Lạc quan xây hạnh phúc

Chị đang lúi húi dưới bếp chuẩn bị bữa cơm chiều, nghe tiếng gọi hoảng hốt của mấy đứa nhỏ đang chơi ngoài ngõ vội chạy ra.

Minh họa: Vietpink

Con trai chị đang nhăn nhó, tay phải đỡ tay trái. Chị chưa kịp hỏi gì, bọn trẻ đã lao xao:

- Bạn Hoàng bị gãy tay rồi cô! Gãy tay rồi!

Rồi bọn trẻ nhắc đến nguyên nhân khiến bạn gãy tay trong khi chị chuẩn bị đưa con đi bệnh viện. Vừa đi, chị vừa động viên con.

Trở về nhà với cánh tay bị bó bột, con trai luôn nhăn nhó và cảm thấy khó chịu vì không quen. Chồng chị vừa thấy con như vậy đã định cằn nhằn vì tội chơi đùa không cẩn thận. Nhìn ánh mắt lấm lét, sợ sệt của thằng bé khi thấy khuôn mặt khó đăm đăm đó, chị gạt đi:

- Thôi, cũng may là gãy tay trái.

- Con gãy tay sao mẹ lại nói là may? – Con trai khó hiểu nhìn chị.

- Rõ ràng! Con xem, nếu là gãy tay phải, làm sao đi học ghi bài được và mọi việc ăn uống, sinh hoạt sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều so với bị gãy tay trái. May nữa là chỉ bị gãy miếng đầu của xương quay nên sẽ nhanh lành chứ gãy cả cánh tay thì cả tháng chưa chắc đã lành được.

Rồi chị nhẹ nhàng dặn dò con lần sau đi chơi phải cẩn thận, động viên con cố gắng chịu khó làm theo lời dặn dò của bác sĩ cho nhanh lành.

Chị ngồi trầm ngâm. Chẳng phải mình dửng dưng với sự đau đớn, không may của con. Con bị vậy, chị xót lắm chứ nhưng la rầy phỏng có ích gì? Hay cứ ngồi than vãn, xuýt xoa liệu tay con có nhanh lành hơn không? Chi bằng cứ nghĩ đến những điều tốt đẹp, mọi thứ sẽ trở nên nhẹ nhõm, tâm hồn cũng thoải mái hơn rất nhiều.

Chị nhận ra, chính suy nghĩ của chúng ta sẽ khiến mọi việc trở nên tốt đẹp hơn hay tồi tệ đi chứ sự tốt đẹp hay tồi tệ không nằm ở bản thân sự việc. Khi đối mặt với những khó khăn, suy nghĩ lạc quan sẽ tạo nên sức mạnh giúp con người vượt qua tất cả để tiến về phía trước. Úp mặt vào đôi bàn tay đan chặt để ỉ ôi, rên rỉ chỉ khiến con người ta thêm bế tắc mà thôi.

Nghĩ lan man mãi chị lại nghĩ đến mình. Không riêng gì chuyện thằng con, từ trước tới nay chị gặp không ít những khó khăn, trở ngại nhưng nhờ có những suy nghĩ lạc quan mà chị đã mạnh mẽ vượt qua.

Ngày chồng chị buồn rầu thông báo toàn bộ tiền của hai vợ chồng tích cóp để đầu tư làm ăn đã bị mất trắng. Chị khóc rất nhiều, bỏ ăn, rũ rượi khổ đau tưởng như không còn muốn sống nữa.

Nhưng rồi chị nhớ tới câu nói mình đã từng đọc ở đâu đó: “Những khó khăn trong cuộc sống là điều không tránh khỏi. Việc cần làm là lựa chọn cách thức để vượt qua”. Chị gạt nước mắt động viên chồng cố lên, còn người còn của. Chỉ cần mình không bệnh tật ốm đau, vợ chồng đồng lòng, chẳng gì có thể làm khó mình được.

