là các công ty và cơ quan chính quyền ở đó có xu hướng đầu tư để đáp ứng các mục tiêu của trung ương, đồng nghĩa với việc một số vốn được triển khai không hiệu quả. Thực tế là vào năm 1991, cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc đều không thể đầu tư được.

Bà cho rằng, Ấn Độ đi sau Trung Quốc 16 đến 18 năm về công nghiệp hóa vì Trung Quốc có thể lập kế hoạch tập trung. Nhưng theo bà, việc thiếu các mục tiêu do chính quyền trung ương đặt ra có thể đồng nghĩa với chất lượng tăng trưởng ở Ấn Độ cao hơn ở Trung Quốc.

Theo Guy Miller, nhà chiến lược thị trường và nhà kinh tế trưởng tại hãng bảo hiểm Zurich Insurance (Thụy Sĩ), một trong những yếu tố khiến thị trường châu Á ít bị ảnh hưởng bởi mức lãi suất cao của Mỹ là do các ngân hàng trung ương ở đó chủ động thắt chặt chính sách tiền tệ. Do vậy, họ không còn phụ thuộc vào Fed để giảm lạm phát. Ông lưu ý thêm, khu vực châu Á -Thái Bình Dương vẫn rất nhạy cảm với chu kỳ sản xuất toàn cầu và nhu cầu của Trung Quốc.

“Có vẻ như tình trạng sản xuất trì trệ trên toàn cầu đã chạm đáy, và chúng tôi có quan điểm tích cực về nền kinh tế Trung Quốc kể từ đây. Dù sức mạnh của đồng đô la Mỹ là một trở ngại đối với các thị trường mới nổi, nhưng tôi nghĩ điều đó sẽ đảo ngược vì chúng ta có thể chứng kiến đồng bạc xanh giảm giá khi tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại”, Miller nói.

Cuộc khảo sát hồi tháng 11 cho thấy giới đầu tư trở nên lạc quan đối với hầu hết tiền tệ ở các thị trường mới nổi ở châu Á, khi triển vọng Mỹ chấm dứt tăng lãi suất khiến đô la yếu đi và thúc đẩy làn sóng đổ xô vào các tài sản rủi ro trong khu vực. Theo cuộc khảo sát, các nhà đầu tư đặt cược tăng giá đối với đồng won Hàn Quốc, đô la Đài Loan và peso Philippines ở mức cao nhất kể từ ngày 9-2, trong khi vị thế mua vào đồng đô la Singapore và đồng rupiah Indonesia đang mức cao nhất trong 4 tháng.

Theo Financial Times, Reuters

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/lai-suat-cao-cua-my-khong-con-tac-dong-nghiem-trong-den-cac-thi-truong-chau-a/