Lá cờ đầu của hoạt động 'nam nữ bình quyền' 100 năm trước

Theo TS Bùi Trân Phượng, báo chí, xuất bản phẩm là những lá cờ đầu trong hoạt động nữ quyền sôi nổi nửa đầu thế kỷ 20.

Nhiều người trẻ ngày nay nghĩ rằng nữ quyền là vấn đề mới chỉ nổi lên tại Việt Nam trong những năm gần đây, trước sự du nhập mạnh mẽ các nền văn hóa khác. Song thực tế từ hơn một thế kỷ trước, đây đã là mối quan tâm bức thiết của những trí thức hàng đầu, là chủ đề đàm luận thường xuyên xuất hiện trên các xuất bản phẩm.

Sôi nổi hoạt động nữ quyền ba miền nửa đầu thế kỷ 20

Tiến sĩ Bùi Trân Phượng (nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa) nhận định rằng làn sóng đấu tranh vì nữ quyền ở Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ 20 là hoạt động diễn ra sôi nổi, rộ khắp ba miền Bắc - Trung - Nam dù bối cảnh chính trị-xã hội mỗi nơi là khác nhau.

 TS Bùi Trân Phượng. Ảnh: Người Đô Thị.

TS Bùi Trân Phượng. Ảnh: Người Đô Thị.

Tham gia vào làn sóng này là trí thức cả nam lẫn nữ thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề từ nhà văn hóa (Phạm Quỳnh), nhà giáo (Đặng Văn Bảy, Trần Thị Như Mân), nhà báo (Phan Khôi, Nguyễn Thị Kiêm…), nhà văn, người xuất bản sách (Phan Thị Bạch Vân), nhà văn, nhà khảo cứu (Đạm Phương nữ sử, Huỳnh Bảo Hòa), nhà thơ (Anh Thơ, Ngân Giang)... cho đến nhà hoạt động cách mạng (Phan Bội Châu, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thị Minh Khai…). Họ hoạt động đa dạng, từ viết bài, tranh luận trên báo chí đến viết sách, diễn thuyết, tổ chức hội đoàn, lập nhà xuất bản...

Đáng chú ý rằng tư tưởng chính trị lẫn tư tưởng về nữ quyền của họ cũng rất khác biệt nhau (ví dụ Phan Bội Châu gắn kết phụ nữ với dân tộc, Đặng Văn Bảy bàn về nữ quyền dựa trên bình diện công lý - bình đẳng, nhân đạo...) song tiếng nói của họ tìm thấy một điểm chung: ấy là sự đồng lòng, nhất loạt lên tiếng kêu gọi những cách tân trong xã hội để đấu tranh cho quyền của phụ nữ, đều thừa nhận rằng nam nữ bình đẳng là căn cốt trọng yếu của một xã hội văn minh.

TS Bùi Trân Phượng nhận xét rằng họ đều là trí thức có chiều sâu về tư tưởng, chứ không đơn thuần chỉ là cây bút, nhà báo viết về nữ quyền. Trong đó trường hợp Hoành Sơn Đặng Văn Bảy, dù chỉ là một nhà giáo dạy cấp 2, nhưng tác phẩm Nam nữ bình quyền (viết từ năm 1925 đến năm 1927, in năm 1928) của ông được đánh giá là đã tiến rất xa trong tư tưởng về nữ quyền.

Ông nêu lý do viết cuốn sách: “Tôi đề xướng nam nữ bình quyền là do thấy phần nhiều đàn bà con gái bị chê bỏ, hiếp đáp, còn đàn ông con trai lại quá tự do. Phép công bình là đôi bên phải đồng, không khinh không trọng, không thấp không cao”.

 Tác phẩm Nam nữ bình quyền trong các năm qua đã được một số đơn vị xuất bản tái phát hành. Bìa sách này là bản thuộc tủ sách Phụ nữ tùng thư của Nhà xuất bản Phụ nữ. Ảnh: NXB Phụ nữ.

Tác phẩm Nam nữ bình quyền trong các năm qua đã được một số đơn vị xuất bản tái phát hành. Bìa sách này là bản thuộc tủ sách Phụ nữ tùng thư của Nhà xuất bản Phụ nữ. Ảnh: NXB Phụ nữ.

Ngày nay nhìn lại, TS Bùi Trân Phượng nhận định cuốn sách dù chỉ vỏn vẹn 60-70 trang, song lại đạt đến một mức độ cách tân và thấu đáo xứng đáng được xem là tác phẩm kinh điển về nữ quyền của Việt Nam và cả thế giới, trong bối cảnh xã hội thuộc địa.

Một điều đáng lưu ý là thời ấy phương tiện thông tin liên lạc hiếm hoi và bất tiện hơn ngày nay rất nhiều, lại thêm bị kiểm soát, kìm hãm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp nên các hoạt động xuất bản sách, báo gặp nhiều trở ngại.