Ngày chị nhận ra một đơn hàng hơn hai trăm ly trà sữa của mình cho ngày tổng kết của một trường học bị hủy là do người bạn lâu nay phá ngang, chị buồn lắm chứ. Nhưng không phải buồn vì bị mất hợp đồng, mà vì chị nghĩ tình bạn bao năm chỉ đáng giá bấy nhiêu ly trà sữa đó thôi sao? Rồi chị lại thở phào, cũng nhờ đó mà mình biết rõ con người thật của bạn. Chị cười nhẹ tênh mỗi khi vô tình gặp lại bạn ở chỗ này, chỗ kia. Chẳng tiếc nuối, chẳng hờn trách điều gì, bởi với chị, bạn và chị đã hết duyên.

Ảnh minh họa: ITN.

Rồi những năm dịch Covid-19 hoành hành, mỗi ngày cả nước không biết bao nhiêu ca nhiễm, quanh làng quanh xã chẳng thiếu gì người nhiễm. Chị cuống cuồng lo lắng khi mẹ chồng chị - ngoài tám mươi, lẩm cẩm, bệnh nền, chưa tiêm vắc-xin bị nhiễm Covid-19.

Anh chị đang không biết phải làm sao nếu đưa mẹ đi cách ly điều trị, làm sao mẹ tự chăm sóc bản thân? Ngày hôm sau, vợ chồng chị và hai đứa con được test kiểm tra do là F1. Chồng chị thêm lo khi trong nhà có thêm chị thành F0, chị trao lại đứa con nhỏ sang tay chồng, trộm nghĩ: May quá. Thực sự, lúc đó chị thấy may khi chồng và hai con không sao, may khi mình cũng là F0 để có thể đi cách ly cùng mẹ, để tiện chăm sóc mẹ già.

Ngày đưa được mẹ từ bệnh viện khỏe mạnh trở về, chị chẳng nghĩ gì đến những khó khăn trong quãng ngày ở viện giành giật mẹ với tử thần mà chị cười tươi vui mừng trong tâm thế người chiến thắng.

Có lần, chồng chị đi công tác, chị phải nhập viện vì đau ruột thừa. Gửi gắm con cho hàng xóm xong, dặn dò hai con những điều cần thiết, chị sắp ít đồ dùng cá nhân rồi gọi xe vào bệnh viện.

Mấy chị hàng xóm vây quanh, tội quá, lúc bệnh tật không có chồng ở nhà. Chị cười, cũng may có hàng xóm giúp đỡ trông nom nhà cửa, con cái. Ca mổ thành công, may mà có bạn bè bên cạnh, chị gọi điện cho chồng, nhắn anh yên tâm, không có gì phải lo lắng.

Bao năm qua, chị luôn sống với quan niệm nhẹ nhàng như thế. Xui rủi, khó khăn chính là thứ lửa đỏ để tôi luyện trong chị tinh thần mạnh mẽ, lạc quan. Đối với chị, trong bước tiến cuộc đời đôi khi có những quãng trầm, dừng lại để nhìn lại phía sau, nhưng dừng lại không có nghĩa là đắm chìm trong những suy nghĩ bi quan bởi những khó khăn, thất bại của mình, mà dừng lại để ngẫm, để thấy mình thật may mắn khi còn có cơ hội rút kinh nghiệm để hướng tới một ngay mai tốt đẹp hơn.

Sau lần bị gãy tay này, chắc chắn con trai chị sẽ rút ra được bài học cho riêng mình. Con sẽ phải cẩn thận hơn khi đi xe, đi học hay trong những lần chơi đùa khác. Con sẽ học được cách đồng cảm với những nỗi đau hay những khó khăn của những người không may mắn được lành lạnh. Chị nghĩ vậy và mỉm cười…

Trương Thị Thúy (Giáo viên Trung tâm GDNN-GDTX Tuy Phước, Bình Định)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lac-quan-xay-hanh-phuc-post679981.html