Dẫu vậy, những tờ báo lá cờ đầu của nữ quyền luận như Phụ nữ tân văn lại hoạt động sôi nổi, lưu thông trên cả ba miền, được đông đảo bạn đọc chờ đón và hưởng ứng.

Không chỉ bàn chuyện phụ nữ trong nước, các cây bút còn liên tục cập nhật tình hình thế giới (qua ít ỏi nguồn tài liệu rất khó khăn mới du nhập về được) và từ đó có những so sánh, đối chiếu, truy vấn về vị trí và quyền lợi của phụ nữ trong xã hội Việt Nam so với thế giới.

Ví dụ có thể kể đến các bài viết của Phan Khôi như Đàn bà mới của một nước mới Thổ Nhĩ Kỳ, Giới thiệu ít nhiều nhân vật mới của Trung Hoa,...

Sách và hoạt động vì phụ nữ ngày nay

"Lịch sử không phải lúc nào cũng đi theo tuyến tính", TS Bùi Trân Phượng nói khi nhận định về sự phát triển của nữ quyền ở Việt Nam. Theo bà, ngày nay kiến thức về về vị trí của nữ giới xuyên suốt lịch sử Việt Nam và đặc biệt là phong trào đấu tranh nữ quyền sôi nổi đầu thế kỷ 20 chưa được phổ cập rộng rãi, đầy đủ.

Điều này tạo ra đứt gãy trong hiểu biết về nữ quyền và dẫn đến hệ lụy đáng tiếc là nữ quyền tại Việt Nam ngày nay chưa kế thừa được kinh nghiệm và thành quả từ phong trào nửa đầu thế kỷ 20.

Theo TS Bùi Trân Phượng, nhiều khía cạnh của phong trào này sẽ là gợi ý quan thiết cho hoạt động đấu tranh vì nữ quyền ngày nay.

Đơn cử có thể kể đến việc các trí thức hoạt động vì nữ quyền đều nhìn vào di sản văn hóa, văn học Việt Nam (lấy ví dụ Phan Bội Châu viết vở tuồng Trưng Nữ vương, Nguyễn An Ninh viết tuồng Hai Bà Trưng, hay Phan Khôi viết các bài Việt Nam phụ nữ liệt truyện, Văn học với nữ tánh…).

Từ đây họ đánh giá, nhận định người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa kia và xã hội thuộc địa đương thời chưa được tạo điều kiện ở mặt nào, hay được tôn trọng ở mặt nào.

Song song đó, các trí thức tích cực cập nhật tin tức thời sự, các chuyển biến về xã hội và thay đổi về bình quyền tại các nước trên thế giới. Những hiểu biết này đặt ra cơ sở để nhận thức vị thế của người phụ nữ trong xã hội ta có điểm nào tích cực hay điểm nào còn bất lợi, "biết người biết ta" để bắt kịp với thế giới.

Từ đây, cuộc đấu tranh vì nữ quyền đi ra từ chính cộng đồng, đời sống quần chúng, vì nhu cầu bức thiết cần cách tân đổi mới, chứ không chỉ vì chạy theo phong trào hay lý thuyết đơn thuần. Tư tưởng đấu tranh vì nữ quyền là mối quan tâm thực sự và sâu sắc của những trí thức hàng đầu. Và ấy là những tiếng nói đa dạng, có quan điểm và chính kiến riêng.

TS Phượng gợi ý Tủ sách Phụ nữ tùng thư của Nhà xuất bản Phụ nữ là một điểm khởi đầu tốt để những ai quan tâm đến nữ quyền tìm đọc, bên cạnh ấn bản các tờ báo đấu tranh cho nữ quyền như Phụ nữ tân văn, Phụ nữ thời đàm… nay đã được số hóa và dễ dàng truy cập trên mạng. Tủ sách giới các tuyển tập sách, báo về nữ quyền trong nửa đầu thế kỷ 20, đồng thời dịch và giới thiệu nhiều tác phẩm kinh điển về nữ quyền trên thế giới.

Đọc và tìm hiểu những di sản này là nền tảng để phát triển hoạt động nữ quyền trong bối cảnh hiện tại. Thay cho lời kết, xin mượn lời của nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai: "Khi nhiều phụ nữ giác ngộ, thì sự nghiệp giải phóng phụ nữ mới hoàn thành được" (*).

(*) Lê Minh, Người chị, Nhà xuất bản Phụ nữ, Hà Nội, 1976. Trong lần tái bản có tựa đề Chị Minh Khai, NXB Thanh niên, Hà Nội, 2005. Câu trên trích từ trang 147 của bản in năm 2005.

Tâm Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/la-co-dau-cua-hoat-dong-nam-nu-binh-quyen-100-nam-truoc-post1463959.html